Lợi ích cho ngành gỗ
Việt Nam đã trở thành địa điểm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI mới trong ngành gỗ. Mức thuế mới áp lên các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc làm giảm tính cạnh tranh và lợi nhuận của các công ty có các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Với các lợi thế nhân công giá rẻ và thuận tiện về giao thông và hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt tiếp cận với các hệ thống cảng nước sâu, Việt Nam đã và đang đón nhận dòng đầu tư FDI mới vào ngành, đặc biệt từ Trung Quốc. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ trong năm tháng đầu 2019, tương đương với 73% tổng số dự án năm 2018; quy mô vốn FDI của 5 tháng đầu 2019 lớn hơn 1,2 lần tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành trong cả năm 2018. Trong số quốc gia đầu tư, Trung Quốc đứng đầu bảng, với 21 dự án, tương đương 43% tổng số dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ. Quy mô các dự án đầu tư mới nhỏ, trung bình khoảng trên dưới 2 triệu USD/dự án. Gia tăng đầu tư FDI vào ngành gỗ trực góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành, tạo công ăn việc làm và tăng nguồn thu ngân sách.
Thuế các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc xuất vào Mỹ ra tăng làm một số doanh nghiệp Trung Quốc từ bỏ đơn hàng, từ đó tạo ra khoảng trống về thị trường, và điều này trở thành cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam vào Mỹ tăng rất nhanh, đặc biệt từ nửa cuối 2018, từ 3,1 tỉ USD năm 2017 lên 3,6 tỉ USD 2018, tương đương với gần 30% về tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh, bắt đầu từ nửa sau của năm 2018. Trong 4 tháng đầu 2019, kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ đạt gần 1,4 tỉ US, tăng 1,4 lần so cùng kỳ 2018. Nếu tốc độ mở rộng xuất khẩu trong quý 1 được duy trì, Việt Nam sẽ chuyển từ vị trí thứ 12 năm 2018 lên vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng các nhà cung mặt hàng gỗ lớn nhất cho Mỹ trong năm 2019. Các mặt hàng từ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất bao gồm gỗ dán, ván ép, ghế ngồi, nội thất nhà bếp.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm phát sinh một số rủi ro mới trong đầu tư và trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Các dự án đầu tư FDI, đặc biệt là các dự án có nguồn vốn từ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam trong thời gian vừa qua có thể là chiến lược của các công ty của Trung Quốc trong việc né thuế xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Các dự án đầu tư FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian vừa qua có quy mô vốn nhỏ, điều này có thể là chỉ số về chiến lược né thuế của các công ty này. Nếu điều này đúng đây sẽ là rủi ro lớn cho ngành gỗ Việt Nam vì có liên quan đến gian lận thương mại (xem các ý tiếp theo). Ngoài ra, đã có một số tín hiệu cho thấy nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam được mở rộng thông qua các kênh như mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam, hoặc thông qua các hoạt động mua bán, sát nhập doanh nghiệp Việt, hoặc qua hình thức thuê các công ty Việt Nam gia công chế biến, với các mặt hàng gỗ được sản xuất từ các dự án này được gắn mác sản phẩm từ Việt Nam trước khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Báo cáo này chưa có thông tin cụ thể về các hình thức FDI mới này. Đây là một loại hình rủi ro mới cho ngành gỗ Việt Nam, là hệ quả trực tiếp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Rủi ro trong các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ được hình thành khi các sản phẩm từ Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, qua sơ chế, hoặc không sơ chế, sau đó lấy chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam để xuất vào Mỹ nhằm né thuế. Hiện các cơ quan chức năng của Mỹ đang mở cuộc điều tra về 5 công ty của Mỹ nhập khẩu mặt hàng ván ép từ Trung Quốc với xuất xứ từ Việt Nam. Lợi dụng xuất xứ từ Việt Nam là hành vi gian lận thương mại có thể gây ra những tổn hại vô cùng lớn cho ngành gỗ Việt. Gia tăng đầu tư FDI từ Trung Quốc vào ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt là các đầu tư về mảng ván ép, có thể liên quan đến nguyên nhận này.
Gia tăng thâm hụt trong cán cân thương mại, bao gồm cả thâm hụt trong thương mại các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Mỹ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến rủi ro mới cho Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng. Con số thống kê của Tổng cục Hải Quan cho thấy thâm hụt thương mại về các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Mỹ khoảng 2,7 – 2,8 tỉ USD mỗi năm. Gia tăng thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, với Việt Nam nhảy cóc trong bảng xếp hạng các nhà cung gỗ lớn cho Mỹ trong năm 2019 có thể tạo sự chú ý trong chính quyền Tổng thống Trump. Tác động đối với nền kinh tế của Việt Nam sẽ vô cùng lớn nếu Chính quyền Trump đưa ra các công cụ về thuế để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại với Việt Nam.
Kiến nghị đối với Việt Nam
Xác định và giảm thiểu các rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang là vấn đề cấp bách của ngành gỗ. Các cơ quan quản lý cần có đánh giá tổng thể về các loại hình rủi ro trong cả các dự án đầu tư FDI và trong các sản phẩm xuất khẩu. Đánh giá rủi ro trong các dự án FDI cần bao gồm đánh giá cả về dự án mở rộng, các dự án mua cổ phần, sát nhập doanh nghiệp. Cũng cần có các đánh giá tình trạng thực tế về các doanh nghiệp ngoại, đặc biệt các doanh nghiêp của Trung Quốc thuê máy móc, thiết bị, nhà xưởng và nhân công của Việt Nam để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Đánh giá cũng cần thực hiện đối với nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào của các công ty mới có vốn FDI, đặc biệt là các công ty có nguồn vốn từ Trung Quốc, bao gồm cả trong các dự án FDI mới, các dự án mở rộng và các dự án mua cổ phần. Để làm được việc này, các cơ quan chức năng Trung ương cần phối hợp với các cơ quan địa phương nhằm rà soát tổng thể các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI trong ngành trong thời gian vừa qua.
Xác định và giảm thiểu rủi ro về gian lận thương mại, lợi dụng xuất xứ hàng hóa của Việt Nam trong xuất khẩu cũng là vấn đề cấp bách cần giải quyết của ngành. Các cơ quan quản lý cần phối hợp với các hiệp hội gỗ rà soát toàn bộ các dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ có tính biến động lớn. Điều này chưa đủ. Các cơ quan này cũng cần rà soát toàn bộ các dòng sản phẩm có biến động lớn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. So sánh giữa các dòng sản phẩm có độ biến động lớn trong xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ và trong nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam có thể giúp xác định được các rủi ro về gian lận thương mại.
Các Hiệp hội chủ động cập nhật thông tin, từ đối tác của mình và từ các cơ quan chức năng và cập nhật cho các hội viên của mình, nhằm tránh các rủi ro trong thương mai.
Quy trình cấp phép CO cũng cần được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ được cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện phải đạt tỷ lệ nội địa hóa theo quy định. Chủ động trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan Mỹ trong việc xác định rủi ro về gian lận thương mại trong các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ giúp cho việc xây dựng thế chủ động của Việt Nam nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro. Hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Mỹ nhằm kiểm soát rủi ro có thể góp phần giảm thiểu mối quan tâm của Chính phủ Mỹ đối với hàng hóa từ Việt Nam, bao gồm các mặt hàng gỗ, xuất khẩu vào thị trường này.