Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)
TÌNH HÌNH CHUNG
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt xấp xỉ 26,2 tỷ USD, giảm 1,34% so với tháng trước và tăng 36,52% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng giảm thứ 2 liên tiếp về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam kể từ thời điểm đảo chiều mạnh vào tháng 3/2021 (tăng 46,83% so với tháng trước đó). Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 131,14 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 5/2021, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 7,5 tỷ USD, chiếm 28,71% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới.
Trong tháng 5/2021, xuất khẩu NLTS Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ có những biến chuyến tích cực so với tháng trước đó. Ngoại trừ cà phê và hạt điều vẫn đang giảm theo các tháng trước đó, giá trị xuất khẩu tất cả các mặt hàng nông sản sang thị trường này đều tăng trưởng mạnh mẽ. So với tháng 4/2021, thức ăn gia súc và nguyên liệu vẫn là mặt hàng tăng mạnh nhất (tăng 122,17%), tăng ít nhất là mặt hàng chè (tăng 14,41%) tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước bên cạnh một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao như cao su tăng 111,35%; sản phẩm mây tre đan tăng 118,84%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 104,4%... một số mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu giảm có thể kể đến như cà phê giảm 18,7%; hạt điều giảm 24,63%... (chi tiết tại Phụ lục).
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới công bố một hoạt động nằm trong kế hoạch hỗ trợ các công ty thủy sản hồi phục sau Covid. Tổ chức này sẽ chi 70,9 triệu USD để mua các loại thủy sản đánh bắt tự nhiên tại Mỹ, cụ thể: 25 triệu USD cho tôm tự nhiên từ Vịnh Mexico và Bờ biển Nam Đại Tây Dương, 20 triệu USD cho cá minh thái Alaska, 9 triệu USD cho phi lê cá tuyết Thái Bình Dương, 8,9 triệu USD cho cá hồi mắt đỏ, 4,0 triệu USD cho tôm hồng Thái Bình Dương, và 4 triệu USD cho phi lê cá vược Thái Bình Dương.
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) mới đây đã thông báo quyết định áp thuế bổ sung 25% đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ với số tiền thuế gần 119 triệu USD, có hiệu lực từ ngày 29/11/2021 theo điều 301 thuộc Luật Thương mại 1974. Mức thuế bổ sung này được đưa ra sau điều tra của USTR về ảnh hưởng của việc chính phủ Ấn Độ áp 3 loại thuế dịch vụ số lên các công ty nước ngoài hoạt động tại nước này.
Trong báo cáo dự trữ hàng quý của mình, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, nguồn cung ngô nước này hiện ở mức 4,122 tỷ bushel (đơn vị đo của Mỹ - loại thùng chứa 36 lít), thấp nhất kể từ năm 2014. Dự trữ đậu tương ở mức thấp nhất trong sáu năm là 767 triệu bushel và dự trữ lúa mì là 844 triệu bushel, cũng là mức thấp nhất trong sáu năm. Số liệu trên đang làm dấy lên những lo ngại về nguồn cung toàn cầu khi hàng tồn kho ở mức thấp và các khu vực đang canh tác ở Bắc và Nam Mỹ phải vật lộn với thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, đây cũng là những tín hiệu mừng cho các thị trường xuất khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của USDA tháng 6/2021, Hoa Kỳ là nước nhập khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Tổng khối lượng cà phê các loại nhập khẩu trong niên vụ 2021/2022 được dự đoán là 25,65 triệu bao, giảm 100 nghìn bao so với niên vụ trước, trong đó cà phê nhân sẽ giảm 300.000 bao xuống mức 24,2 triệu bao, tuy nhiên, khối lượng cà phê rang xay nhập khẩu sẽ tăng 100 nghìn bao lên mức 550 nghìn bao, cà phê hòa tan tăng 20 nghìn bao lên mức 1,6 triệu bao so với niên vụ trước. Các nhà cung cấp cà phê hàng đầu vào thị trường này vẫn là Brazil (30%), Colombia (21%), Việt Nam (11%) và Nicaragua (5%). Tiêu thụ nội địa tăng 600 nghìn bao lên mức 26,4 triệu bao. Tồn kho cuối kỳ được dự báo sẽ giảm 700.000 bao xuống còn 5,7 triệu bao.
Báo cáo chi tiết xem tại đây.