Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng cao giá trị cây chè: Bắt đầu từ sản xuất sạch
23 | 12 | 2019
Với trên 8.700 ha chè, sản lượng búp tươi đạt trên 64.000 tấn/năm và được đánh giá là tỉnh đứng thứ 5 về diện tích và sản lượng chè trong khu vực miền núi phía Bắc. Giá trị loại cây trồng này hiện chỉ chiếm 7,8% giá trị sản xuất ngành trồng trọt, mặc dù cây chè được tỉnh lựa chọn là 1 trong 5 cây trồng chủ lực. Để nâng cao giá trị cho sản phẩm chủ lực này, ngành nông nghiệp đang tập trung đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó bắt đầu từ sản xuất sạch, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Sản xuất sạch - “Chìa khóa” làm giàu

30 ha chè của 18 hộ dân các thôn 2, 5, 10, 15, xã Nhữ Khê (Yên Sơn) được lựa chọn thực hiện mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP do Công ty cổ phần Chè Sông Lô phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. 

Nhà ông Nguyễn Văn Trường, thôn 5 có hơn 17 ha chè, trong đó có 6 ha chè áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Ông bảo, trước đây, khi chưa áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, mỗi ha chè chỉ thu được chừng 30 tấn chè búp tươi/năm, giá mua mỗi kg cũng chỉ đạt 3.500 đồng/kg. Sau khi áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, năng suất chè tăng lên trên 40 tấn/ha, giá bán cũng đạt 5.800 đồng/kg. Ông Trường chia sẻ, sở dĩ năng suất chè tăng là nhờ toàn bộ quy trình chăm sóc đều được thay đổi hoàn toàn: Phân bón hóa học được thay thế toàn bộ bằng phân bón hữu cơ và phân vi sinh; thuốc bảo vệ thực vật được thay thế bằng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học hoặc thuốc có trong danh mục sản xuất VietGAP. Không chỉ vậy, số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm từ 12 lần phun/năm xuống còn khoảng 5 lần phun/năm.

Để giám sát việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 18 hộ dân tự thành lập 3 tổ giám sát, trong đó ngoài việc giám sát việc ghi chép nhật ký sản xuất, nếu phát hiện hộ nào sử dụng các loại thuốc không có trong danh mục sản xuất VietGAP sẽ bị loại ra khỏi nhóm hộ áp dụng tiêu chuẩn này. Năm 2018, sản phẩm chè của 18 hộ gia đình này đã được cấp chứng nhận VietGAP và được Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm bao tiêu toàn bộ. Sản phẩm được xuất đi một số nước Đông Âu, nên bà con tự hào lắm. Đây được ví như “trái ngọt” bù đắp cho những nỗ lực sản xuất sạch của người trồng chè.

Tiến tới “sạch hoàn toàn”

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có hơn 800 ha chè được cấp chứng nhận VietGAP và chứng nhận sản xuất nông nghiệp bền vững của tổ chức Rainforest. Sản phẩm chè của Tuyên Quang ngoài cung cấp trong nước đã được xuất khẩu vào các thị trường lớn như Nga, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Pakistan, Đài Loan và một số nước châu Âu... Về lâu dài, để thương hiệu chè Tuyên Quang vươn tới những thị trường khó tính hơn, giá trị thu được cao hơn, Tuyên Quang đang từng bước hình thành những vùng sản xuất “sạch hoàn toàn” - tức là áp dụng triệt để tiêu chuẩn hữu cơ. 

Năm 2014, sản phẩm chè của Hợp tác xã chế biến chè Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) được cấp chứng nhận VietGAP, bảo đảm 60 tiêu chí về sản xuất an toàn, giá bán mỗi kg chè khô tăng từ 100.000 đồng/kg lên 250.000 - 300.000 đồng/kg. Năm 2019, Sơn Dương lựa chọn 3 ha chè có từ 5 năm tuổi đến 7 năm tuổi, bao gồm 2 loại chè, chè trung du và chè lai NDP1 của hợp tác xã để thực hiện mô hình sản xuất chè hữu cơ. Hiện nay, giá chè sạch được sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ ở Hợp tác xã chế biến chè Ngân Sơn Trung Long đạt từ 600 nghìn đồng trở lên/1kg chè khô. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Mạnh Thắng kỳ vọng, trong thời gian tới, giá bán sẽ đạt cao hơn khi đã có nhiều cá nhân trong tỉnh và ngoài tỉnh đến đặt mua.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài vùng chè VietGAP và Rainforest ở Yên Sơn, Hàm Yên, Sơn Dương, hiện một số vùng chè đặc sản ở Na Hang, Lâm Bình cũng đang áp dụng hoàn toàn các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ. Tuy nhiên, do chưa được chứng nhận nên giá cạnh tranh trên thị trường vẫn ở mức thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của sản phẩm. Hiện, ngành nông nghiệp đang hướng dẫn, hỗ trợ các thủ tục cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ cho các khu vực này, đặc biệt là vùng chè tại Sơn Phú, Sinh Long, Hồng Thái (Na Hang) và Thổ Bình (Lâm Bình). 

Sản xuất sạch, không chỉ dừng lại ở việc tăng năng suất, tăng giá bán, mà xa hơn, là khẳng định thương hiệu sản phẩm trên thị trường đang còn nhiều bất an về sản xuất an toàn. Chè sạch Tuyên Quang, sau dấu ấn đậm nét khi sản phẩm Chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà (Hồng Thái) được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lựa chọn làm quà tặng cho Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 8 vừa qua đã mở rộng cơ hội cạnh tranh trong bản đồ chè Việt Nam và xa hơn nữa.

Theo báo Tuyên Quang



Báo cáo phân tích thị trường