Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội nào cho ngành tôm trong bối cảnh dịch COVID-19 lây lan mạnh?
10 | 03 | 2020
Theo VASEP, dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường Trung Quốc và lan tỏa đến các thị trường lân cận, tác động xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, trước khi dịch bệnh bùng phát, ngành tôm Việt năm 2020 được đánh giá có nhiều cơ hội để tăng trưởng.

Hiện tại ngành tôm vẫn chưa chịu nhiều tác động bởi COVID-19

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), quí I/2020, chưa vào vụ nuôi tôm chính, thị trường tiêu thụ mặt hàng này cũng chưa khởi động, nên ngành tôm Việt Nam gần như chưa gặp nhiều khó khăn như các ngành hàng khác trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới. 

Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 vẫn kéo dài đến quí II thì điều này thực sự sẽ trở thành một thách thức không hề nhỏ cho ngành tôm Việt Nam.

Theo VASEP, dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường Trung Quốc và lan tỏa đến các thị trường lân cận, tác động xấu đến các doanh nghiệp xuất khẩu, như nguy cơ bị hủy đơn hàng do các nước thực hiện biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa kinh doanh, các mặt hàng xuất khẩu có thể phải đối mặt với áp lực giảm giá.

Tuy nhiên, trước khi dịch bệnh bùng phát, ngành tôm Việt năm 2020 được đánh giá có nhiều cơ hội để tăng trưởng. 

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thủy sản, tạo cơ hội cho nguồn cung từ các thị trường khác vào Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Đồng thời, năm 2020 sẽ diễn ra nhiều sự kiện lớn như Thế vận hội Olympic Tokyo 2020, vòng chung kết Euro 2020, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản và các nước châu Âu, đặc biệt là tôm, nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm trên thế giới.

Mặc dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng các chuyên gia đều cho rằng dịch bệnh này đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng tạo ra những cơ hội cho xuất khẩu.

Tận dụng cơ hội tăng xuất khẩu sang các thị trường lớn 

Dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc sẽ khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc. Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu. 

Khi xuất khẩu có dấu hiệu không thuận lợi, doanh nghiệp có thể tập trung gia tăng thị phần ngay tại thị trường nội địa.

Trong điều kiện dịch COVID-19 đang hoành hành, mức tiêu thụ giảm, bà con nuôi tôm cũng có giải pháp chủ động nhằm vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.

Với các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất tôm, hiện nay cũng đã có những phương án, trong việc tìm kiếm thị trường khác như đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Đồng thời chung tay hỗ trợ người nuôi tôm bằng nhiều hình thức.

Hiện nay Tập đoàn Việt – Úc, đơn vị sản xuất tôm giống lớn nhất Việt Nam và đang có chính sách giảm giá bán tôm giống tối đa hỗ trợ cho người nuôi.

Hiện có khoảng 70%-80% tôm Việt Nam xuất đi các nước Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu. 30% còn lại ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, sẽ khiến nhiều thị trường lớn giảm nhập hàng hóa từ Trung Quốc. 

Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tăng xuất khẩu vào các nước khác trên thế giới, nhất là khi Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7 tới đây.

Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP, cuối tháng 6, Việt Nam thông thường vào mùa vụ, mùa tiêu thụ bắt đầu trên cơ sở sẽ bắt nhịp. Nếu dịch bệnh chấm dứt sớm hơn rõ ràng thuận lợi, mặc dù cũng rất khó dự đoán được tình hình hiện nay, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc cũng đang có chiều hướng kiểm soát tốt dần.

Bên cạnh đó, người nuôi phải thường xuyên theo dõi tình hình và trao đổi với người thu mua, doanh nghiệp để nắm bắt cụ thể nhu cầu để đảm bảo sau dịch có sẵn sàng nguồn nguyên liệu tốt nhất cung cấp cho thị trường.

Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả thị trường nhập khẩu hay trong nội tại ngành. 

Do vậy, VASEP khuyến nghị các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng các liên kết chuỗi từ khâu đầu vào: con giống, thức ăn, chế biến, nhằm kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường