Nguồn: kinhtedothi.vn
Người trồng chè ở Hà Tĩnh tập trung thu hoạch chè búp tươi
Dịp nửa cuối vụ Xuân là thời kỳ cao điểm người trồng chè ở tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương thu hoạch chè búp để cung ứng ra thị trường. Trên khắp các vùng đồi, tiếng nói cười rôm rả, bởi năm nay thời tiết khá thuận lợi, sản lượng chè tăng cao, giá bán ổn định hơn so với những năm trước.
Gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở xã Sơn Kim 2 phấn khởi thu hoạch chè búp tươi khi sản lượng tăng cao, giá bán ổn định
Vừa thoăn thoắt đưa tay hái chè, chị Nguyễn Thị Liên ở xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn cho biết, gia đình chị hiện có hơn 10 sào chè công nghiệp LDP2 và PH1. Nhờ chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm nên năm nay toàn bộ diện tích chè đều sinh trưởng, phát triển tốt, búp chè non mọc lên tua tủa, xanh ngát cả một vùng.
"Thời tiết ấm áp, thỉnh thoảng lại có những cơn mưa rào, do vậy sản lượng, chất lượng chè được nâng lên. Với giá thu mua từ 6,2 - 6,5 nghìn đồng/ kg chè búp tươi, dự kiến năm nay sau khi trừ các khoản chi phí sẽ mang lại nguồn thu nhập cho gia đình khoảng từ 120 - 130 triệu đồng”, chị Nguyễn Thị Liên phấn khởi cho biết.
Cây chè đâm chồi, nảy lộc non xanh mơn mởn
Thực tế cho thấy, cũng như nhiều sản phẩm nông sản khác, người trồng chè từng phải chịu cảnh "được mùa, mất giá", hoặc giá thu mua bấp bênh khiến người dân gặp không ít khó khăn, thách thức. Song, vượt lên tất cả những người nông dân "một nắng, hai sương" vẫn cần mẫn bám trụ, kiên trì đầu tư chăm sóc, hy vọng cây trồng chủ lực này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.
Niềm vui lớn là giờ đây cây chè vụ Xuân đâm chồi, nảy lộc non xanh mơn mởn, không phụ công người chăm bón. Đặc biệt, hiện nay ở Hà Tĩnh giá chè búp tươi được thu mua cao hơn từ 2 - 3 nghìn đồng/ kg so với trước đây. Điều đó đã mang đến nhiều niềm vui, phấn khởi cho người trồng chè, vì sản phẩm được mùa, được giá.
"Năm nay, 14 sào chè của gia đình dự kiến sẽ cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Đây là điều kiện tốt để gia đình trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè xanh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường", chị Lê Thị Nga ở xã Sơn Kim 2 chia sẻ.
Cây chè trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại nhiều huyện miền núi ở tỉnh Hà Tĩnh
Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 850 ha chè trồng liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh. Riêng tại vựa chè huyện Hương Sơn, năm 2022 sản lượng chè búp tươi đạt hơn 4.380 tấn, trị giá hàng chục tỷ đồng.
“Cây chè gắn bó với người dân và trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm chè trên địa bàn đã đạt chuẩn OCOP 3 sao, chúng tôi đang tiếp tục tuyên truyền, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế từ cây chè, tạo động lực xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Lê Hồng Phong - Quyền Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết.
Người trồng chè ở Hà Tĩnh đang nỗ lực tạo ra sản phẩm chè sạch, an toàn để vươn ta thị trường EU
Với nhiều giải pháp trong đầu tư, phát triển, những năm qua sản phẩm chè VietGap ở tỉnh Hà Tĩnh đã chiếm lĩnh thị trường các nước Trung Đông. Hiện nay, các doanh nghiệp và người trồng chè đang tiếp tục chinh phục các rào cản kỹ thuật khắt khe, tạo ra sản phẩm chè sạch, an toàn, đạt chuẩn thương hiệu chè quốc tế RA để vươn ra thị trường EU.
Sau khi thu hái, sản phẩm chè búp tươi được nhập cho các Xí nghiệp để chế biến, đưa ra thị trường tiêu thụ
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn Nguyễn Hồng Sánh cho biết, nghề trồng chè cũng có lúc thăng, lúc trầm. Nhất là chịu ảnh hưởng của thời tiết và nhiều khi giá vật tư, phân bón tăng cao đã tác động không hề nhỏ đến tâm lý đầu tư sản xuất của Nhân dân.
Theo ông Nguyễn Hồng Sánh, riêng quý I/2023 sản lượng chè búp tươi của người dân trồng liên kết với Xí nghiệp đạt trên 270 tấn. Đây được cho là một trong những vụ chè bội thu nhất từ trước đến nay. Toàn bộ sản phẩm chè búp mà người dân thu hái đã được xí nghiệp thu mua, chế biến kịp thời, giúp họ yên tâm sản xuất.
“Đơn vị đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người trồng chè áp dụng các tiến bộ KHKT, đặc biệt chú trọng chăm bón chè bằng phân chuồng, phân hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến xuất khẩu sang thị trường EU trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hồng Sánh cho biết thêm.
Các doanh nghiệp, người trồng chè liên kết ở tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung "đón sóng" Hiệp định Thương mại tự do EVFTA để xuất khẩu chè sang các nước EU, nâng cao hiệu quả kinh tế
Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được đánh giá là cơ hội, triển vọng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng, trong đó có sản xuất chè.
“Đơn vị đang tiếp tục tuyên truyền để các doanh nghiệp, người dân nắm bắt những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA; tích cực đồng hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản chủ lực, đón sóng EVFTA", ông Võ Tá Nghĩa thông tin.