Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
'Chè APEC', hướng đến chuẩn 5 sao
29 | 12 | 2020
Từ khi được chọn là sản phẩm trà để tặng cho các nguyên thủ, chính khách tham dự diễn đàn APEC tại Việt Nam năm 2017, trà Tuyết Hương được gọi là "chè APEC".

Nguồn: Nongnghiep.vn

 

Việc nhanh nhạy chuyển đổi của Ban quản trị đã đưa HTX chè Tuyết Hương đã mang lại hiệu quả rõ rết cho các thành viên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Việc nhanh nhạy chuyển đổi của Ban quản trị đã đưa HTX chè Tuyết Hương đã mang lại hiệu quả rõ rết cho các thành viên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Tích tụ

HTX trà Tuyết Hương đóng chân trên địa bàn xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ. Hóa Trung là địa phương chưa phải là định danh tiêu biểu của những vùng chè chứ danh Thái Nguyên. Vợ chồng chị Trần Thị Tuyết (Giám đốc HTX chè Tuyết Hương) xuất thân từ huyện Phú Bình, càng không phải là địa phương có thế mạnh về chè. Lập thân, xây dựng gia đình, anh theo nghề cơ khí, chị tất tả buôn chè ngược xuôi các chợ chè thập phương.

Vất vả thế nhưng Giám đốc Trần Thị Tuyết vẫn được người làm chè ngợi khen đặc biệt về hình thức và vui vẻ mà tôn vinh là kiều nữ chè Thái. Giờ trở thành Giám đốc HTX với sản lượng hàng trăm tấn chè mỗi năm, chị Tuyết mới chiêm nghiệm, cũng như cây chè, hội tụ đủ sinh khí đất trời, tích lũy đầy giá trị sống thì trà mới ngon. Những năm tháng tất tả xe đạp, xe máy khắp các nẻo đường quê, các nương chè, gặp đủ hạng chè, người làm chè, khách thưởng chè chính là quãng thời gian quý báu để chị tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất chè chất lượng cao.

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng chè chất lượng ngày càng cao của thị trường, năm 2012, chị Tuyết bàn với chồng quyết định thành lập HTX chè Tuyết Hương. Với chị Tuyết, mục tiêu ban đầu là làm thế nào có được một sản phẩm trà chất lượng ổn định để cung ứng cho những khách hàng ruột, tránh bị mất uy tín.

Đích ngắm của chị là vùng “Chè Cài, Gái Hích”, vùng chè ngon, gái đẹp nổi tiếng của miền Đồng Hỷ, xứ Thái Nguyên. Ngặt nỗi, vì công việc vốn là tiểu thương nên chị đã bàn và thống nhất được với 9 thành viên ban đầu của HTX. Đó chính là những người làm chè có tiếng, có quy mô tại xóm Cà Phê, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ. Đó cũng là vùng làng nghề đã đạt được danh hiệu búp chè vàng tại Liên hoan trà Quốc tế Thái Nguyên lần thứ Nhất. Dù thế mạnh có sẵn song Giám đốc Tuyết vẫn bàn bạc với các thành viên về quyết định thay đổi phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Tỏa hương

Có thể nói người làm chè, thương lái chè chính là những cỗ máy test chè chính xác nhất. Dù vậy, với quyết tâm làm chè VietGap chất lượng cao, các thành viên của HTX chè Tuyết Hương đã tạo sự đoàn kết nhất trí cao để mong cho hương trà của mình tỏa ngát muôn phương. Được sự giúp đỡ từ dự án của Liên đoàn HTX Raiffeisen (Cộng hòa Liên bang Đức), quá trình chăm sóc chè được thay đổi.

Quá trình thu hoạch và chế biến nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn vì sức khỏe cộng đồng. HTX đã đầu tư thiết bị máy sao chè bằng gas, thay thế sao chè bằng bếp củi. Trước đây, khi còn dùng bếp củi, quá trình thổi lửa không tránh khỏi bụi tro thường bay vào chè.

Nay nhờ có hệ thống điều chỉnh ngọn lửa gas nên tránh được tình trạng chè có mùi khét, vì hay bị cháy. Không bị bụi bám vào sản phẩm, chè của HTX vốn dĩ là sản phẩm sạch lại càng sạch hơn. Thiết bị có thể chỉnh hẹn giờ, nhiệt độ tự động nhưng chưa mẻ chè nào chị Tuyết phó thác cho máy. Chốc chốc chị lại vốc nắm chè ra kiểm tra hương, kiểm tra nhiệt. Với chị, máy có hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế cảm giác của người sành làm chè được. Chị Nguyễn Thị Huệ (Thành viên HTX chè Tuyết Hương) cho biết, quá trình sản xuất, các thành viên của HTX luôn áp dụng đúng quy trình VietGAP; chế biến chè luôn theo hướng đảm bảo tiêu chuẩn theo đăng ký.

Đến nay, HTX chè Tuyết Hương đã có 15 thành viên với tổng diện tích chè VietGap là 15 ha. Sản phẩm trà của HTX nhiều năm liền là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc, cấp Quốc gia. Danh hiệu Búp chè vàng; giải Vàng, giải Bạc tại Liên hoan Trà Quốc tế. Năm 2017, sản phẩm Tuyết Hương Trà của Hợp tác xã đã vinh dự được Văn phòng Chính phủ lựa chọn làm quà tặng phục vụ Tuần lễ APEC tại Việt Nam, đã góp phần tạo thêm cơ hội giới thiệu đất và người Thái Nguyên tới bạn bè quốc tế.

Năm 2019, hai sản phẩm Minh Tâm Trà và Bảo Lâm Trà của HTX đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là 2 sản phẩm triển vọng để được công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp Quốc gia. Chị Trần Thị Tuyết (Giám đốc HTX chè Tuyết Hương) cho biết, với sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường và chuyển đổi phương thức sản xuất, HTX đã giúp cho các thành viên phát triển mạnh về kinh tế. Nỗ lực hướng đến đạt chuẩn OCOP 5 sao, HTX tiếp tục mở rộng quy mô để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và xây dựng NTM bền vững trên xứ “chè Cài”.

Ông Trần Nho Hưởng (Phó chánh văn phòng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, sản phẩm của HTX chè Tuyết Hương đã đảm bảo đầy đủ các điêu kiện dạt tiêu chuẩn 4 sao. Sản phẩm nếu đạt chuẩn 5 sao cấp Quốc gia thì sẽ là vinh dự của cả người làm chè và sản phẩm chè Thái Nguyên.

Việc nhanh nhạy chuyển đổi của Ban quản trị đã đưa HTX chè Tuyết Hương đã mang lại hiệu quả rõ rết cho các thành viên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Việc nhanh nhạy chuyển đổi của Ban quản trị đã đưa HTX chè Tuyết Hương đã mang lại hiệu quả rõ rết cho các thành viên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.



Báo cáo phân tích thị trường