Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Italy tăng cường nhập khẩu cá ngừ đóng hộp vì COVID-19
24 | 03 | 2020
Hiện tại, sự bùng phát của dịch COVID-19 đang khiến người dân Italy tích trữ rất nhiều cá ngừ đóng hộp vì các sản phẩm này có thể dự trữ trong thời gian dài. Xu hướng này sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Italy.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), năm 2019, nền kinh tế suy yếu và niềm tin của người tiêu dùng suy giảm đã ảnh hưởng tới thị trường cá ngừ Italy, thị trường cá ngừ lớn thứ 2 ở châu Âu. Theo số liệu thống kê của Eurostat, 11 tháng đầu năm 2019 nhập khẩu cá ngừ của Italy đạt 152 nghìn tấn, trị giá 885 triệu USD, giảm 5% về khối lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Mặc dù là nước có ngành chế biến cá ngừ phát triển, nhưng Italy vẫn đang nhập khẩu rất nhiều cá ngừ đóng hộp. 

Tỉ trọng sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp trong 11 tháng đầu năm 2019 chiếm gần 74% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ của nước này. 

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2018, nhập khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp của Italy đang giảm 8%. Trong khi đó, nhập khẩu cá ngừ tươi sống và đông lạnh lại tăng 7%.

Cá ngừ chế biến mã HS16 tiếp tục là sản phẩm được ưa chuộng tại Italy trong giai đoạn này, đặc biệt là cá ngừ đóng hộp. Trong đó, các sản phẩm cá ngừ vây vàng thống trị các kênh bán lẻ của Italy, đặc biệt là các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp.

Tập đoàn Bolton của Italy sở hữu thương hiệu Rio Mare, là công ty mẹ của công ty Conservas Garavillas tại Tây Ban Nha (hay còn gọi là Bolton Food España), công đang kinh doanh các sản phẩm cá ngừ mang thương hiệu Isabel. 

Ngoài ra Bolton còn sở hữu 40% cổ phần của công ty chế biến cá ngừ đóng hộp Tây Ban Nha, Calvo. Do đó, tập đoàn này đang chế biến các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của mình tại Tây Ban Nha và chuyển tới Italy, điều này đã giải thích vì sao Tây Ban Nha đang là nhà cung cấp cá ngừ lớn nhất cho Italy. 

Các công ty chế biến của Tây Ban Nha như Frinsa và Jealsa cũng đóng vai trò quan trọng tại thị trường Italy.

Nhưng nhìn chung, Italy hiện đang nhập khẩu cá ngừ chủ yếu từ các nguồn cung ngoài khối EU. Ecuador, Bờ Biển Ngà, Solomon, Mauritius, Indonesia, Colombia, Philippines, Seychelles, Papua New Guinea và Việt Nam là 10 nguồn cung cá ngừ lớn nhất ngoài khối cho thị trường Italy, chiếm gần 49% tổng khối lượng nhập khẩu.

Trong đó, Ecuador đang là nguồn cung cá ngừ lớn nhất ngoài khối EU, đồng thời là nguồn cung cá ngừ chế biến đóng hộp lớn nhất cho thị trường Italy, chiếm 11% tổng nhập khẩu cá ngừ của nước này.

Cuối năm 2019, Ecuador đã nhận thẻ vàng cảnh báo của EU vì những thiếu sót trong hoạt động chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. 

Tuy nhiên, quyết định này của EU vẫn chưa có tác động rõ rệt tới xuất khẩu cá ngừ của Ecuador sang các nước EU, trong đó có Italy. 

Với lợi thế về thuế quan, các sản phẩm cá ngừ của Ecuador, đặc biệt là các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp, vẫn có lợi thế cạnh tranh tốt tại thị trường EU.

Trong khi đó, Việt Nam đang là nguồn cung lớn thứ 10 cho thị trường Italy, chiếm hơn 2% tổng nhập khẩu cá ngừ của Italy. 

Trái với Ecuador, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam hiện đang bị áp thuế cao, hơn thế nữa do ảnh hưởng của thẻ vàng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các nước EU, trong đó có Italy, không mấy thuận lợi. Việt Nam đang xuất khẩu rất nhiều cá ngừ tươi sống và đông lạnh sang thị trường Italy.

Hiện tại, sự bùng phát của dịch COVID-19 đang khiến người dân Italy tích trữ rất nhiều cá ngừ đóng hộp vì các sản phẩm này có thể dự trữ trong thời gian dài. Xu hướng này sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của Italy. 

Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh bùng phát sẽ khiến hoạt động sản xuất của các nước châu Âu sẽ bị hạn chế, do đó nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tươi sống và đông lạnh nhiều khả năng sẽ giảm. 

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường