Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kim ngạch NK gỗ MDF tăng 4,4%
10 | 09 | 2009
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 7/2009 kim ngạch nhập khẩu ván MDF đạt 10,44 triệu USD, tăng 4,4% so với tháng 6/2009.

Ván MDF hiện vẫn là chủng loại gỗ nguyên liệu nhập khẩu có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2009, đạt 51,9 triệu USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân kim ngạch nhập khẩu ván MDF 7 tháng đầu năm 2009 giảm là do giá nhập khẩu ván MDF trung bình giảm 20% so với cùng kỳ năm trước,  trung bình ở mức 218,78 USD/m3.

Giá ván MDF trên thị trường thế giới giảm khá mạnh trong các tháng đầu năm 2009 do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong các tháng tiếp theo xu hướng giảm giá ván MDF đã chững lại do tình hình kinh tế thế giới đã sáng sủa hơn.

Tình hình nhập khẩu ván MDF của Việt Nam 3 tháng gần đây có xu hướng ổn định trở lại , sau khi sụt giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm, và sẽ tiếp tục được cải thiện từ nay đến cuối năm.

Malaysia vẫn là thị trường cung cấp ván MDF lớn nhất cho Việt Nam trong 7 tháng năm 2009,  với kim ngạch đạt 19,96 triệu USD, giảm 6,68% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm do giá ván MDF từ thị trường Malaysia giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thực chất lượng ván MDF nhập khẩu từ Malaysia không sụt giảm. Giá nhập khẩu ván MDF từ thị trường Malaysia 7 tháng đầu năm 2009 trung bình ở mức 203 USD/m3, giảm tới 22,5% so với mức giá nhập trung bình cùng kỳ năm trước .

Tại thị trường Malaysia, ngược với xu hướng giá liên tục tăng trong các tháng đầu năm 2008 thì từ đầu năm 2009 đến nay, giá ván MDF lại có xu hướng giảm. Nửa đầu tháng 8, giá ván MDF dày 15-19 mm xuất khẩu của Malaysia ở mức 282-314 USD/m3-FOB, giảm 9% so với mức giá xuất khẩu cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, sự sụt giảm giá ván MDF tại Malaysia đã có dấu hiệu chững lại khi giá xuất từ tháng 6 đến nay ổn định. Hơn thế nữa, tình hình kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất đã qua đi, khi đó nhu cầu sử dụng tăng lên sẽ là yếu tố nâng đỡ giá ván MDF trong các tháng tới.

Đứng thứ hai là thị trường Thái Lan, 7 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu ván MDF từ thị trường này giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, giảm 33,99%. Nhập khẩu ván MDF từ Thái Lan giảm mạnh một phần là do giá nhập khẩu ván MDF trung bình giảm, ở mức 200 USD/m3, giảm 25%.

Theo thống kê của hải quan Thái Lan, xuất khẩu ván MDF của nước này 7 tháng đầu năm 2009 cũng giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là khách hàng chính nhập khẩu ván MDF của thị trường Thái Lan, chiếm 13,3% thị phần.

Trung Quốc là thị trường đứng thứ 3 về nhập khẩu ván MDF của Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2009, nhập khẩu ván MDF của Việt Nam từ thị trường này giảm 38,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu ván MDF trung bình từ thị trường Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2009 lại có xu hướng tăng so với mức giá nhập trung bình cùng kỳ năm
trước.
Trong khi nhập khẩu ván MDF từ 3 thị trường lớn nhất giảm so với cùng kỳ năm trước, thì nhập khẩu từ thị trường Indonesia lại tăng 11,9% với kim ngạch đạt 3,55 triệu USD. Giá nhập khẩu vánMDF trung bình từ thị trường này cũng giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 220 USD/m3.

Tại thị trường Indonesia, giá xuất khẩu ván MDF dày 12-18mm nửa đầu tháng 8/2009 ở mức 250-263 USD/m3, ổn định so với mức giá xuất khẩu cuối tháng 7/2009, nhưng giảm 20-20,9% so với mức giá xuất cùng kỳ năm trước.



Theo InfoTV.vn
Báo cáo phân tích thị trường