Sau khi Trung tâm Thú y vùng 7 (ở TP CầnThơ) xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trên đàn vịt tại xã Phước Hưng, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) cho kết quả dương tính với virus H5N1, thì 450 con vịt sống và 150 con đã chết (đều chưa tiêm phòng vaccine) đã bị tiêu hủy.Như vậy, sau Đồng Tháp, nay thêm tỉnh Trà Vinh tái phát cúm gia cầm (27-8) tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trước đó, Bộ Nông nghiệp– Phát triển nông thôn đã dự báo, sau đợt bùng phát dịch cúm gia cầm các tỉnh phía Bắc và miền Trung, mối lo ngại hiện nay tập trung vào vùng ĐBSCL. Khi lúa hè thu thu hoạch xong, việc ấp và nuôi vịt chạy đồng chưa qua tiêm phòng xảy ra ồ ạt rất khó kiểm soát. Kiểm soát việc ấp trứng và tiêm phòng là vấn đề quan trọng, Trung tâm Thú y vùng 6, gồm 12 tỉnh quanh khu vực TPHCM đang khảo sát và chấn chỉnh việc thực hiện Quyết định 17 về việc ấp nở và nuôi lại thủy cầm.
Theo Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh, dịch cúm sẽ vẫn xuất hiện rải rác và cần khoảng 5 năm nữa VN mới có thể khống chế được dịch bệnh gia cầm, chậm hơn 2 năm theo tính toán của Tổ chức Lương Nông (FAO, thuộc Liên hiệp quốc). Việc sử dụng vaccine phòng chống dịch cúm gia cầm thời gian qua cho thấy hiệu quả tích cực trong việc hạn chế dịch bệnh lây lan và có thể khống chế, nhưng cũng không thể đẩy lùi nếu chỉ trông chờ vào vaccine.
Ở TPHCM, việc nuôi gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ tạm thời chưa được nuôi lại. Riêng đối với 2 trại gà công nghiệp, nuôi theo dạng chuồng kín ở huyện Hóc Môn và Củ Chi, quy mô lên đến cả trăm ngàn con/ lần, do tuân thủ các quy định về thú y, như tiêm phòng gà 1 ngày tuổi bằng vaccine Trovac (Công ty Mérial), phun xịt, tiêu độc sát trùng chuồng trại mỗi lần xuất chuồng, chỉ nuôi gà thịt (không nuôi gà đẻ)… và mỗi chuồng gà phải nuôi kèm theo gà đối chứng (không tiêm phòng - sentinen), trước khi xuất chuồng đều xét nghiệm virus H5N1, nếu dương tính sẽ hủy hết cả đàn. Đến nay, sau nhiều vòng nuôi, đàn gà nuôi đều an toàn. Điều này cho thấy, nếu việc nuôi gia cầm được tổ chức lại và chấp hành đúng các quy định của thú y (trong đó có việc tiêm phòng) thì vẫn an toàn.
Trong khi đó, dịch bệnh heo “tai xanh” dù được kiểm soát khá hiệu quả, nhưng việc dịch bệnh xuất hiện mới đây ở Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi có mặt ở Long An, những địa phương sát nách TPHCM, cho thấy mối đe dọa về dịch bệnh này vẫn còn. Bên cạnh những trại nuôi heo quy mô lớn và hiện đại của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn ở Củ Chi và những trại nuôi tư nhân quy mô vừa được bảo vệ nghiêm ngặt, điều lo ngại hiện nay là số trại nuôi heo (lên đến hàng chục ngàn con) của các hộ nhập cư, tập trung ở 2 xã Vĩnh Lộc A, B huyện Bình Chánh.
Do cách nuôi theo kiểu tận dụng thức ăn thừa, chuồng trại tạm bợ, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh dịch tễ, môi trường bị ô nhiễm và sự chưa quyết liệt trong việc chấn chỉnh nuôi gia súc của chính quyền địa phương, cho nên, dù đã làm cam kết tuân thủ các quy định thú y nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra, khiến nguy cơ có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, như đã từng xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng đầu năm 2007.
Trong lúc đó, thương lái từ nhiều tỉnh tìm mọi cách vận chuyển gia súc đã qua giết mổ hay chưa giết mổ (không kiểm dịch) về TP bằng mọi cách với mọi phương tiện, từ xe chuyên dùng (chỉ được phép vận chuyển bằng phương tiện này), đến xe khách, xe du lịch, cả xe taxi, xe gắn máy từ mọi hướng, mọi lúc… khó có thể kiểm soát hết các phương tiện và số lượng gia súc, gia cầm. Trong bối cảnh đó, cho đến lúc này, dịch bệnh heo “tai xanh” không xuất hiện ở TPHCM-một thị trường tiêu thụ lớn và phức tạp nhất nước, là điều đáng ghi nhận.