Qua tổng kết của ngành, của VASEP, chúng ta thấy bức tranh tôm toàn diện hơn. Năm 2021 dù bị tác động không nhỏ từ Covid-19 khiến chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ngành tôm bị trì trệ cục bộ, sau đó tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu khiến chi phí vận chuyển tăng đột biến. Những thử thách đó làm thiệt hại không nhỏ tới từng hộ nuôi tôm, từng trang trại, từng cơ sở chế biến tôm xuất khẩu. Tất cả đã là quá khứ dù nỗi trăn trở có thể còn đó, nhất là ở những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ.
Số liệu tiêu thụ từ những bảng tổng kết cho thấy năm 2021, Hoa Kỳ trở thành hàng đầu của tôm Việt, chiếm 28% thị phần. Thị trường lớn thứ hai là EU + Anh (21,8%), thứ ba là Nhật Bản (14,9%). Trung Quốc, tuy có sụt giảm vẫn duy trì thứ tư (10,6%) kế tiếp là Hàn Quốc (9,6%).
Tình hình thị trường
Hoa Kỳ đã tạo nên một kỷ lục mới về sản lượng lẫn kim ngạch nhập khẩu tôm, với 7 tỷ USD và sản lượng trên 750.000 tấn. Trong đó tôm Ấn Độ hàng đầu (36-38%), Indonesia thứ hai (18-20%), Ecuador thứ ba suýt soát Indonesia. Tôm Việt hạng thứ năm chưa tới 10%. Sản lượng tôm bán vào đây từ Ấn Độ và Ecuador chủ yếu là tôm tươi nhiều dạng, trong đó IQF ngày càng có tỉ lệ cao hơn. Hai nước này có lợi thế là tôm giá rẻ. Indonesia có lợi thế là tôm không bị thuế chống bán phá giá. Việt Nam không thể cạnh tranh các thế mạnh đối thủ nên xu thế bán vào đây mặt hàng tôm chế biến sâu hơn như tôm ring, tôm luộc hoặc mặt hàng không bị thuế chống bán phá giá như tôm bao bột, tôm chiên…
Thị trường EU + Anh vẫn là thị trường lớn và đầy tiềm năng. Tôi xếp Anh vào chung khối EU để tiện việc so sánh. Thị trường này có đặc điểm là khúc thị phần cao cấp khá lớn. Đi liền đó, họ đòi hỏi sự kiểm soát kỹ lưỡng chuỗi sản phẩm của nhà nhập khẩu. Hiện nay cơ sở nuôi tôm đạt chuẩn ASC của chúng ta chưa tới chục ngàn hecta, con số rất thấp so tổng diện tích nuôi. Tuy nhiên, so các nước đối thủ, chúng ta còn đi trước lĩnh vực này, cho nên tôm chế biến sâu vào các hệ thống phân phối lớn và cao cấp là thế mạnh của chúng ta. Tôm ta tuy chiếm hạng sau tôm Ecuador ở đây về lượng, nhưng tiềm năng về thị trường của chúng ta lớn hơn, bởi trình độ chế biến của Ecuador còn thấp.
Thị trường Nhật Bản năm qua biến động thất thường theo diễn biến Covid-19 ở đây. Đầu tháng 10 năm rồi, Tokyo hân hoan thông báo mở cửa, giữa tháng 1 này có thông tin là số ca lây nhiễm tại đây tăng chóng mặt! Tuy nhiên, mức tiêu thụ vẫn khá ổn định, dù không tăng trưởng. Vấn đề chỉ chuyển tiêu thụ từ mảng dịch dụ qua mảng bán lẻ mà thôi. Thật ra, tỉ suất lợi nhuận tại đây khá tốt, nhưng đòi hỏi mẫu mã sản phẩm phải tươm tất, khá cầu kỳ nên chỉ phù hợp các doanh nghiệp (DN) chế biến nào có quan điểm tăng trưởng ổn định và vừa phải mà thôi. Lợi thế thị trường này là gần, giao hàng nhanh giảm rủi ro, thanh toán sòng phẳng. Điểm tồn đọng là tất cả lô tôm Việt vào đây đều phải bị kiểm tra khá chặt chẽ mới thông quan. Dù các lô hàng đều bị kiểm tra, ít nhiều có ảnh hưởng kế hoạch tiêu thụ của phía nhà nhập khẩu nhưng tôm Việt vẫn chiếm hàng đầu ở đây, căn bản do mẫu mã sản phẩm tôm ta đẹp, chất lượng ổn định và đồng đều.
Trung Quốc năm qua với chính sách nhập khẩu đầy thất thường, đầy thách thức các nhà cung ứng. Họ có lợi thế lớn là nhu cầu nội địa vô cùng lớn. Cho nên họ trở thành khách hàng lớn nhất cho tôm nuôi từ Ấn Độ, Eucador, tôm biển từ Argentina. Nguồn cung tôm giá rẻ tới thị trường này quá lớn cộng với tác động Covid-19 lên tiểu ngạch khiến việc cung ứng tôm sú cỡ lớn của ta có phần giảm sút, nhưng vẫn không ảnh hưởng tình hình tiêu thụ tôm sú của ta.
Hàn Quốc, Canada, Australia luôn thể hiện là thị trường tiềm năng, duy trì nhịp độ. Trong đó chú ý tôm ta chiếm vị trí hàng đầu ở Hàn Quốc và Australia, cho thấy uy tín tôm ta không hề nhỏ.
Biết người, biết ta
NGƯỜI:
Các cường quốc tôm đối thủ đã và đang vượt qua sự tàn phá từ Covid-19. Họ đều có sách lược, chiến lược nâng tầm ngành tôm của mình, sự cạnh tranh hứa hẹn sẽ căng thẳng không nhỏ.
Từ năm 2015 Ấn Độ đã có chiến lược chinh phục đỉnh triệu tấn tôm 5 năm sau đó. Chiến lược đồng bộ, tăng cường gia hóa tôm bố mẹ; mở rộng quy mô và tỉ lệ thả nuôi; họ còn chú trọng nâng cao trình độ chế biến. Ngay những năm sau đó hàng ngàn bộ thiết bị cấp đông IQF được trang bị. Thành công rõ nét là họ đã chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ với sản phẩm chủ lực là tôm IQF tươi. Covid-19 khiến họ chưa hưởng trọn niềm vui chinh phục thử thách nhưng khả năng đạt triệu tấn tôm vẫn là trong tầm tay. Họ đang nỗ lực thâm nhập thị phần tôm luộc.
Ecuador cũng có quyết sách khá thành công. Thiếu hụt lao động và đẳng cấp chế biến khiến họ phải tiêu thụ tôm sơ chế, hiệu quả kém và lệ thuộc quá nhiều khúc thị phần hạn hẹp. Hai năm qua họ có chính sách nhập cư lao động và nhập khẩu thiết bị như Ấn Độ đã triển khai từ 5-7 năm trước. Chính sách này đã có tác dụng thiết thực, họ giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và đang thâm nhập khá thành công ở thị trường Hoa Kỳ với tôm tươi IQF, với tỉ lệ thị phần gấp đôi tôm ta ở đây. Xu thế họ đang tính toán lại thị trường chia ba phần đều gồm EU, Hoa Kỳ, và châu Á. Họ đang nghiên cứu tăng mật độ thả nuôi đang rất thấp (10 con/m2 mặt nước). Năm 2021 theo thống kê, họ đạt khoảng triệu tấn tôm, hàng đầu thế giới. Nếu tăng mật độ nuôi lên 15 con, sản lượng tăng trưởng hàng năm tôm ở đây là không nhỏ.
Indonesia vẫn coi trọng ngành tôm, tuy chính sách chưa công bố rõ ràng nhưng họ vẫn có lợi thế khá lớn như tôm không bị thuế chống bán phá giá ở Hoa Kỳ và không bị kiểm tra nhập khẩu khắt khe ở Nhật Bản. Thái Lan có lợi thế là tôm giống tăng trưởng nhanh (Super fast grow) được chú trọng nhằm tranh thủ khúc thị trường cao cấp, tôm cỡ lớn và cũng là mặt hàng thay thế tôm sú của ta và tôm nâu (brown) ở vịnh Mexico trong khúc thị trường tôm cỡ lớn trên 25 con/kg.
TA:
Chính phủ, Bộ ngành quan tâm, chú trọng thúc đẩy phát triển con tôm và có chương trình hành động quốc gia thúc đẩy phát triển con tôm tới năm 2025. Chiến lược phát triển thủy sản, trong đó có con tôm, tới năm 2030 tầm nhìn 2045 đã công bố.
Các quy trình nuôi liên tục được cải tiến cập nhật nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất. Người nuôi nâng cao kiến thức, kinh nghiệm qua từng vụ nuôi. Thời gian đã sàng lọc, lực lượng tham gia lĩnh vực nuôi tôm, nhìn chung dày dạn và bản lĩnh hơn. Chuỗi cung ứng cũng hoàn thiện và mở rộng liên tục. Con giống thế hệ mới, nhà máy cung ứng thức ăn xây dựng mới… là các tín hiệu khá khởi sắc để các DN chế biến mạnh tay mở rộng quy mô chế biến của mình, hòa nhịp chung cả chuỗi không để đổ vỡ dù cục bộ.
Thách thức và ứng xử
+ Giá thành tôm nuôi còn cao. Cải thiện cơ bản là tăng tỉ lệ thu hồi đầu con. Nghĩa là tăng tỉ lệ thành công ao nuôi. Như vậy cần con giống tốt và quy trình nuôi phù hợp hoàn cảnh cụ thể. Trong đó chú trọng tối ưu hệ số thức ăn, bởi thức ăn có thể chiếm hơn 50% giá thành. Ngoài ra, xem xét giá cả các cơ sở cung ứng đầu vào, dĩ nhiên quan tâm nhất là thức ăn và các chế phẩm nuôi tôm. Khi cải thiện giá thành nuôi sẽ góp phần cải thiện giá thành tôm chế biến, sẽ tăng sức cạnh tranh tôm ta trên thương trường thế giới.
+ Cải thiện hoạt động chế biến: Gồm cải tiến dây chuyền tăng năng suất, đưa các thiết bị phục vụ dây chuyền chế biến nhằm bán tự động hoặc tự động các khâu nào có thể. Việc này góp phần tăng năng suất, giảm lệ thuộc lao động và tăng mức vệ sinh an toàn cho sản phẩm. Trong đó chú trọng ứng dụng ở những nhà máy sắp xây dựng mới, tạo nền cho một bước tăng trưởng về trình độ chế biến tôm của ta, nới rộng khoảng cách với các quốc gia đối thủ, tăng sức cạnh tranh tôm ta.
+ Khẩn trương thúc đẩy công tác đánh mã số cơ sở nuôi. Bởi đây là xu thế tất yếu. Việc này càng nhanh chỉ có lợi cho tốc độ tăng trưởng (bề rộng) và thâm nhập các hệ thống phân phối cấp cao (chiều sâu), bởi các hệ thống cao cấp cần kiểm soát, truy xuất cả chuỗi.
+ Có giải pháp tăng cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng thị trường yêu cầu, cụ thể như ASC, BAP. Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ không thể thực thi vì chi phí ảnh hưởng giá thành nuôi. Như vậy, nên có giải pháp tích điền hay thành lập dự án kêu gọi đầu tư nuôi tôm. Chỉ có cơ sở nuôi có quy mô hàng trăm hecta mới mang lại hiệu quả thiết thực cao nhất vì thuận lợi trong việc đầu tư, ứng dụng các thành tựu vào nuôi tôm. Giải pháp này hết sức có ý nghĩa cho việc tăng trưởng ở thị trường EU+Anh.
+ Nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi từng quy mô, từng địa phương nhằm phát triển xanh, bền vững. Đây là giải pháp lớn trong chiến lược phát triển ngành tới năm 2030. Có quy hoạch hoàn thiện sẽ giảm rủi ro trong việc nhiễm chéo; trong việc cung ứng đủ nước nuôi; trong việc xử lý nước thải nuôi nhằm hạn chế tác động xấu môi trường, góp phần vào việc phát triển xanh trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, vào phát triển bền vững cả nền kinh tế nói chung. Thật ra, quy hoạch giai đoạn mới có phần khác trước đây. Ngoài vùng nuôi, nước nuôi, điện, đường… còn chú ý vùng cung ứng lao động và cả cơ sở chế biến. Sự đồng bộ này sẽ góp phần tăng hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm làm ra.
Nhìn nhận chung
Con tôm, thế mạnh của nhiều địa phương ven biển phía Nam. Trong tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn thì vai trò con tôm càng có vị trí được chú trọng hơn. Nội dung này đã thể hiện rõ nét trong chủ trương, chính sách; trong chiến lược phát triển bền vững, lâu dài. Dĩ nhiên, bấy nhiêu chưa đủ, thêm biết người biết ta vẫn chưa đủ. Cái cốt lõi là hành động cần thiết, kịp lúc trên nền tảng chủ trương đã thông qua. Hành động này cần sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan công quyền và ý thức trách nhiệm của các DN mắt xích hình thành chuỗi giá trị con tôm. Dĩ nhiên, trong các mắt xích đó DN chế biến xuất khẩu lĩnh ấn tiên phong.