Lo ngại tình trạng lũng đoạn thị trường do thịt heo tăng giá
Tại Hội nghị "Sơ kết công tác phối hợp thực hiện chương trình bình ổn thị trường giữa TP HCM và các tỉnh, thành Tây Nam Bộ năm 2019” diễn ra ngày 30/12 tại TP HCM, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, việc phối hợp bình ổn thị trường giữa TP HCM và các tỉnh năm 2019 giúp hoạt động thương mại, dịch vụ tại 13 tỉnh, thành Tây Nam bộ và TP HCM diễn ra sôi động.
Cụ thể, chương trình bình ổn thị trường TP HCM có 87 doanh nghiệp tham gia, đến nay, các doanh nghiệp bình ổn thị trường thành phố đầu tư 18 nhà máy, cơ sở sản xuất, 33 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ, tổng vốn đầu tư 12.066 tỉ đồng.
Hệ thống phân phối tại 13 tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ và TP HCM có tổng cộng 308 siêu thị, 71 trung tâm thương mại, gần 2.000 chợ truyền thống, hơn 3.500 cửa hàng tiện lợi.
Trong đó, riêng TP HCM có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 238 chợ truyền thống và 2.658 cửa hàng tiện lợi.
Các hệ thống phân phối hiện đại của toàn khu vực có sự liên kết khá chặt chẽ do hầu hết được đầu tư bởi một số nhà bán lẻ tiềm lực lớn, phần lớn có trụ sở tại TP HCM như: Saigon Co.op, Satra, Fahasa, BigC, Lotte, Aeon, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh…
Theo đại diện các tỉnh, thành, thời gian qua, việc phối hợp thực hiện chương trình bình ổn giá đạt hiệu quả, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Chương trình tạo nguồn hàng dồi dào, phong phú đáp ứng tốt cho nhu cầu tiêu dùng và tạo điều kiện cho nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, vấn đề các địa phương đang lo ngại là nguồn cung thịt heo có thể thiếu trong dịp Tết năm nay và nếu thiếu cục bộ sẽ dẫn đến tình trạng lũng đoạn thị trường. Vì hiện nay, nguồn cung thịt heo ở các địa phương giảm mạnh, tổng đàn heo một số tỉnh như: Cần Thơ, Đồng Nai… giảm hơn 40%.
Theo báo cáo tổng hợp của Sở Công Thương TP HCM, từ tháng 6 đến nay, giá mặt hàng thịt heo đã tăng dần và đang ở mức rất cao, có xu hướng tiếp tục tăng, nguy cơ gây bất ổn thị trường. Tại khu vực phía Nam, giá heo hơi dao động mức 84.000 - 90.000 đồng/kg; tăng gấp đôi so với đầu tháng 9/2019.
Thông tin từ chợ đầu mối Hóc Môn,TP HCM cho biết trong 4 ngày, từ 27 đến 30/12 giá heo hơi tại chợ ổn định ở mức 83.000 đồng/kg. Đùi rọ ở mức 110.000 đồng/kg; sườn non 135.000 - 140.000 đồng/kg; cốc lết 100.000 - 105.000 đồng/kg; nạc 120.000 - 125.000 đồng/kg; giò trước 90.000 - 95.000 đồng/kg.
Nguyên nhân chủ yếu do dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi.
Tổng cộng đàn heo cả nước giảm khoảng 30% so với năm 2018, trong đó riêng tỉnh Đồng Nai giảm 52,4% so với thời điểm tháng 4/2019. Ngoài ra, chi phí chống dịch tăng làm chi phí chăn nuôi tăng cũng là một nguyên nhân trực tiếp làm giá heo hơi tăng.
Bên cạnh đó, theo ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang, thực tế có tình trạng heo nhập lậu từ Campuchia và Thái Lan.
Hình thức nhập lậu thay đổi liên tục, khi thì nhập lậu nguyên con vào An Giang giết mổ rồi đưa đi tiêu thụ, khi thì giết mổ ở bên kia biên giới rồi lợi dụng ban đêm tuồn sang Việt Nam. Theo thống kê, từ tháng 10 tới nay lực lượng chức năng An Giang đã thu giữ 400 con heo nhập lậu.
Các tỉnh, thành phối hợp bình ổn thị trường thịt heo dịp Tết
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết do dịch tả heo châu Phi, tổng đàn heo của cả nước đã giảm 600 triệu con, thiệt hại có tỉnh lên tới 90% như An Giang, thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai thiệt hại 34%, vì vậy phải nhìn vào thực tế là lượng heo tươi cung ứng ra thị trường dịp Tết 2020 sẽ giảm so với dịp Tết 2019.
Tuy nhiên, bà Trang cũng khẳng định thị trường sẽ không thiếu thịt heo bởi hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan nhập khẩu thêm 100.000 tấn thịt heo.
Tại TP HCM, hiện nay một doanh nghiệp cũng đang nhập khẩu 500 tấn; Vissan cam kết cung ứng 4.000 tấn thịt heo, Công ty San Hà cũng sẽ nhập khẩu 1.000 tấn.
Ngoài ra, lượng thịt gia cầm, thủy hải sản cung ứng Tết dự kiến cũng sẽ tăng để bù đắp nguồn thiếu hụt, đơn cử thịt gia cầm tăng 30 - 40%; trứng gà tăng 150%...
“Chúng ta đang đối mặt với chuyện thiếu thịt heo. Giải pháp cho vấn đề này 10% nằm ở các cơ quan chức năng và 90% nằm ở người tiêu dùng.
Nếu người tiêu dùng chia sẻ, thay đổi cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày thì vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa. Người tiêu dùng không thể đòi hỏi có heo tươi trong khi nguồn heo giảm”, bà Trang nói.
Còn theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Long An, Sở này vừa làm việc với các doanh nghiệp của TP HCM như Vissan, San Hà, Saigon Co.op… và các cơ sở giết mổ, chăn nuôi trên địa bàn về tình hình cung - cầu thịt heo dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2020, kết quả là các doanh nghiệp cam kết tăng nguồn cung thịt heo cung cấp cho nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, lượng heo trong dân không còn nhiều, khả năng thiếu nguồn cung nên kiến Sở đã nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi, cung cấp thực phẩm lớn để điều phối nguồn cung thịt heo cho địa phương với mức giá cả hợp lí, phục vụ nhu cầu của người dân, Sở Công Thương tỉnh Long An cho hay.
Ngoài ra một số địa phương đề xuất tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin, giá cả thị trường giữa TP HCM và các tỉnh, thành và có giải pháp cụ thể nhằm tạo mối liên hệ vùng trong việc ổn định thị trường thịt heo.
“Trong trường hợp nếu thị trường thịt heo bị lũng đoạn ở một phường, xã thì chúng tôi điều phối xử lí được.
Nhưng nếu lũng đoạn cả một quận, huyện, chúng tôi sẽ khó khăn và phải nhờ các tỉnh lân cận như An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… hỗ trợ. Chúng ta phải phối hợp liên kết với nhau để điều phối”, ông Nguyễn Minh Thoại, Giám đốc Sở Công thương Cần Thơ đề nghị.