Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị về chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản nhằm đánh giá tình hình chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản những tháng đầu năm 2019, bàn các giải pháp thúc đẩy chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2019 và thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản, đại diện một số doanh nghiệp lớn trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu; Đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổng cục Lâm nghiệp; Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Vụ Kế hoạch, Vụ Pháp chế, Viện Chính sách chiến lược PTNT; đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An.
Theo báo cáo tại cuộc họp, giá trị xuất, nhập khẩu lâm sản 7 tháng đầu năm 2019 đạt 6,047 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ 2018. Gỗ và lâm sản được xuất khẩu đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu, đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 87,7% giá trị xuất khẩu lâm sản. Cả nước có 5.424 doanh nghiệp, trong đó có 612 doanh nghiệp FDI, chiếm 11,3% tổng số doanh nghiệp, và 4812 doanh nghiệp trong nước, chiếm 88,7% tổng số doanh nghiệp. Có 2372 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số dự án FDI đăng ký đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến gỗ là 44 dự án với tổng số vốn 135,7 triệu USD.
Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá, trong thời gian tới ngành có nhiều cơ hội. Nhu cầu từ thị trường Mỹ với các mặt hàng gỗ từ các quốc gia khác trong đó có Việt Nam có thể sẽ tăng lên để bù đắp vào phần thiếu hụt hàng hóa do thuế tăng cao từ thị trường Trung Quốc. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chủ yếu là sản phẩm đồ gỗ, có giá trị gia tăng cao, điều này tạo nên cơ hội chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm các mặt hàng có giá trị gia tăng, giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu gỗ. Việt Nam cũng có nhiều cơ hội đón nhận nguồn vốn đầu tư FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc do Việt Nam có các lợi thế về cơ chế, chính sách thông thoáng, nhân công giá rẻ, hệ thống giao thông, cảng biển nước sâu thuận lợi. Cùng với đó, Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản đã có hiệu lực từ tháng 6/2019 sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại gỗ và sản phẩm gỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu lâm sản vào EU cũng như các thị trường khác.
Đánh giá về những thách thức, Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng gia tăng các dự án FDI cũng sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng, nguy cơ về tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hoá. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn trong ngành gỗ có thể dẫn đến Chính phủ Mỹ áp đặt chính sách thương mại công bằng dẫn đến thua thiệt cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Sự thay đổi thói quen, thị hiếu của người tiêu dùng các sản phẩm gỗ cũng là một thách thức đối với ngành chế biến gỗ Việt Nam. Về mặt nguyên liệu, gỗ rừng trồng trong nước vẫn chủ yếu là gỗ nhỏ, chúng ta vẫn phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, dẫn đến giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến gỗ còn thấp.
Phát biểu định hướng tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng với những diễn biến nguy cấp về an ninh môi trường trên thế giới, tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, xu hướng chấm dứt sử dụng năng lượng hoá thạch,… thì ngành lâm nghiệp nói chung và ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục có lợi thế, dư địa, tiềm năng lớn. Nhìn rộng ra toàn cảnh, đây là cơ hội lớn cho ngành gỗ và lâm sản của Việt Nam bứt phá. Bộ trưởng nhấn mạnh lâm nghiệp là một ngành kinh tế chiến lược lợi thế đặc sản của Việt Nam. Bộ trưởng cũng đề nghị cần xác định và hướng tới một ngành lâm nghiệp thực sự, theo chuỗi khép kín với giá trị sâu. Ngoài gỗ còn phải phát huy các đặc sản khác, đa dạng ngoài gỗ và nâng cao gía trị sản phẩm.
Bộ trưởng cũng lưu ý, việc ngành lâm nghiệp luôn xuất siêu và giá trị kim ngạch xuất khẩu luôn đứng đầu lĩnh vực nông nghiệp những năm gần đây đặt trong bối cảnh chiến tranh thương mại cần được đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động có biện pháp ngăn chặn để không xảy ra tình trạng trục lợi, đội lốt, không để mạo danh truy suất, thậm chí có hàng rào kỹ thuật. Hiệp hội cần phát huy vai trò cầu nối, đưa ra các kiến nghị để bảo đảm các quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và tạo ra sự bền vững thương mại của ngành hàng. Các doanh nghiệp cũng cần liên kết lớn lên để khai thác tốt tiềm năng dư địa, chủ động hội nhập, làm chủ chuỗi liên kết và hội nhập.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng cần vào cuộc mạnh mẽ, chủ động ngay từ bây giờ thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, trồng rừng gỗ lớn, nhân rộng những mô hình điển hình. Đây chính là gốc để thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp và chủ động thực hiện tốt VPA/FLEGT.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn đánh giá cao nỗ lực, sáng tạo và kết quả mà các doanh nghiệp, Hiệp hội đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng cũng tin tưởng mục tiêu 11 tỷ USD mà Chính phủ đặt ra cho ngành gỗ và lâm sản là có thể đạt được. Thứ trưởng cũng giao Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, có đánh giá và báo cáo Bộ về xu hướng, dự báo tình hình thương mại và những giải pháp trong bối cảnh các diễn biến về xung đột thương mại, chống gian lận xuất xứ hàng hoá, nhất là gỗ dán. Hoàn thiện trình Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, sớm cấp được chứng chỉ rừng của Việt Nam trên thực tiễn./.