Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO cảnh báo đợt bùng phát dịch châu chấu sẽ đe dọa an ninh lương thực
17 | 03 | 2020
Đến cuối tháng 2/2020, dịch châu chấu đang bắt đầu có tác động đến Trung Quốc, đặc biệt là ở các tỉnh vùng biên phía Tây như Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam….

Báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết dịch châu chấu từ đầu năm 2020 đến nay đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến khu vực Đông Phi và Nam Á. 

Với hàng trăm nghìn hecta cây trồng bị phá hủy, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cũng đã cảnh báo đợt bùng phát dịch châu chấu này sẽ đe dọa an ninh lương thực ở các khu vực vốn đã thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt và hạn hán này. 

Đến cuối tháng 2/2020, dịch châu chấu đang bắt đầu có tác động đến Trung Quốc, đặc biệt là ở các tỉnh vùng biên phía Tây như Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam….

Mặc dù các chuyên gia nhận định nguy cơ ảnh hưởng có thể không quá lớn do những đàn côn trùng gây hại không gặp hướng gió thuận lợi và cũng không đủ khả năng vượt qua được "bức tường tự nhiên" là dãy Himalaya để có thể tiến sâu vào nội địa Trung Quốc. 

Tuy nhiên dự báo dịch châu chấu khó có thể được dập tắt dễ dàng do vào tháng 3/2020 là thời điểm mùa mưa tăng thúc đẩy thảm thực vật phát triển khiến châu chấu có thể còn phát triển mạnh hơn, chỉ đến khoảng tháng 6/2020, khi thời tiết khô hạn hơn, mới có thể kiềm chế sự sinh sôi của chúng một cách tự nhiên. 

Theo báo Kinh tế đô thị, Bộ NN&PTNT cho biết mặc dù nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất thấp, tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất theo nhận định của FAO, thì chúng có thể di cư vào Việt Nam vào khoảng tháng 6/2020, do nền nhiệt độ cao và hướng gió phù hợp để di cư.

Để  chủ  động  có  phương  án  phòng  chống  không  để  bất ngờ trước tình hình dịch bệnh xảy ra, Bộ NN&PTNT đề xuất kế hoạch tổng thể ứng phó.

Theo đó, chủ động giám sát từ xa, cảnh báo sớm. Giám sát tình hình và các cảnh báo về hướng di chuyển và gây hại của châu chấu sa mạc của FAO trên website www.fao.org/ag/locusts  để  chủ động các phương án phòng, chống dịch kịp thời và hiệu quả.

Tăng cường hợp tác quốc tế với FAO và các quốc gia có chung đường biên giới (Trung Quốc, Lào, Camphuchia) để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và phối hợp đối phó với dịch châu chấu sa mạc (bao gồm cả  châu chấu tre lưng vàng, sâu keo mùa thu).

Thu thập thông tin, tài liệu của quốc tế về châu chấu sa mạc và các biện pháp phòng trừ  để  tổng hợp, xây dựng thành tài liệu tiếng Việt gửi các địa phương nắm rõ, chủ động các biện pháp phòng chống nếu bị dịch hại xâm nhập.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ trao đổi với Bộ Quốc phòng xác định khả năng sử dụng rađa quân sự phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu khi chúng di chuyển và sử dụng dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp dịch trên diện rộng.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường