Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng ra các nước trên thế giới, các đối tác thương mại tôm của Việt Nam đã giảm đáng kể việc nhập khẩu.
Bắt đầu từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3, nhiều nhà nhập khẩu ở châu Âu đã ngừng nhận hàng và đến giữa tháng 3, khách hàng ở Bắc Mỹ, châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ cũng quyết định hủy hoặc hoãn đơn đặt hàng.
Dự trữ trong kho tăng vọt do các công ty không thể xuất khẩu theo kế hoạch, theo cuộc khảo sát của SeafoodSource. Do đó, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 3 giảm gần 15% so với cùng kì xuống còn 207,7 triệu USD, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
Sự sụt giảm trong xuất khẩu đã khiến giá tôm giảm mạnh. Hiện tại, giá đã bắt đầu cải thiện từ mức thấp trong cuối tháng 3 với mức giá tăng phụ thuộc vào các loại tôm có kích thước khác nhau.
Đối mặt với sự bất ổn định chưa từng có trên thị trường, nhiều nông dân đã chọn cách không tiếp tục thả giống trong vụ mùa hiện tại. Tại Sóc Trăng, tỉnh có năng suất nuôi tôm cao nhất Việt Nam, tính đến nay thả giống được 6.000 ha, chỉ chiếm 24% tổng diện tích 25.000 ha.
Chủ tịch công ty tôm có trụ sở tại Sóc Trăng, ông Hồ Quốc Lực cho biết những tin đồn vô căn cứ đã khiến người dân lo sợ, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu và tác động lâu dài cho ngành tôm ngay cả khi thị trường trở lại bình thường.
Ông Lực hi vọng nông dân sẽ bắt đầu thả giống vào tháng 5 khi điều kiện thời tiết thuận lợi và nguy cơ mắc bệnh thấp hơn.
Trong khi virus corona đẩy ngành thủy sản toàn cầu rơi vào khủng hoảng, tỉ lệ tôm mắc bệnh đốm trắng ở Đồng bằng Sông Cửu Long cũng gia tăng trong vài tháng qua. Bệnh này, thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết mát mẻ, có thể liên quan đến những thay đổi môi trường do sự xâm nhập mặn liên tục trong khu vực.
Căn bệnh này đang ảnh hưởng đến sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long, với một số nông dân gấp rút thu hoạch tôm vào tháng 3, chỉ sau một tháng rưỡi nuôi để giảm tổn thất. Do đó, tôm thu hoạch phần lớn có kích cỡ nhỏ 100 - 250 con/kg, chủ yếu dành cho chế biến và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Minh Phú, công ty tôm lớn nhất Việt Nam, cũng bày tỏ lo ngại về sự thiếu hụt nguyên liệu tôm có thể xảy ra trong năm nay và trên thực tế tình trạng này đã bắt đầu có dấu hiệu.
Trong cuộc phỏng vấn với SeafoodSource, ông chỉ ra sự gia tăng nhu cầu bán lẻ và mua sắm trực tuyến từ các khách hàng của Minh Phú ở Trung Quốc đại Lực, vùng lãnh thổ HongKong, Đài Loan và các nơi khác nhưng các nhà máy chế biến của công ty chỉ hoạt động 70% công suất.
"Sản xuất tôm ở Việt Nam dự kiến sẽ giảm 30 - 50% trong năm nay do sự biến động của giá cả khiến nông dân không muốn thả giống và các biện pháp của chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn đại dịch cũng đang ảnh hưởng đến việc nuôi trồng".
Trương Hữu Thông, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Thông Thuận, công ty sản xuất tôm có trụ sở tại miền Trung, cũng lo lắng về sự thiếu hụt nguồn tôm.
Ông Thông cho biết nông dân đang do dự thả giống vì điều kiện thị trường không chắc chắn và những tin đồn như các nhà nhập khẩu đã dừng hoàn toàn việc mua vì các thị trường lớn bị đóng cửa trong khi các ngân hàng quay lưng lại với nông dân.
Vấn đề thiếu hụt nguồn cung tôm có thể trầm trọng hơn với việc phong tỏa ở nhiều quốc gia (gồm cả Ấn Độ, nhà sản xuất tôm hàng đầu thế giới, gần đây đã gia hạn cách ly đến ngày 3/5), sản lượng tôm toàn cầu có thể sẽ giảm mạnh. Ở Ecuador, dịch virus corona làm cản trở sản xuất thậm chí nhiều hơn các nước khác.
Trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt như dự đoán, Tổng Cục Thủy sản Việt Nam đã yêu cầu chính quyền các tỉnh ven biển ổn định sản xuất và bằng mọi cách có thể để đảm bảo cung cấp đủ tôm cho các nhà chế biến khi đại dịch được kiểm soát.
VASEP đã trực tiếp kêu gọi người dân thả giống như thông thường và dự đoán nhu cầu toàn cầu có thể sẽ quay trở lại trong vòng 3 - 9 tháng tới.
Bên cạnh đó, một số công ty đã bắt đầu cung cấp các chương trình bán hàng để khuyến khích nông dân thả giống. Và Việt Úc, nhà cung cấp tôm hàng đầu Việt Nam, đã cung cấp gói hỗ trợ cho nông dân địa phương bao gồm giảm giá 50% tôm con.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng