Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
5 động lực thúc đẩy kinh doanh thủy sản tại Trung Quốc
20 | 12 | 2017
Vị thế ngày càng vững chắc của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng phản ánh trên chính thị trường thủy sản.

Ngôi sao đang lên Trung Quốc tiếp tục tỏa sáng. Đất nước đông dân nhất thế giới này đang được nhiều nhà quan sát quốc tế coi là một siêu quyền lực mới trên thị trường thủy sản. Tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh, quyền lực quân đội ngày càng mạnh và khi Mỹ rút ra hỏi các thỏa thuận thương mại quốc tế dưới sự lãnh đạo của tổng thống Donald Trump, Trung Quốc đã bước lên vũ đài, ráo riết theo đuổi chiến lượng thương mại mở rộng.

Vị thế ngày càng vững chắc của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng phản ánh trên chính thị trường thủy sản. Dưới đây là 5 khuynh hướng cho thấy vị thế tương lai của Trung Quốc trong thương mại thủy sản toàn cầu – và các rào cản có thể làm chậm lại, thậm chí đảo ngược tình thế trong tương lai.

  1. Thuế nhập khẩu thủy sản ngày càng giảm

Với nguồn cung nội địa tiếp tục suy giảm, Trung Quốc sẽ khuyến khích nhập khẩu và muốn mở rộng các dòng sản phẩm thủy sản nhập khẩu.

Mùa thu năm 2017, thuế hập khẩu cua sống giảm từ 15% xuống còn 5%, và thuế nhập khẩu tôm hùm giảm từ 11% xuống còn 7%. Mức thuế nhập khẩu đối với các loại tôm cũng giảm từ 4% xuống còn 2%, trong khi thuế nhập khẩu các sản phẩm cua cũng giảm một nửa xuống còn 5%.

Thuế nhập khẩu thực phẩm sẽ tiếp tục giảm do Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về lạm phát giá thực phẩm có thể châm ngòi cho bất ổn dân sự. Với mức thuế ngày càng giảm, động lực buôn lậu cũng giảm theo, cũng khiến các nước khác giảm mong muốn theo đuổi các thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc. Sri Lanka, Na Uy, Israel và Ecuador là các nước đang trong quá trình đảm phán các thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc.

  1. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển, nhưng có dấu hiệu tập trung hóa

Trung Quốc đang tiến đến vượt mốc 1.000 tỷ USD trong thương mại trực tuyến năm 2017. Doanh số bán hàng trực tuyến trong ngày Độc thân – tức ngày 11/11 – sự kiện do Alibaba khởi xướng, tăng 40% trong năm 2017 lên 25 triệu USD – cao hơn tổng giá trị thương mại trực tuyến của ngày Black Friday và Cyber Monday. Các công ty lớn về thương mại điện tử của Trung Quốc như Alibaba tiếp tục tìm cách mua lại các nhà bán lẻ truyền thống. Khi không thỏa thuận mua thành công, các công ty này tìm cách ký thỏa thuận hợp tác, như với hệ thống siêu thị lớn Auchan, qua đó thúc đẩy và khơi thông mua sắm trực tuyến.

Những diễn biến này đang thay đổi mạnh mẽ ngành kinh doanh bán lẻ tại Trung Quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho các thương mại thủy sản lập chiến lược thâm nhập vào các kênh thị trường tại Trung Quốc. Tuy nhiên, tình trạng kiểm soát và áp giá sẽ là các yếu tố bất lợi cho người bán và mang lại lợi thế cho các nhà bán lẻ trực tuyến. Với sự cạnh tranh ngày càng tăng, những nhà bán lẻ trực tuyến nhỏ hơn – phần lớn không có lợi nhuận – có thể phải rời khỏi thị trường. Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp thủy sản cần quyết định thận trọng về các kênh thị trường trên thị trường Trung Quốc.

  1. Khách du lịch Trung Quốc – nhân tố mới nổi trong kinh doanh thủy sản

Những khách du lịch Trung Quốc trở thành một hiện tượng trong năm 2017 và dự báo sẽ thực hiện 120 triệu chuyến du lịch nước ngoài trong năm 2018, theo các ước tính do cơ quan du lịch quốc gia Trung Quốc, so với chỉ 50 triệu chuyến du lịch nước ngoài trong năm 2010.

Có nhiều khách du lịch thực hiện nhiều chuyến du lịch một năm và khuynh hướng này rất rõ ràng: Người Trung Quốc đang tận hưởng sự giàu có của họ vào du lịch và con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Những nước hưởng lợi chính từ khuynh hướng này là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Bangkok – những điểm đến ưa thích của người Trung Quốc.

Doanh thu tại các nhà hàng thủy sản tại các nước này đang tăng vọt nhờ số lượt khách Trung Quốc quay trở lại. Ví dụ điển hình là trường hợp chuỗi nhà hàng Jumbo Seafood của Singapore, đang mở thêm các nhà hàng tại Trung Quốc, là một tên tuổi nổi tiếng đối với khách du lịch Trung Quốc. Những nhà kinh doanh tại Úc, Mỹ và Paris – những điểm đến theo mùa của dân du lịch Trung Quốc – cũng hưởng lợi lớn và cũng có chiến lược dài hạn thu hút khách du lịch Trung Quốc.

  1. Chức năng – từ khóa trong marketing thủy sản

Không đáng ngạc nhiên, xét đến những lớp khói mù dày đặc tại Bắc Kinh trong phần lớn thời gian của năm, người tiêu dùng Trung Quốc luôn tìm kiếm các sản phẩm cải thiện hoặc bảo vệ sức khỏe của họ. Ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc tìm kiếm các sản phẩm thực phẩm chức năng. Điều này đang tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà cung ứng thủy sản có các sản phẩm tăng cường chức năng cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhu cầu cao này kéo theo tình trạng giả mạo tràn lan trong ngành thủy sản tại Trung Quốc. Đặc biệt, hải sâm, hàu và cá ngừ được quảng cáo cho đàn ông Trung Quốc về khả năng hỗ trợ khả năng tình dục, thể chất và mọc tóc. Cá tuyết được quảng cáo tại Trung Quốc là có nhiều lợi ích sức khỏe cho trẻ con và người già.

Những thông tin như vậy có thể thúc đẩy kinh doanh thủy sản tại Trung Quốc nhưng những tin đồn bất lợi về thủy sản chất lượng kém có thể kéo theo nhiều tác động tiêu cực lâu dài. Người tiêu dùng Trung Quốc rất dễ phát hoảng trước những tin đồn trên mạng – gần đây những tin đồn về tiêu dùng cua làm bệnh gút, kém tiêu hóa trầm trọng hơn lan tràn, gây tác động tiêu cực lên tiêu dùng cua.

  1. Giá trị đồng NDT ổn định

Trung Quốc đã dành 2 năm qua để bảo vệ giá trị đồng NDT, với những biện pháp kiểm soát chặt chẽ biến động tỷ giá. Những biện pháp kiểm soát này có vẻ hiệu quả hiện nay. Nhưng nợ của Trung Quốc đã lên tới 266% GDP đang gây quan ngại cho nhiều nhà đầu tư. Thị trường dự báo đồng NDT sẽ giảm giá nếu chính phủ gặp khó khăn trong xử lý nợ.

Trong khu vực, giá trị đồng NDT so với đồng Yên Nhật, đồng Won Hàn Quốc và đôla Hong Kong có tác động điều tiết chi tiêu của khách du lịch Trung Quốc tại các sushi bar tại Tokyo, các nhà hàng lẩu thủy sản tại Seoul và những nhà hàng Đài sang trọng tại Hong Kong. Tất cả các địa điểm này đều đang thu được rất nhiều tiền của khách du lịch Trung Quốc – thường được gọi với tên “khách đại lục”, trong năm 2017.

Giá trị đồng NDT ngày càng đóng vai trò quan trọng khi tăng trưởng thu nhập trung bình của người Trung Quốc đang chậm lại – từ 10,1% năm 2012 xuống còn 6,3% trong năm 2016. Giá bất động sản cao kỷ lục và những thách thức mới như chi phí chăm sóc người già, đều đang gây áp lực ngày càng lớn cho tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Nợ gia đình, lên đến 50%, đang ở mức cao nhất từng có tại Trung Quốc. Sự sụp đổ của đồng NDT sẽ tác động nghiêm trọng tới niềm tin của người tiêu dùng và suy giảm doanh thu  thủy sản tại Trung Quốc và trên toàn khu vực.

Theo Seafood Source (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường