Từng tăng trưởng ngoạn mục trong hơn 10 năm liên tục, nhưng chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, ngành chế biến nhân điều xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp (DN) lâm cảnh khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, hạt điều đang từng bước tìm cách quay lại thị trường nội địa
Tự phá giá đến bị ép giá
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều tháng 6.2019 đạt 39.200 tấn, trị giá 275,61 triệu USD, tăng 21,4% về lượng nhưng giảm 6% về trị giá so với tháng 6.2018. Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng xuất khẩu hạt điều ước đạt 197.000 tấn và thu về 1,5 tỉ USD, tăng hơn 13% về khối lượng nhưng giá trị giảm đến 11% so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, giá xuất khẩu hạt điều sang thị trường Hồng Kông giảm 10,8%, Iraq giảm 20,1%, Đức giảm 21,7%, Mỹ giảm tới 22,5%, còn 7.544 USD/tấn. Tình hình này không khác gì mấy so với năm 2018: càng xuất khẩu nhiều, thì giá điều nhân bán ra càng giảm.
Theo phân tích của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2018, giá điều nhân giảm mạnh chủ yếu do sản xuất trong nước tăng trưởng ồ ạt trong thời gian quá ngắn. Sản lượng chế biến tăng “nóng” nên các DN tranh bán, nhiều nơi bán bằng giá vốn, thậm chí dưới giá vốn.
Có công ty môi giới cho hay bản thân các nhà nhập khẩu Mỹ cũng quan ngại về việc giá điều nhân Việt Nam rớt xuống quá nhanh khiến hàng nhập về bán không kịp, đẩy nhà phân phối rơi vào thua lỗ.
Trong khi đó, báo cáo của chi hội điều các tỉnh thành cho thấy nhiều DN chế biến điều Việt Nam đang tạm ngưng sản xuất vì thiếu nguyên liệu. Cụ thể, Long An chỉ còn 12/33 DN chế biến điều đang hoạt động; Bình Phước thì 80% các DN điều quy mô nhỏ và rất nhỏ đã ngừng sản xuất…
Vinacas cho rằng điểm yếu nhất của các DN điều chính là tiềm lực vốn hạn chế, lệ thuộc phần lớn vào ngân hàng. Chính vì vậy khi thấy giá có xu hướng giảm xuống, các DN lại càng đua nhau sản xuất nhanh và hạ giá bán để sớm “thoát hàng”.
Còn những người mua Âu, Mỹ - với sự hỗ trợ đắc lực của các nhà môi giới bản địa - đã rất nhanh chóng cập nhật “điểm yếu” của DN ngành điều như khó khăn nguyên liệu, áp lực nợ nần, tâm lý bất ổn.
Do đó, họ chỉ mua rất “từ tốn” để ép giá, thế nên “DN điều Việt Nam thua ngay từ sân nhà”. Lượng tồn kho kéo dài tới năm nay và tình trạng giảm giá để đẩy hàng vẫn còn tiếp diễn.
“Về tắm ao ta”
Mấy tháng gần đây, cứ đều đặn sáng sớm mỗi ngày, Hoàng Thu Hà - giám đốc một công ty chuyên về sản phẩm hạt điều tại TP.HCM lại truy cập Facebook, đăng nhập các trang thương mại điện tử để kiểm tra đơn đặt hàng, các phản hồi của khách.
Gần trưa một chút, Hà tranh thủ ghé qua các cửa hàng phân phối để xem nhân viên trưng bày, nếu thiếu hàng sẽ liên lạc ngay nhà máy để cung cấp thêm.
Ở tuổi 34, Hà đã có gần chục năm kinh nghiệm trong việc xuất khẩu hạt điều nhân, nhưng đối với công việc chế biến sản phẩm điều dùng ngay, cô cảm thấy hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm giống như là một start-up mới.
“DN em trước đây xuất khẩu hạt điều lớn lắm. Lúc ngành điều ăn nên làm ra, tiền bạc rủng rỉnh muốn bao nhiêu cũng có. Nhưng kinh doanh điều xuất khẩu cũng giống như đánh bạc, rủi ro luôn tiềm ẩn, thắng thua trong gang tấc.
Tiền vào nhanh nhưng mất cũng rất nhanh. Thế nên em và gia đình phải chuyển hướng khác” - Hà tâm sự. Khi xuất khẩu gặp khó, Hà bàn với gia đình nghiên cứu công thức để làm các sản phẩm hạt điều ăn ngay, phân phối ở thị trường trong nước.
“Việc bán lẻ sản phẩm chế biến nó khác xa với xuất khẩu nhân điều số lượng lớn. Trước mắt là phải chi phí để thiết kế bao bì mẫu mã, nhập máy móc để sản xuất hạt điều với công thức đặc thù, thuê mặt bằng để mở showroom, tham gia hội chợ...
Tiền vào chưa thấy đâu nhưng có niềm vui là nhận được phản hồi tốt từ phía khách hàng” - Hà chia sẻ. Đến nay, công ty K’House của Hà đã tung ra thị trường nhiều loại sản phẩm hạt điều khác nhau, bao gồm hạt điều mật ong, hạt điều trứng muối, hạt điều chanh sả ớt, hạt điều phô mai...
Trước Hoàng Thu Hà, nhiều cơ sở nhỏ cũng chế biến hạt điều nhưng chỉ dừng ở mức các sản phẩm thông dụng. Gần đây, khoảng trên dưới 10 DN đã đầu tư chuyên sâu hơn cho sản phẩm chế biến, nhưng vẫn còn đang loay hoay trong việc xây dựng thương hiệu.
Ông Nguyễn Đức Thanh - nguyên Chủ tịch Vinacas - trăn trở: “Hàng chục năm gắn bó với ngành điều trong nước, tôi thấy rõ ngành điều đang gặp khó khăn nhất từ trước đến nay. Giải pháp khả dĩ nhất chính là tận dụng thị trường nội địa với dân số hàng trăm triệu người, tiềm năng khai thác còn rất lớn.
Kinh tế và dân trí trong nước ngày càng phát triển, người tiêu dùng sẽ tìm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Hạt điều Việt Nam có hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất thế giới, được các nước lựa chọn nhưng chúng ta lại chưa làm tốt thương hiệu ở trong nước. Đó chính là mặt hạn chế của các DN điều hiện nay.
Thêm một nguy cơ nữa, nếu chúng ta không nhanh chóng bắt tay xây dựng ngay, các DN nước ngoài sẽ nhảy vào làm. Tôi biết có nhiều trường hợp nhà máy Việt Nam gia công chế biến lấy thương hiệu nước ngoài và tiêu thụ ngay chính tại Việt Nam”.
Ông Đặng Hoàng Giang - Phó chủ tịch thường trực Vinacas - cho biết: “Ban thường vụ Vinacas đã thống nhất rất cao định hướng thúc đẩy thị trường nội địa cho thương hiệu hạt điều chế biến sâu. Trong thời gian tới Vinacas sẽ có các chương trình hành động cụ thể để đưa hạt điều Việt quay về thị trường trong nước một cách sâu rộng hơn”.
Theo báo Thanh niên