Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khốn đốn với hơn 800.000 tấn đường nhập lậu mỗi năm, con số thu giữ chỉ vài ngàn
30 | 10 | 2019
Nguồn nguyên liệu sụt giảm mạnh, số lượng nhà máy ngừng hoạt động liên tục tăng, đường lậu hoành hành, nông dân kiệt sức vì thua lỗ... tương lai ngành mía đường Việt Nam sẽ về đâu?

800.000 tấn đường lậu, 1/3 nhà máy đóng cửa, nông dân trồng mía bỏ ruộng

Đó là những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội nghị bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam do Tổng cục Hải quan, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tổ chức vào chiều ngày 30/10  tại TP HCM.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cả nước có 40 doanh nghiệp ngành mía đường. Niên vụ 2017 - 2018, chỉ có 37/41 nhà máy đường hoạt động còn 4 nhà máy Hiệp Hòa, Kiên Giang, Cà Mau và NIVL tạm ngưng hoạt động.

Niên vụ 2019 - 2020 các nhà máy sản xuất được gần 1,2 triệu tấn đường, giảm hơn 300.000 tấn đường.

Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện giảm 30 - 60% so với các năm trước. Thiếu mía nguyên liệu nên các nhà máy giảm công suất.

Hiện chi phí mỗi ha mía khoảng 70 triệu đồng nhưng chỉ thu được 30 - 40 triệu đồng nên nông dân thua lỗ, bỏ ruộng, nợ ngân hàng, cũng đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.

Ông Cao Anh Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết hiện nay tổng nhu cầu tiêu thụ đường của cả nước khoảng 1,6 triệu tấn/năm, năng lực sản xuất của các nhà máy đường trong nước đạt 1,2 triệu tấn/năm.

Nghĩa là cung chưa đủ cầu và doanh nghiệp có thể bán được đường với giá cao hơn, nông dân cũng có thể bán mía nguyên liệu cao hơn nhưng trên thực tế, lượng đường nhập lậu từ Thái Lan, thông qua Campuchia có thể lên đến 800.000 tấn/năm khiến nguồn cung vượt cầu, giá đường trong nước giảm sâu.

Hiện giá thành sản xuất đường cát của Thái Lan khoảng gần 7.000 đồng/kg, thấp hơn 3.000 - 4.000 đồng/kg và giá mua mía nguyên liệu tại nhà máy khoảng 700.000 đồng/tấn cũng thấp hơn 100.000 - 150.000 đồng/tấn mía tươi. 

Trong khi đó, tình hình gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan thông qua biên giới Campuchia vào khu vực các tỉnh Tây Nam cũng diễn biến phức tạp. 

Các đối tượng tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lí hàng buôn lậu rồi quay vòng giấy tờ cho đường nhập lậu khác. Tình trạng in ấn bao bì trong nước rồi chuyển sang đóng bao ở Campuchia rồi đưa vào trong nước một cách hợp pháp...

Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 cho biết từ năm 2018 đến đầu tháng 10/2019, các đơn vị chức năng đã kiểm tra, xử lí 876 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỉ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường vi phạm, trị giá hơn 12,5 tỉ đồng.

"Gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng. 

Hơn 2 năm vừa qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu qui mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ", ông Trương Văn Ba, Phó chánh văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay.

Ngoài ra, một số khó khăn nữa là theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN ATIGA, từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các quốc gia trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu còn 5% sẽ là áp lực lớn cho ngành mía đường Việt Nam.

Bàn những giải pháp triệt để

Nhiều doanh nghiệp cho rằng ngành mía đường trong nước có thể hội nhập và không lo cạnh tranh khi vào ATIGA nhưng cần nhà nước hỗ trợ các giải pháp để hoạt động chống buôn lậu, hàng giả hiệu quả và cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại trên sân nhà.

Theo ông Lê Văn Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Lam Sơn, mặc dù các doanh nghiệp mía đường đã ý thức được việc nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc phát triển vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ, tận dụng phụ phẩm nhưng giá đường của Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan.

Nguyên nhân phải đối mặt với sự cạnh tranh bất bình đẳng dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên qui mô lớn.

Chính vì vậy, phải có giải pháp triệt để chống buôn lậu đường cát. Chỉ khi đường sản xuất trong nước được cạnh tranh công bằng, lành mạnh với đường nhập khẩu chính ngạch ngành mía đường mới phát triển được, từ đó đảm bảo sinh kế cho nông dân trồng mía, ông Quang nhận định.

Ông Trương Văn Ba cho biết Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường lực lượng nắm chắc tình hình phương thức, qui luật hoạt động tập kết, vận chuyển đường kính của các chủ đầu nậu để bố trí lực lượng, phương tiện thường trực chốt chặn 24/24h để đấu tranh chống buôn lậu nói chung và đường cát nói riêng.

Song song đó, tăng cường thông tin tuyên truyền, phổ biến các qui định của pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân đối với tác hại của đường lậu, vận động không tham gia tiếp tay, vận chuyển hàng lậu cho các chủ đầu nậu.

"Đề xuất điều tra xử lí nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu. Thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng qui định, đặc biệt ở những vị trí nhạy cảm tại các thị trường lớn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. 

Đề xuất điều chỉnh qui định thanh lí đường nhập lậu, chỉ cho phép những đơn vị có giấy phép được tham gia đấu giá, trước mắt chỉ cho các đơn vị sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham gia", ông Trương Văn Ba chia sẻ.

Bên cạnh đó, về phía Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các công ty, nhà máy sản xuất và nông dân cần đầu tư nghiên cứu, áp dụng khoa học kĩ thuật, cải tiến công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu chính đáng của người tiêu dùng, vừa cạnh tranh với ngoại nhập sẽ góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu

Theo KTTD



Báo cáo phân tích thị trường