Trong những năm qua, ngành trà đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Riêng với ngành chè Bảo Lộc - Lâm Đồng, chính quyền địa phương vẫn luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, bảo hộ thương hiệu "Trà B’Lao" không chỉ trong nước mà còn trên thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Điều này phần nào đã giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước đối với sản phẩm trà Lâm Đồng.
Tuy nhiên, bà Võ Thị Tam Dân cho rằng: "Khoảng 90% sản lượng trà xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu, xuất khẩu trà dưới dạng thành phẩm có thương hiệu còn rất hạn chế".
Dẫn chứng cho điều này, bà Tam Dân thông tin 1 kg chè ô long hái tay một tôm 2 - 3 lá, chất lượng cao, giá xuất khẩu thô chỉ giao động ở 10 - 12 USD. Tuy nhiên, sau khi các nước nhập khẩu sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị nhập khẩu thì lại được bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần. Ngoài ra, hoạt động sản xuất chè còn nhiều bất cập... trong quy trình sản xuất, chế biến, khiến cho trà Việt không được đánh giá cao về chất lượng và giá trị xuất khẩu.
Để nông sản có chỗ đứng trên thị trường quốc tế là một hành trình dài
Để trà Việt nói riêng và nông sản Việt nói chung thực sự có chỗ đứng trên thị trường quốc tế còn là một hành trình dài. Với 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác, sản xuất và thương mại trà, việc được cấp quyền sử dụng thương hiệu "Trà B’Lao" như một bảo chứng cho việc sản phẩm trà của doanh nghiệp có chất lượng ổn định, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và đáp ứng được 3 tiêu chí: sở hữu nguồn nguyên liệu ổn định, an toàn; sở hữu dây chuyền sản xuất tiêu chuẩn; sản phẩm có chất lượng theo tiêu chuẩn Vilas dưới sự kiểm tra định kỳ của các cơ quan chức năng. Bà Võ Thị Tam Dân đưa ra một số đề xuất xây dựng thương hiệu cho ngành trà Việt.
Cụ thể, đối với các đơn vị sản xuất tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè Việt thông qua chuyển đổi các giống trà cũ sang các giống mới. Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm trà sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam. Đa dạng hóa sản phẩm trà chế biến bằng công nghệ tiên tiến. Các doanh nghiệp chế biến liên kết với nông dân từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu trà tươi cho chế biến. Đồng thời các doanh nghiệp xuất khẩu trà cần chủ động thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Đầu tư các công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Bà Võ Thị Tam Dân kiến nghị các cấp chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên môn hỗ trợ, tạo điều kiện mang tính đồng bộ. Chẳng hạn, duy trì và thúc đẩy xuất khẩu và sản phẩm trà chế biến sâu vào các thị trường chủ lực; Hỗ trợ xúc tiến thương mại và thúc đẩy xuất khẩu và sản phẩm trà chế biến sâu đến thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, EU, Mỹ… Thêm vào đó, thúc đẩy các hộ trồng trà trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý diện tích chè nguyên liệu, đảm bảo diện tích trà hiện có. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, các địa phương về phát triển sản xuất trà an toàn; kết hợp chuyển đổi giống mới, thâm canh, nâng cao chất lượng trà… để đạt được mục tiêu phát triển trà an toàn, bền vững. Trên cơ sở phân tích, đánh giá xu hướng thị trường, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu trà Việt trên thị trường quốc tế để nâng cao giá trị, thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè. Các địa phương trồng trà cần xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất trồng an toàn; triển khai các dự án khoa học - công nghệ, khuyến nông phục vụ sản xuất, chế biến an toàn. Đại diện doanh nghiệp trà Lâm Đồng cũng mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy chuẩn chất lượng cho ngành trà đồng bộ trong khâu chế biến và tiêu thụ thích ứng đối với từng thị trường.