Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu nông lâm thủy sản Quý I/2019: Gỗ và các sản phẩm gỗ bứt phá
03 | 04 | 2019
Theo Tổng cục Hải quan, tính đến nửa đầu tháng 3, XK gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 1,822 tỷ USD, bỏ xa so với mặt hàng đứng thứ 2 là thủy sản (đạt 1,431 tỷ USD)

Về thị trường, đáng chú ý nhất là thị trường Mỹ, khi XK gỗ và sản phẩm gỗ sang nước này tăng rất mạnh trong 2 tháng qua (tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2018) và đạt 636,4 triệu USD. Thị trường số 2 là Nhật Bản cũng tăng 7,3% trong 2 tháng và đạt 182,441 triệu USD.

Điều đáng chú ý là XK gỗ của tháng đầu năm đã đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, điều này cho thấy một khởi đầu đầy thuận lợi của ngành gỗ trong năm 2019. Cụ thể, trong tháng 1, XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt 981,1 triệu USD, tăng tới 26,8% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, trị giá XK sản phẩm gỗ đạt 731,7 triệu USD, tăng 28,8%.

XK các nhóm mặt hàng chính trong tháng 1 đều tăng trưởng cao. Giá trị XK mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đạt 659,8 triệu USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn là mặt hàng XK chính trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ XK trong tháng 1, với trị giá 210 triệu USD, tăng 25,8%. Mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn XK chủ yếu tới một số thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada... Riêng trị giá XK sang Mỹ chiếm tới 57,4% tổng trị giá XK đồ nội thất phòng khách và phòng ăn của Việt Nam.

Mặt hàng ghế khung gỗ XK cũng đạt tốc độ tăng trưởng rất cao trong tháng 1 với trị giá 183,9 triệu USD, tăng 49,3% so với tháng 1/2018.

Ghế khung gỗ của Việt Nam XK chủ yếu sang thị trường Mỹ trong tháng 1, với giá trị 111 triệu USD, tăng 74,8% so với tháng 1/2018, chiếm tới 60,4% tổng trị giá XK ghế khung gỗ của Việt Nam.

Đặc biệt, tháng khởi đầu năm rất thuận lợi đối với mặt hàng đồ nội thất văn phòng sau một năm sụt giảm liên tiếp, với giá trị trong tháng 1 đạt 36,2 triệu USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Mặt hàng đồ nội thất văn phòng XK chủ yếu tới thị trường Mỹ (chiếm tới 57,7% tổng giá trị XK đồ nội thất văn phòng) và Nhật Bản (chiếm 22,2%).

Tháng 2, giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ có giảm mạnh, khi chỉ đạt 401 triệu USD, giảm hơn 1 nửa so với tháng 1, nhưng đây là do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài chứ không phải từ phía thị trường.

Bằng chứng là sang tháng 3, XK gỗ và sản phẩm gỗ đã trở lại ngay với đà tăng trưởng tốt, khi mà chỉ trong nửa đầu của tháng, giá trị XK gỗ và sản phẩm gỗ đã vượt qua cả tháng 2 và đạt 436 triệu USD.

Như vậy, tính thêm cả nửa đầu tháng 3, XK gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 1,822 tỷ USD, bỏ xa so với mặt hàng đứng thứ 2 là thủy sản (đạt 1,431 tỷ USD từ đầu năm đến 15/3).

Theo ông Nguyễn Liêm, PCT Hiệp hội Gỗ Bình Dương, đầu ra XK gỗ và sản phẩm gỗ hiện vẫn đang rất thuận lợi, các DN tại địa phương XK đồ gỗ lớn nhất nước này đều không thiếu hợp đồng, đơn hàng nhìn chung rất nhiều. Một số DN đã phải từ chối một số hợp đồng mới vì làm không kịp.

Ông Bùi Như Việt, GĐ Cty CP Kỹ nghệ gỗ Long Việt (Bình Dương), cũng cho biết, đầu ra, đơn hàng XK của gỗ và sản phẩm gỗ không chỉ ở trong những tháng đầu năm mà cả trong thời gian tới không có gì đáng lo ngại.

Theo nghiên cứu từ Researchnester.com, thị trường nội thất văn phòng toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ CAGR là 6,7% trong giai đoạn năm 2017-2024 và dự kiến sẽ đạt 87,6 tỷ USD vào cuối năm 2024. Nhu cầu toàn cầu về nội thất văn phòng ngày càng tăng do việc làm ngày càng nhiều và các không gian văn phòng mới trên toàn cầu được thành lập. Một số yếu tố khác như hoạt động cho thuê văn phòng tăng trên toàn thế giới và tăng trưởng tích cực của GDP toàn cầu là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của thị trường nội thất văn phòng. Đây là cơ hội cho các DN Việt Nam đẩy mạnh XK mặt hàng đồ nội thất văn phòng trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn:

Năm nay, mục tiêu được đặt ra cho XK của toàn ngành lâm nghiệp là 11 tỷ USD. Đây là chỉ tiêu khá cao nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Bởi chúng ta đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi như thị trường rất tốt, lợi thế về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo ra cơ hội không nhỏ cho đồ gỗ Việt Nam XK sang Mỹ, năng lực chế biến của ngành gỗ ngày càng được cải thiện…

Ngoài việc tận dụng các cơ hội thị trường để gia tăng chế biến XK gỗ, cũng cần đẩy mạnh XK các lâm sản ngoài gỗ. Nếu đẩy mạnh XK được cả đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ, ngành lâm nghiệp hoàn toàn có thể đạt chỉ tiêu XK 11 tỷ USD.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương:

Hiệp định CPTPP có hiệu lực vào tháng 1/2019 mở ra nhiều cơ hội mới để đẩy mạnh XK vào các thị trường đầy tiềm năng như Canada, Maxico, Nhật Bản, Úc… với thuế suất tối thiểu cho các ngành XK của Việt Nam, trong đó có ngành chế biến gỗ. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu dự kiến sẽ được hoàn tất trong năm 2019, cũng mở ra một thị trường EU rộng lớn cho các ngành XK Việt Nam, kể cả ngành gỗ, với thuế quan thấp đáng kể, qua đó gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam nói chung, đồ gỗ nói riêng tại thị trường này.



Thanh Sơn, Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường