Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lệnh cấm của Thái Lan và Kuwait ảnh hưởng yếu tới xuất khẩu tôm Ấn Độ
25 | 12 | 2017
Lệnh cấm của Thái Lan và Kuwait ảnh hưởng yếu tới xuất khẩu tôm Ấn Độ

Theo báo cáo của Cơ quan xếp hạng uy tín Ấn Độ (ICRA), tác động của lệnh cấm nhập khẩu tôm của Thái Lan và Kuwait đối với tôm đông lạnh Ấn Độ có vẻ không đáng kể, nhưng cơ quan này bày tỏ lo ngại về hiệu ứng của các chính sách này lên nhận thức của công chúng.

ICRA cho biết hồi đầu tháng 12, Bộ Thủy sản Thái Lan đã áp lệnh cấm tạm thời đối với 5 chủng loại tôm, bao gồm tôm thẻ và tôm sú, từ Ấn Độ do lo ngại lây lan bệnh IMNV. Trước đó, Kuwait cũng đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm Ấn Độ do nghi ngờ có sự xuất hiện của dịch bệnh trên các lô hàng tôm.

Trong năm 2017, xuất khẩu tôm đông lạnh của Ấn Độ tăng 25% về giá trị và 19% về lượng so với năm 2016. Tăng trưởng lượng xuất khẩu chủ yếu nhờ nhu cầu thế giới đối với tôm Ấn Độ tăng và sản xuất yếu tại các nước sản xuất tôm lớn khác trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan.

Ngoài điều kiện nhu cầu quốc tế thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng, vận động nguồn cung nội địa cũng theo khuynh hướng tích cực cho xuất khẩu khi diện tích nuôi tôm mở rộng tại các bang Tây Bengal, Gujarat, Orissa. Do đó, ngành tôm cho rằng tăng trưởng nhu cầu đối với tôm đông lạnh Ấn Độ sẽ duy trì tốt, bất chấp tâm lý tiêu cực do sự áp đặt lệnh cấm đối với tôm Ấn Độ.

Với gần 77% xuất khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ đến các thị trường Mỹ, Việt Nam và EU, giá trị xuất khẩu tôm năm 2018 của Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 25 – 30%.

Trong đợt rà soát giữa kỳ về Chính sách Kinh tế Đối ngoại (FTP) giai đoạn 2015 – 2020, chính phủ khuyến khích các nhà xuất khẩu tôm thông qua giảm thuế xuất khẩu từ 4% xuống còn 2,7%. Tuy nhiên, ICRA nhấn mạnh rằng các chính sách khuyến khích xuất khẩu này thực chất không tác động mạnh tới khả năng sinh lời của các nhà xuất khẩu.

Theo FIS (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường