Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 11 năm 2018 ước đạt 937 triệu USD, lũy kế giá trị xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là bốn thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018, chiếm 79,6% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Giá trị nhập khẩu tháng 11/2018 đạt 222 triệu USD, lũy kế giá trị nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2018 đạt 2,09 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ so với cùng kỳ năm 2017 của hầu hết các thị trường nhập khẩu chính đều tăng ngoại trừ Campuchia (giảm 53,2%), Thái Lan (giảm 16%). Do Campuchia thi hành chính sách cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng cùng với việc Bộ Công thương ký ban hành Thông tư số 44/2018/TT-BCT quy định tạm ngừng hoạt động kinh doanh tạm nhập từ Lào và Campuchia để tái xuất sang nước thứ ba đối với gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên, dự báo, nhập khẩu gỗ từ Campuchia sẽ còn tiếp tục giảm mạnh. Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ một số thị trường có tính hợp pháp cao như Mỹ và Brazil tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, là Braxin (tăng 52,2%), Hoa Kỳ (tăng 23,6%).
Trên thị trường thế giới, diễn biến thương mại gỗ và các sản phẩm từ gỗ trên thị trường thế giới không có nhiều biến động. Các nước xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ lớn tích cực tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế. Ở Indonesia, Hội đồng gỗ Indonesia (Indonesian Timber Council – ITC) chính thức ra mắt nhằm thúc đẩy thương mại gỗ, phát triển thị trường thế giới, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ thông qua công nghiệp chế biến chế tạo, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng cường nguồn nhân lực đã qua đào tạo và đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô bền vững. Ở Trung Quốc, nhằm nâng cao sức cạnh tranh tranh của sản phẩm, nước này đã tăng mức hoàn thuế xuất khẩu cho một số sản phẩm gỗ xuất khẩu của nước này nhằm giảm áp lực về chi chí quản lý cho các doanh nghiệp gỗ xuất khẩu của Trung Quốc, giảm thiểu rủi ro thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ vượt qua khó khăn trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang và hướng dẫn doanh nghiệp tối ưu cơ cấu hàng xuất khẩu. Theo tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO), mức hoàn thuế mới có hiệu lực từ 01/11/2018.
Việc các các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường thế giới tích cực thực hiện các nỗ lực nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm sẽ là những thác thức mới đối với xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam trên thị trường thế giới. Mặc dù vậy, việc tham gia các hiệp định thương mại thể hệ mới như EVFTA, CPTPP cũng là những cơ hội lớn cho ngành gỗ của Việt Nam. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam, cụ thể là đồ gỗ nội thất được dự báo sẽ có nhiều triển vọng để mở rồng nhờ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Hầu hết các quốc gia tham gia CPTPP, đều có cam kết sẽ loại bỏ thuế và thuế quan đối với gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực. Ngoài Nhật Bản, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP cũng được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi trong thời gian tới.
Để nắm bắt được những cơ hội này, trước mắt, cần kiểm soát chặt chẽ gỗ nguyên liệu vào Việt Nam, kiểm soát chứng chỉ rừng bền vững (FSC) nhằm đảm bảo tính pháp lý và khả năng cạnh tranh của gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam; Hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với xu hướng chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Các doanh nghiệp cần tích cực đổi mới mẫu mã sản phẩm, nắm bắt sự thay đổi thị hiếu về mẫu mã tại các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Lưu ý:
Để nắm bắt được những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trước mắt, cần kiểm soát chặt chẽ gỗ nguyên liệu vào Việt Nam, kiểm soát chứng chỉ rừng bền vững (FSC) nhằm đảm bảo tính pháp lý và khả năng cạnh tranh của gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam. Hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng phó với xu hướng chuyển hướng đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Các doanh nghiệp cần tích cực đổi mới mẫu mã sản phẩm, nắm bắt sự thay đổi thị hiếu về mẫu mã tại các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản
Theo IPSARD/MARD