Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Điều thô nhập khẩu: Cung không thiếu nhưng chất lượng cần phải quan tâm
19 | 03 | 2019
Việc trộn hạt điều cũ, chất lượng kém vào hàng mới là có thể xảy ra và rất khó kiểm soát hết ngay từ khâu thu mua của nông dân đến cả quá trình lưu thông, lưu kho.

Nhờ thời tiết thuận lợi, vụ điều ở Việt Nam và Campuchia năm nay đang rất tốt. Ông Nguyễn Minh Họa, GĐ Cty TNHH Bimico (Tây Ninh), nhận định, sản lượng điều ở Campuchia không dưới 300 ngàn tấn. Ước tính mỗi ngày khoảng 15 ngàn tấn điều thô Campuchia được đưa về Việt Nam.

Giữ vững vị thế người mua

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong 2 tháng đầu năm nay, ngành điều đã NK 138.833 tấn điều thô, trị giá 224,924 triệu USD. So với cùng kỳ 2018, lượng điều thô NK giảm 1,37% về lượng và giảm tới 29,18% về giá trị. Điều này cho thấy giá điều thô đã giảm mạnh trên thị trường thế giới. Thống kê của ngành hải quan cho thấy rõ điều này. Trong 2 tháng qua, giá điều thô NK bình quân 1.623 USD/tấn, giảm 27,96% so cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều dự báo cho thấy giá điều thô NK sẽ còn tiếp tục giảm, khi mà thị trường nhân điều vẫn chưa sôi động.

Tuy vậy, nhờ nguồn cung điều thô tăng lên đáng kể ở trong nước và từ Campuchia, từ đầu năm đến nay, các DN điều Việt Nam đang chế biến chủ yếu từ 2 nguồn nguyên liệu này mà chưa mấy quan tâm tới điều thô NK từ Châu Phi. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng giúp cho giá điều thô NK từ Châu Phi giảm mạnh.

Ông Alex Trần, TGĐ Cty Hạt điều Mỹ An (Long An), cho rằng, vị thế của người mua điều nguyên liệu năm nay rất mạnh, khi mà sản lượng dồi dào, các DN Ấn Độ lại không mấy mặn mà trong việc thu mua điều thô Châu Phi, nên sự cạnh tranh trong thu mua điều thô Châu Phi giữa Việt Nam và Ấn Độ không cao và gay gắt như những năm trước.

Chính vì vậy, để đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất, các DN điều Việt Nam cần phải giữ vững vị thế của người mua, bất kể người bán điều thô đặt ra những điều kiện gì.

Theo ông Nguyễn Minh Họa, riêng về giá cả, điều thô Châu Phi mà chào giá từ 1.300 USD trở lên thì không cần phải quan tâm, vì đang có sẵn nguồn điều thô trong nước và Campuchia.

Ông Tạ Quang Huyên, GĐ Cty Hoàng Sơn 1 (Bình Phước), nhấn mạnh, các DN Việt Nam cần tẩy chay, từ chối những hợp đồng mua bán điều thô không đưa ra được những điều khoản công bằng thương mại cho cả 2 bên.

Chú ý chất lượng

Theo ông Phạm Công, Chủ tịch Vinacas, thời gian gần đây, có thông tin cho rằng vụ mùa điều năm nay của Việt Nam và Campuchia kém; do thời tiết, châu Phi mất mùa dẫn đến sản lượng điều của thế giới giảm. Những thông tin này là không đúng.

Theo đánh giá thực tế của các DN đang trực tiếp thu mua, kinh doanh, chế biến điều lớn, có nhiều kinh nghiệm, vụ mùa của Việt Nam và Campuchia đang diễn ra bình thường. Một số vùng của Châu Phi có thể bị tác động của khí hậu nhưng điều được trồng trên diện rộng ở Châu Phi nên không thể lấy tình hình ở một số khu vực để nói Châu Phi mất mùa.

Dự kiến, tổng sản lượng điều của thế giới gần 4 triệu tấn, tăng 300.000-400.000 tấn so với 2018. Do đó, lượng điều thô cung ứng cho thị trường sẽ không thiếu.

Vừa qua, có một số DN Việt Nam đã phá vỡ chủ trương của VINACAS, và thỏa thuận của VINACAS với hiệp hội điều một số nước (đặc biệt là thỏa thuận mới ký với CEPCI - Ấn Độ), đã ký kết hợp đồng và thanh toán đặt cọc theo tỷ lệ 15% trở lên (nếu thanh toán theo hình thức hỗn hợp TTR/DP). 

Một số nhà XK điều thô yêu cầu thanh toán 100% thay vì cho phép giữ lại 2%, sau khi có kiểm định của Vinacontrol/Cafecontrol mới cân đối để thanh toán hết. Ký như vậy là bất lợi và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Để góp phần ổn định thị trường, giảm thiểu rủi ro cho cả ngành điều và các doanh nghiệp, với những DN không thực hiện các chủ trương của Vinacas, cố tình mua bán phá giá và gây nhiễu loạn thị trường, Vinacas sẽ xem xét để công bố trên các group và phương tiện truyền thông nội bộ; đồng thời, cảnh báo rủi ro với ngân hàng để lưu ý khi cho vay thực hiện hợp đồng.

Chất lượng điều thô là điều các DN cần đặc biệt chú ý, Châu Phi vẫn còn tồn một lượng điều thô không nhỏ từ vụ cũ. Việc trộn hạt điều cũ, chất lượng kém vào hàng mới là có thể xảy ra và rất khó kiểm soát hết ngay từ khâu thu mua của nông dân đến cả quá trình lưu thông, lưu kho.

Do vậy, khi ký hợp đồng DN nên chọn đối tác là DN lớn, có uy tín để giảm thiểu rủi ro, nếu có vấn đề về chất lượng thì họ cũng hợp tác để xử lý trên tinh thần trách nhiệm chứ không phủi tay. Nên thỏa thuận với đối tác và ghi vào hợp đồng rõ ràng, chi tiết về chất lượng. Chọn đơn vị kiểm định chất lượng độc lập có năng lực để kiểm định hàng.

Nhiều DN phản ảnh, Cơ quan KDTV đã yêu cầu tiến hành kiểm tra, lấy mẫu toàn bộ những lô hàng điều thô NK có nguồn gốc từ Châu Phi tại cảng, thay vì cho phép đưa về kho của DN như trước kia.

Việc này làm khó khăn và phát sinh nhiều chi phí, thời gian của DN; sẽ gây ách tắc tại cảng khi vào cao điểm của vụ chế biến; ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của toàn ngànhnăm 2019.

Vấn đề này Vinacas đã có công văn số 08/2019/CV-HHĐ ngày 15/1/2019 gửi Cục BVTV - Bộ NN-PTNT và Chi cục KDTV Vùng II. Vinacas đã tiếp tục có văn bản gửi 2 cơ quan trên đề nghị tháo gỡ cho ngành điều. 

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

 



Báo cáo phân tích thị trường