Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin thị trường gỗ và sản phẩm gỗ tháng 10/2020
11 | 11 | 2020

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và PTNT

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (Gỗ & SP gỗ) của Việt Nam tháng 10/2020 ước đạt 1,15 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu mặt hàng này 10 tháng đầu năm 2020 đạt 9,64 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 03 thị trường nhập khẩu Gỗ & SP gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 - chiếm 77,7% tổng giá trị xuất khẩu Gỗ & SP gỗ. Trong 9 tháng đầu năm 2020 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh tại các thị trường: Hoa Kỳ (tăng gần 1,1 tỉ USD tương đương tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước), Trung Quốc (tăng 73,2 triệu USD, tương đương tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước), Canada (tăng 18,2 triệu USD, tương đương tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước), và thị trường mới cho Gỗ & SP gỗ Việt Nam là Thái Lan (tăng 6,7 triệu USD tương đương tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu Gỗ & SP gỗ giảm mạnh là: thị trường Anh (giảm gần 75 triệu USD, tương đương giảm 31,7% so với cùng kỳ năm trước), thị trường Nhật Bản (giảm 21,3 triệu USD, tương đương giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước), thị trường Pháp (giảm 13,1 triệu USD, tương đương giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước).

Xuất khẩu Gỗ & SP từ gỗ tháng 10/2020 duy trì kim ngạch xuất khẩu ấn tượng (xu hướng tăng qua các tháng và giá trị xuất khẩu luôn đạt trên 1 tỷ USD/tháng trong 4 tháng liên tiếp). Đóng góp vào sự tăng trưởng này phần lớn là từ giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Điều này được giải thích do thị trường nội địa về các sản phẩm gỗ của Hoa Kỳ tăng (trong bối cảnh dịch bệnh COVID, tỷ lệ người làm việc ở nhà tăng dẫn đến nhu cầu về đồ nội thất, dụng cụ văn phòng tăng, ngoài ra thị trường nhà ở, xây dựng của Hoa Kỳ cũng phát triển bất chấp tình hình dịch bệnh) bên cạnh đó do chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, một số mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị áp thuế cao (228 mặt hàng Gỗ & SP gỗ của Trung Quốc phải chịu mức thuế 28%, ngoài ra một số mặt hàng phải chịu thêm mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp[1]) dẫn đến lượng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước các nhà nhập khẩu đồ gỗ của Hoa Kỳ đã tăng nhập khẩu từ Việt Nam để bù đắp.

Trong khi đó, ước giá trị nhập khẩu tháng 10/2020 đạt 249 triệu USD, đưa tổng giá trị gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 2,01 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, 31,5% trong tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là từ thị trường Trung Quốc, 13,1% từ thị trường Hoa Kỳ và 4,7% từ thị trường Thái Lan.

Như vậy, tuy có những tăng trưởng ấn tượng trong 10 tháng đầu năm 2020, nhưng ngành Gỗ & SP gỗ của Việt Nam đang đối mặt với các rủi ro rất lớn, trong đó ngày 02/10/2020 Cơ quan Đại diện thương mại của Hoa Kỳ (USTR) đã tuyên bố điều tra về các hành động, chính sách, và các thực thi có liên quan đến nhập khẩu và sử dụng gỗ bất hợp pháp cho chế biến hoặc thương mại của Việt Nam theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974[2]. Như vậy, ngoài việc cạnh tranh với các đối thủ lớn từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất nhập khẩu Gỗ & SP gỗ của Việt Nam cần chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu gỗ, đảm bảo tính hợp pháp của nguyên liệu và sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh những rủi ro phải đối mặt, những tháng cuối năm 2020 Gỗ & SP gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng có những cơ hội để tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng: Thị trường nhà ở, căn hộ vẫn tiếp tục phát triển[3]; Chỉ số tâm lý người tiêu dùng đạt mức cao nhất từ tháng 3/2020[4] ; Nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ nội ngoại thất, tủ bếp  tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm[5]. Ngoài ra, thị trường EU về Gỗ & SP gỗ có xu hướng phục hồi từ tháng 8/2020 cũng mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành hàng Gỗ & SP gỗ của Việt Nam những tháng cuối năm.

Để đạt được các mục tiêu xuất khẩu trên 12 tỉ USD năm 2020 và hướng đến phát triển bền vững ngành hàng Gỗ & SP gỗ, các tác nhân trong ngành cần chủ động, tích cực phòng ngừa kiểm soát các rủi ro về nguồn gốc nguyên liệu gỗ theo các Quy định trong Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định đảm bảo hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam, bên cạnh đó cùng với phát triển vùng nguyên liệu trong nước, cần tận dụng tốt những cơ hội do các hiệp định thương mại như EVFTA mang lại (giảm thuế, thủ tục xuất nhập khẩu thông thoáng…) để gia tăng tiếp cận, sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ Châu Âu, các nước có chất lượng gỗ tốt, nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

 

[1] Forest Trends tổng hợp

[2] https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2020/october/ustr-initiates-vietnam-section-301-investigation

[3] https://www.nar.realtor/newsroom/existing-home-sales-hithighest-level-since-december-2006

[4] http://www.sca.isr.umich.edu/

[5] https://www.kcma.org/news/press-releases/august-2020-trend-of-business

 

 



Báo cáo phân tích thị trường