Nguồn: Vietnambiz.vn
Tại Anh, nông dân đang đổ bỏ hàng chục nghìn lít sữa bò vì không có xe tải đến gom hàng và không đủ người vắt sữa. Ở Brazil, các điền trang phải mất hơn 120 ngày để thu hoạch hạt cà phê robusta, thay vì 90 ngày như bình thường. Tại Việt Nam, khu vực Tây Nguyên thiếu lao động hái cà phê, giá thuê tăng gấp đôi.
Ông Decker Walker, chuyên gia về thương mại nông nghiệp tại hãng tư vấn BCG, nhận định: "Gần như chắc chắn là thị trường lao động toàn cầu đang có sự gián đoạn. Chúng tôi đang đau đầu tìm kiếm nhân công cho ngành nông nghiệp…"
Tình cảnh ngặt nghèo từ Tây sang Đông
Các cường quốc nông nghiệp bó tay
CBS News đưa tin, Shay Myers - chủ một trang trại măng tây dọc biên giới hai bang Oregon và Idaho (Mỹ), từng bị mất ngủ nhiều ngày khi không thể thuê đủ người thu hoạch nông sản. Ước tính giá trị của vụ măng tây này là khoảng 180.000 USD.
Thay vì vứt bỏ gần 159 tấn măng tây, Myers đã chia sẻ cho người dân quanh vùng thông qua một video mời gọi trên Tik Tok. Các trang trại nông sản chủ lực của Mỹ như ngô, đậu nành, hạnh nhân, táo, hành tây,... cũng trông ngóng người đến thu hoạch.
Khó khăn đối với các công ty chăn nuôi ở North Carolina, thủ phủ ngành công nghiệp chế biến thịt của Mỹ, cũng chưa giảm bớt. Ông Bob Ford, Giám đốc của Liên đoàn Gia cầm North Carolina, cảnh báo tình trạng thiếu nhân công tại các nhà máy nuôi gia cầm chỉ có thể tệ hơn khi dân số địa phương và lượng lao động nhập cư giảm sâu.
Đồng cảnh ngộ với cánh đồng măng tây của anh Myers tại Mỹ, tại một trang trại trái cây tại hạt Herefordshire (Anh), những quả việt quất đã chín rục trên cây nhưng người chủ không có đủ công nhân hái quả.
Phó Chủ tịch Tom Bradshaw của Hiệp hội Nông dân Quốc gia Anh cho biết, tình trạng nông sản tới vụ nhưng không thể thu hoạch vì thiếu lao động xuất hiện trên khắp cả nước. Hầu hết nhân công mùa vụ của Anh đến từ Liên minh châu Âu (EU).
Không chỉ cây trồng mà nhiều mặt hàng nông nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng. Do thiếu tài xế lái xe và nhân viên vắt sữa, hàng loạt đơn hàng bị hủy bỏ, nông dân Anh phải đổ đi hàng chục nghìn lít sữa bò, trong khi nguồn hàng tại siêu thị bị khan hiếm.
Ngành chế biến thịt của Anh hiện đang thiếu khoảng 14.000 lao động, dẫn đến heo quá lứa mà không thể tiêu thụ nên đành phải mang đi tiêu hủy số lượng lớn. Nếu tình hình không cải thiện, đặc biệt là trong giai đoạn thâm dụng lao động như hiện nay, nguồn cung thực phẩm cho Giáng sinh sẽ bị hụt.
Đồn điền dầu cọ ở Malaysia thiếu nhân công
Một lý do làm giá dầu cọ thế giới tăng nóng trong năm nay là số ca nhiễm COVID-19 tại Malaysia tăng đột biến. Trong đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện, quốc gia Đông Nam Á này đang báo cáo kỷ lục gần 19.000 ca nhiễm mới và 400 ca tử vong mỗi ngày.
Lệnh hạn chế đi lại được áp dụng từ tháng 3 năm ngoái khiến người lao động nội địa khó di chuyển đến các đồn điền, dẫn đến số lượng nhân công sụt giảm nghiêm trọng. Hơn nữa, ngành dầu cọ Malaysia xưa nay cũng phụ thuộc khá nhiều vào lượng lao động nhập cư từ Indonesia cũng như Bangladesh và Ấn Độ.
Do thiếu nhân công tại đồn điền và nhà máy, xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong 8 tháng đầu năm nay giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhà phân tích Ivy Ng của hãng tư vấn CGS-CIMB Securties dự đoán phải đến đầu năm sau thì chính phủ mới nới lỏng các quy định về lao động nước ngoài.
Tây Nguyên thiếu lao động hái cà phê
Khu vực Tây Nguyên của Việt Nam đang bước vào vụ thu hoạch cà phê nhưng do dịch bệnh, lao động thời vụ từ các địa phương khác, chủ yếu là từ miền Trung, không thể đến làm việc.
Chia sẻ với Zing News, lãnh đạo HTX Dịch vụ Nông nghiệp Chư Kpô (Đắk Lắk), đơn vị có hơn 230 ha cà phê còn khoảng 15 ngày nữa đến thời điểm thu hoạch, cho hay: "HTX xác định thiếu hụt 50% lao động thu hái cà phê".
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thể (huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) đang phải liên hệ nhiều nơi để tìm nhân công hái cà phê cho khu vườn 4 ha của gia đình. Khó khăn về nhân công không chỉ xuất hiện ở Đắk Lắk mà còn diễn ra tại Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum,…
"…nếu không tìm được nhân công, hai vợ chồng tự hái thì phải mất đến ba tháng mới xong. Khi đó, cà phê sẽ hao hụt sản lượng rất lớn và mất chất. Do thiếu hụt lao động nên tôi liên hệ một số mối thì họ nâng giá nhân công lên gần gấp đôi so với mọi năm", ông Thể cho biết.
Lao động nông nghiệp ngặt nghèo do đâu?
Trước hết, do đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, chính phủ các nước phải áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt như giới hạn di chuyển, đóng cửa biên giới,… Cả người lao động nhập cư từ nước ngoài cũng như lao động từ các vùng quê đều khó đi đến các đồn điền.
Vấn đề thiếu hụt lao động tại Malaysia hay Việt Nam phần lớn bắt nguồn từ nguyên nhân nêu trên. Chưa kể, một bộ phận nhân công còn lo ngại nguy cơ lây nhiễm bệnh nên cũng chần chừ không muốn đi làm.
Ở một số trường hợp, chính sách nhập cư khắt khe (như của Mỹ đối với người dân Mexico và khu vực Nam Mỹ) hoặc biến động địa chính trị (như Brexit của Anh) khiến nhân công thời vụ gặp nhiều trục trặc khi xin visa, nhập cảnh,…
Ngoài ra, lao động nông nghiệp trên toàn cầu đang dần tản ra các lĩnh vực khác khi mà công việc ít vất vả hơn và thu nhập ổn định hơn. Ông Walker của BCG nói thêm, nền kinh tế hiện tại đang "tạo ra rất nhiều lựa chọn mà trong quá khứ chưa có".
Hệ lụy tràn lan
Nông nghiệp - vốn là một lĩnh vực cực kỳ thâm dụng lao động, đang phải đối mặt với không ít hệ quả từ vấn đề thiếu lao động, từ lãng phí lương thực, chất lượng nông sản đi xuống đến giá cả leo thang,…
Giữa lúc các nước kém phát triển thiếu thực phẩm, nông dân ở Mỹ, Anh,…phải vứt bỏ hàng tấn nông sản mỗi ngày. Trái cây chín quá độ hay heo quá lứa cũng làm giảm chất lượng mặt hàng, đè nặng lên người nông dân.
Ở một số khu vực khác, lao động thậm chí chỉ là một trong các cơn đau đầu của nông dân. Thời tiết cực đoan ở Brazil và Pháp gây hại mùa màng. Giá phân bón, thuốc trừ sâu ở Mỹ và Việt Nam leo thang khi nguồn cung khan hiếm. Giá ngũ cốc cũng nhảy vọt khiến giá thức ăn chăn nuôi phi mã.
Khi chi phí ở đầu của người nông dân tăng lên và cước vận tải cũng đi lên do giá xăng dầu quá cao, doanh nghiệp thu mua sẽ buộc phải nâng giá bán. Càng về cuối chuỗi cung ứng thực phẩm, giá cả càng bị đội lên cao và người tiêu dùng sẽ là người chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất.
Trong nhiều tháng qua, các chuyên gia liên tục cảnh báo áp lực lạm phát sẽ lớn dần và khủng hoảng lương thực là một viễn cảnh có thể xảy ra. Cho đến giờ, chưa ai biết khi nào những khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ khép lại.