Nguồn: thesaigontimes.vn
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt kỷ lục mới với 53,22 tỉ đô la Mỹ. Vì thế, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thuỷ sản cho cả năm 2023 là 54 tỉ đô la. Mục tiêu này có thể là một thách thức cho ngành nông nghiệp nếu nhìn vào những dữ liệu thị trường trong thời gian qua.
Trong báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa toàn cầu 2023 do Ngân hàng Thế giới (WB) mới công bố, WB dự báo giá cả hàng hoá toàn cầu sẽ giảm 21% so với năm 2022. Theo WB, diễn biến này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng của gần 2/3 các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng hóa. Đối với các loại nông lâm thuỷ sản, theo WB, giá nông sản sẽ giảm khoảng 7% trong năm 2023 và tiếp tục đà giảm trong năm 2024. Còn giá nguyên liệu như bông, gỗ, cao su giảm 6% trong năm nay do ngành công nghiệp thế giới bị ảnh hưởng và giá những mặt hàng này tăng lên trong 2024 khi nhu cầu từ Trung Quốc tăng trở lại.
Những dự báo của WB có phần nào đúng khi giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đang giảm mà nguyên nhân là do giá xuất khẩu giảm. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 15,66 tỉ đô la, giảm 13,3% so với cùng kỳ 2022.
Những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm là cao su 684,8 triệu đô la, giảm hơn 20%, hồ tiêu đạt 325 triệu đô la, giảm hơn 10%, sắn (khoai mì) và sản phẩm sắn đạt 453 triệu đô la, giảm 12,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,91 tỉ đô la, giảm 30,4%; các sản phẩm mây, tre, cói thảm đạt 245 triệu đô la, giảm 29,2%. Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thuỷ sản là cá tra và tôm cũng ghi nhận giá trị xuất khẩu giảm: cá tra chỉ đạt 558 triệu đô la Mỹ, giảm gần 40%, còn tôm đạt 843 triệu đô la, giảm gần 40% như cá tra.
Bộ NN&PTNT cho rằng nguyên nhân tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản giảm và thị trường xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn là do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga – Ukraine, lạm phát cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…) nhu cầu tiêu dùng đang có xu hướng giảm, vì thế nhu cầu nhập khẩu giảm.
Bên cạnh đó, nhiều nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường, trong khi lượng hàng tồn nhập khẩu 2022 của một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… còn lớn khiến nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới.