Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XK NLTS SANG THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC THÁNG 9/2022
14 | 10 | 2022

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD)

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) chính của Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 6,65 tỷ USD, tăng 8,23% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu NLTS từ Trung Quốc đạt gần 2,53 tỷ USD, tăng 19,65%. Tính riêng tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu NLTS chính đạt 964,2 triệu USD, tăng 21,0% so với tháng trước và tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc trong tháng 8/2022 là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm 29,1% tổng giá trị xuất khẩu NLTS chính), cao su (chiếm 25,0%), thủy sản (chiếm 14,8%), rau quả (chiếm 9,8%), sắn và sản phẩm sắn (chiếm 9,4%), hạt điều (chiếm 4,6%). So với tháng 7/2022, xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: gạo (tăng 82,1%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 34,3%), thủy sản (tăng 33,3%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 21,2%), rau quả (tăng 19,0%), sắn và sản phẩm sắn (tăng 12,7%), cao su (tămg 9,5%), mây tre đan (tăng 4,3%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là cà phê (giảm 31,9%), chè (giảm 7,6%), hạt điều (giảm 3,1%). So với cùng kỳ, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng bao gồm: xuất khẩu một số mặt hàng NLTS tăng cao là: gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 197,3%), thủy sản  (tăng 101,0%), thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 21,8%), chè (tăng 18,7%), sắn và sản phẩm sắn (tăng 14,0%), mây tre đan (tăng 11,3%), cao su (tămg 8,7%); trong khi đó một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là cà phê (giảm 35,1%), gạo (giảm 30,6%), hạt điều (giảm 9,4%), rau quả (giảm 8,4%). (Chi tiết tại phụ lục đính kèm)

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tính đến 20h00 ngày 07.09.2022, tổng số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh là 327 xe, trong đó xe chở hoa quả là 236 xe hoa quả và 91 xe hàng khác. Cụ thể: (i) tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, còn tồn 26 xe (01 xe tại khu trung chuyển và 25 xe tại cửa khẩu Hữu Nghị), trong đó có 12 xe hoa quả; (ii) tại cửa khẩu phụ Tân Thanh còn tồn 290 xe (tại bãi Bảo Nguyên 155 xe, khu phi thuế quan 135 xe), trong đó có 225 xe hoa quả (tất cả đều được chở bằng container lạnh), 65 xe tinh bột sắn; (iii) tại cửa khẩu chính Chi Ma còn tồn 11 xe hạt sen và bột sắn.

Tình trạng thiếu mưa trên khắp miền nam Trung Quốc kể từ tháng 7 đã khiến mực nước giảm với tốc độ nhanh chưa từng thấy, các ao và hồ chứa gần đây đều đã cạn khô. Theo giới khoa học, thời tiết cực đoan sẽ chỉ ngày càng trở nên tồi tệ và phổ biến hơn, cùng với biến đổi khí hậu, đang gây ra không ít khó khăn cho nông dân cũng như chính phủ Trung Quốc. Cái nóng gay gắt của mùa hè cũng tạo điều kiện thuận lợi cho những loài sâu bệnh hiếm gặp phát triển. Sản lượng ngũ cốc ở Giang Tây, cùng với các tỉnh khác ở trung và hạ lưu sông Dương Tử như Hồ Nam và An Huy, đang đối mặt nguy cơ cao. Các tỉnh khác như Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hà Nam và Quý Châu, cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), Chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này, thước đo chi phí hàng hóa tại cửa nhà máy, trong tháng 8/2022 đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này được điều chỉnh từ mức tăng 4,2% trong tháng 7/2022 so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 7/2022 chỉ số PPI của Trung Quốc đã giảm 1,2% trong tháng 8/2022. Bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng nực, hạn hán, chỉ số PPI của ngành sản xuất và cung cấp điện, nhiệt của Trung Quốc đã tăng 0,3% trong tháng 8/2022 so với mức giảm 1,1% trong tháng 7/2022. Theo NBS, tác động của biến động giá cả năm ngoái đã đóng góp khoảng 2,5 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng PPI trong tháng 8/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu được công bố ngày 9/9 cũng cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, thước đo chính của lạm phát, trong tháng 8/2022 đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo UNDESA, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ chậm lại, đạt khoảng 4% năm 2022. IMF nhận định nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm mặc dù có sự phục hồi sau các đợt phong tỏa vào nửa cuối năm 2022, theo đó tăng trưởng GDP của quốc gia này được dự báo đạt 3,3% năm 2022. ADB dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 đạt 3,3%, điều chỉnh giảm 1,7 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2022. Đây là lần đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc tăng chậm hơn dự báo tăng trưởng chung của các nước châu Á đang phát triển. Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 2,8% năm 2022, điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra trong tháng 6/2022. Theo OECD, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 bị điều chỉnh giảm mạnh, từ mức 4,4% theo dự báo trong tháng 6/2022 xuống còn 3,2%, giảm 1,2 điểm phần trăm. WB dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 2,8% năm 2022, điều chỉnh giảm 2,2 điểm phần trăm từ mức 5,0% của dự báo trong tháng 4/2022.

Báo cáo chi tiết xem tại đây.



Báo cáo phân tích thị trường