Theo khảo sát, số lượng công trình đạt chứng chỉ LEED của Việt Nam hiện nay chưa cao, nguyên nhân là các công trình này đòi hỏi sự chuyên nghiệp từ khâu thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu, hoàn thiện đến vận hành. Nhưng với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sống, và xu thế phát triển, bất động sản xanh sẽ trở thành xu thế chính của ngành xây dựng và mang tới những cơ hội lớn cho ván sàn Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2018, giá trị xuất khẩu ván sàn của Việt Nam đạt 43,5 triệu USD, nhưng cũng là nhà nhập khẩu ván sàn lớn của thế giới khi tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á, sự phát triển của bất động sản nhà ở, chung cư tại các thành phố lớn, cũng như bất động sản nghỉ dưỡng – du lịch khiến cho việc sử dụng ván sàn ngày càng nhiều hơn. Và quan trọng nhất chính là khả năng phát triển thị trường ván sàn trong nước còn rất nhiều dư địa ở tất cả các phân khúc như cao cấp, trung cấp hay bình dân.
Trong một báo cáo gần đây của Vietnam Report cho thấy, thị trường ván sàn đã phát triển ổn định và đáp ứng tốt nhu cầu nội địa. Trong năm nay, ngành xây dựng được dự báo tăng trưởng khoảng 7,23%, sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp ván sàn tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường và phát triển hơn nữa. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, bình quân mỗi năm, diện tích sàn xây dựng của khu đô thị mới chiếm tới 50 triệu m2 , tính sơ bộ có 30% sử dụng đồ gỗ. Trung bình, ở Hà Nội mỗi năm có 9 triệu m2 xây mới nhà ở, chiếm khoảng 30% sử dụng sàn gỗ ứng với 2,7 triệu m2 . Ở Thành phố Hồ Chí Minh xây mới 14 triệu m2 hàng năm, nhưng chỉ có khoảng 10% sử dụng ván sàn ứng với 1,4 triệu m2 dùng sàn gỗ. Và đó là lý do vì sao ông tin rằng, thị trường ván sàn sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm nay. Sự bùng nổ này không chỉ diễn ra ở các đô thị lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, mà nó còn lan tỏa ở khắp cả nước, khi thu nhập và mức sống của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao. Ai cũng muốn đầu tư vào sàn gỗ vì sự tiện nghi, thoải mái và sang trọng mà nó mang lại, không chỉ đáp ứng về mặt thẩm mỹ, giá trị kinh tế, mà nó còn mang tới sự thông minh và khoa học cho mỗi gia chủ.
Còn ông Hà Kim, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp sàn gỗ sản xuất theo công nghệ ván sàn Engineer (phần mặt được sản xuất bằng gỗ tự nhiên dày từ 1 đến 3mm dán lên cốt plywood hoặc sản phẩm tương đương), việc áp dụng công nghệ không những giảm được tối đa chi phí sản xuất mà còn đảm bảo các yếu tố về thẩm mỹ và chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, cũng như đáp ứng được yêu cầu từ thị trường. Theo tính toán của các chuyên gia, dòng sản phẩm ván sàn công nghiệp hiện đang chiếm khoảng 65% thị phần trong nước, 35% còn lại là thị phần của ván sàn tự nhiên, trong đó ván sàn kỹ thuật chiếm khoảng 20 -25%/35% và thị phần của dòng sản phẩm này sẽ có xu hướng tăng trong tương lai do đảm bảo được tính thẩm mỹ, độ bền, không cong vênh, co ngót, an toàn cho người sử dụng. Nguyên liệu gỗ dùng để làm mặt sản phẩm sàn gỗ kỹ thuật theo xu hướng trắng đen, dùng óc chó, sồi hoặc tần bì, nguyên liệu được nhập khẩu từ Mỹ với nguồn gốc rõ ràng. Lâu nay người tiêu dùng Việt Nam rất ưa chuộng các sản phẩm sàn gỗ có nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, với những ưu điểm lớn về thẩm mỹ và giá trị, nó phù hợp với rất nhiều những tiêu chí khác nhau cho mỗi ngôi nhà của người Việt Nam, và tiềm năng phát triển còn rất lớn. Ở Việt Nam hiện có khoảng 20 loại ván sàn gỗ khác nhau, xuất xứ từ khắp các nước trên thế giới. Nhưng có 6 loại ván sàn liền thanh và kĩ thuật được đặc biệt ưa chuộng đó là các dòng sản phẩm như ván sàn gỗ Hương của Lào, ván sàn căm xe từ Lào; Ván sàn chiêu liêu từ Lào, Campuchia (được mênh danh từ óc chó châu Á); ván sàn gỗ sồi từ Mỹ và EU; Ván sàn óc chó của Mỹ và ván sàn từ gỗ gõ đỏ từ châu Phi và Lào. Hiện tại, dòng ván sàn liền thanh tự nhiên cao cấp chiếm khoảng 5% thị phần, còn sàn gỗ tự nhiên chiếm khoảng 20%, 75% là sàn gỗ công nghiệp. Vì thế các nhà sản xuất Việt Nam thường chia thành hai dòng sản phẩm cao cấp để hướng tới khách hàng có thu nhập cao, với nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ như tần bì, sồi, óc chó, và các sản phẩm ván sàn trung cấp để đáp ứng nhu cầu của thị trường bất động sản xanh, cũng như tốc độ đô thị hóa thời điểm này. Năm 2019, vẫn có thể coi là thời điểm vàng để các nhà sản xuất ván sàn Việt Nam sử dụng nguồn gỗ cứng nhập khẩu từ Mỹ để sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, cũng như không bỏ lỡ sự tăng trưởng của ngành bất động sản trong thời gian này.