Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) vừa có công văn số 171/CV-HHMĐ gửi Bộ Tư Pháp về các góp ý trong việc điều chỉnh quyết định 24/TTg/2014.
Theo Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam trong Góp ý dự thảo Quyết định bổ sung, sửa đổi quyết định số 24/TTg/2014 mới chỉ dựa trên quan điểm của bộ Công Thương về mặt cung ứng năng lượng, xem điện đồng phát bã mía như một nguồn phát nhưng chưa chú ý đến các tác động về an sinh xã hội của điện đồng phát bã mía đối với ngành đường nói chung và nông dân trồng mía.
Cụ thể, bản dự thảo đã có nhiều đề xuất bổ sung điều chỉnh, tuy nhiên vẫn chưa phản ánh được đầy đủ các yếu tố về sự cần thiết phải bổ sung điều chỉnh và hoàn cảnh đặc trưng hiện nay của ngành đường Việt Nam, từ đó dẫn đến mức giá đề xuất cho điện đồng phát bã mía là 6,77 US cent/kWh.
Theo ý kiến của VSSA mức giá đề xuất 6,77 Uscents/kWh trong dự thảo chỉ ở mức khoảng 50% so mức giá điện đồng phát bã mía của các quốc gia trồng mía trong khu vực như Thái Lan và Philippines nên sẽ gây bất lợi lớn cho ngành đường Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trước bối cảnh hội nhập ATIGA từ 1/1/2020 nên sẽ hoàn toàn không khả thi.
"Điều này sẽ tiếp tục là sự kìm hãm và chắc chắn không thể nào khuyến khích được sự phát triển của các dự án đồng phát bã mía và không đem lại sự hỗ trợ mà nông dân trồng mía và ngành đường Việt Nam đang kì vọng trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay", VSSA nhận định.
Bên cạnh đó, một số ưu điểm rất quan trọng của năng lượng sinh khối so với các hình thức năng lượng tái tạo khác như gió và năng lượng mặt trời, đã được các tư vấn quốc tế GGGI và GIZ nêu ra trong báo cáo, nhưng không được dự thảo nêu ra.
Đó là sự tham gia của nông dân trong chuỗi năng lượng sinh học: "Với nền nông nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam, năng lượng sinh khối có thể đến từ nhiều nguồn nguyên liệu như bã mía, dăm gỗ, trấu và rơm rạ.
Việc tận dụng tiềm năng lớn về năng lượng sinh khối ở Việt Nam sẽ không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào các nguồn năng lượng truyền thống, giảm phát thải cacbon và ô nhiễm môi trường mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân tham gia vào chuỗi giá trị năng lượng sinh học", Hiệp hội dẫn chứng.
Ngoài ra, nông dân sẽ là người hưởng lợi chính khi có thêm thu nhập từ việc bán phụ phẩm nông lâm nghiệp cho các dự án điện đồng phát bã mía đa nhiên liệu, đó là sự ổn định của năng lượng sinh khối: "Năng lượng sinh khối không phải là một nguồn năng lượng tái tạo hay bị biến động như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nên nó có thể góp phần tích cực vào nguồn cung năng lượng ổn định", VSSA nói thêm.
Hiệp Hội Mía Đường Việt Nam cho rằng những lợi ích nhiều mặt này đã bị bỏ sót không tính đến, do đó, tại Công văn gửi Bộ Tư Pháp VSSA đề xuất:
"Mức giá và chính sách cho điện đồng phát bã mía cần được đặt ở mức tương đồng với các quốc gia lân cận như Thái Lan và Philippine với mức giá là 12,7 US cent/kWh cho cả điện dư từ dự án đồng phát nhiệt điện và dự án điện sinh khối khác".
Theo Kinh tế & Tiêu dùng