Theo báo Chính phủ, ngày 10/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đến kiểm tra tình hình phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy tái đàn heo tại tỉnh Phú Thọ.
Thông tin từ tỉnh Phú Thọ cho biết, đến ngày 16/1/2020, bệnh dịch tả heo châu Phi đã hoàn toàn được khống chế trên địa bàn toàn tỉnh, đến nay, không phát sinh các ổ dịch mới.
Tổng đàn hiện nay khoảng 629.000 con, bằng 74% tổng đàn so với thời điểm trước xảy ra dịch là 835.000 con. Mỗi tháng tỉnh Phú Thọ cung cấp cho thị trường trên 90.000 con, tương đương khoảng 9.000 tấn thịt hơi.
Theo UBND tỉnh Phú Thọ, dù bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 218/277 xã, phường, thị trấn, nhưng hầu hết chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ có 2 trang trại phát sinh dịch.
Tổng số heo buộc tiêu hủy là 57.400 con (chiếm 6,7% tổng đàn), số lượng tiêu hủy trên 3.300 tấn (chiếm 2,6% tổng sản lượng); gây thiệt hại trực tiếp cho người chăn nuôi trên 130 tỉ đồng.
Số liệu cập nhật mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi có xu hướng giảm mạnh khi cả nước chỉ phát sinh thêm 24 ổ dịch bệnh làm 19.472 con heo mắc bệnh và tiêu hủy.
Trong tháng 2/2020 bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ phát sinh thêm 2 xã tại tỉnh Hòa Bình và Quảng Bình với số heo buộc phải tiêu hủy là 7.435 con, giảm 62% so với tháng 1/2020.
Đến nay, có 11 tỉnh, thành phố có tổng đàn heo bằng hoặc cao hơn trước khi có bệnh dịch tả heo châu Phi. Cùng với đó, có 21 tỉnh, thành phố có tổng đàn đạt hơn 80%; 21 địa phương có tổng đàn đạt hơn 50% và chỉ có 10 địa phương có tổng đàn thấp hơn trước khi có bệnh dịch tả heo châu Phi.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 2/3, tổng đàn heo của cả nước đạt 24 triệu con, bằng khoảng 77% so với tổng đàn heo trước khi có bệnh dịch tả heo châu Phi là 31 triệu con vào tháng 12/2018.
Trong đó, đàn nái còn 2,7 triệu con; các doanh nghiệp tập trung nguồn lực đầu tư giữ đàn heo cụ kị, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109.000 con (90%) chưa bị dịch bệnh; do đó cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn heo.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nguy cơ dịch tả heo châu Phi xảy ra vẫn còn cao, do bệnh chưa có thuốc điều trị và vacxin phòng bệnh, virus tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao; đường lây truyền bệnh rất đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, mật độ rất cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, đồng thời, thời tiết thay đổi bất lợi, gia tăng vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ heo vào đầu năm 2020.
Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ NN&PTNT. Bảo đảm tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng với đó, tiếp tục tổ chức nghiên cứu các giải pháp tổng thể phòng, chống dịch bệnh; hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế và các nước để phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi và nghiên cứu, sản xuất vacxin phòng bệnh.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn để cung cấp các sản phẩm thịt heo cho thị trường và bình ổn giá.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo các nguyên tắc an toàn sinh học, cân bằng cung cầu và bảo đảm an sinh xã hội...
Theo Kinh tế & Tiêu dùng