Qua chuyến thăm này đã cho chúng ta học tập được nhiều kinh nghiệm bổ ích trong chiến lược phát triển ngành cà phê Việt Nam tới đây, cả về quản lý Nhà nước, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giống, đất trồng...
Brazil là một quốc gia có lịch sử trồng trọt, chế biến và tiêu thụ cà phê từ thế kỷ 17, phát triển mạnh từ thập kỷ 20 cho đến nay, Trước đây, cà phê chiếm tới 80% tổng thu nhập từ xuất khẩu, nhưng hiện nay chỉ còn là 20% do giá trị xuất khẩu của các ngành hàng khác tăng mạnh. Mặc dù vị trí của ngành cà phê giảm tương đối trong cơ cấu xuất khẩu, nhưng Brazil vẫn là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, với sản lượng tương đối ổn định. Thành tựu này đạt được một phần là nhờ nước này có hệ thống giám sát nguồn cung cà phê hiệu quả, để đưa ra thông tin và dự báo thị trường cà phê chính xác, được công bố qua Hội thảo triển vọng thị trường được tổ chức hàng năm tại Brazil.
Đầu năm 2007, Viện Chính sách và Chiến lược PT NN-NT cũng đã tổ chức thành công hội thảo triển vọng thị trường cho ngành cà phê lần đầu tiên ở Việt Nam. Kết quả cho thấy, việc giám sát nguồn cung là vô cùng quan trọng nhằm đưa ra những thông tin và dự báo cung chính xác, phục vụ các quyết định chính sách, sản xuất và đầu tư cho các tác nhân.
Sản phẩm cà phê của Brazil rất có uy tín trên thị trường thế giới nhờ chất lượng cao. Chuyến khảo sát cho thấy, mặc dù điều kiện đất đai của nước này chưa hẳn đã tốt hơn Việt Nam, nhưng Brazil có giống tốt và đồng bộ, quy trình và kỹ thuật sản xuất và chế biến tiên tiến. Thành tựu này đạt được là nhờ Brazil có hệ thống nghiên cứu khoa học rất tốt, do Chính phủ đầu tư toàn bộ. Hiện nay, cũng như Brazil, nhóm chuyên gia của Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đang xây dựng chương trình áp dụng Bộ tiêu chuẩn chung của cộng đồng cà phê (4C) tại Việt Nam. Việc học tập kinh nghiệm của Brazil và cùng áp dụng bộ tiêu chuẩn 4C sẽ là hướng đi mới giúp Việt Nam nâng cao chất lượng cà phê một cách đồng bộ.
Brazil là nước có sản lượng tiêu thụ cà phê lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ), với gần 50% sản lượng sản xuất ra được tiêu thụ trong nước, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường bất ổn trên thế giới. Hiện nay, lượng tiêu thụ nội địa vẫn liên tục tăng hàng năm, nhờ triển khai chương trình xúc tiến thương mại toàn diện trong nước từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Đây là một kinh nghiệm rất tốt mà Việt Nam có thể học tập.
Ngành cà phê của Brazil có 4 nhóm tổ chức chính: Tổ chức của các nhà sản xuất (bao gồm các nhà sản xuất nhỏ lẻ và các hợp tác xã), Tổ chức của các nhà rang xay; Tổ chức của các nhà sản xuất cà phê hoà tan và tổ chức của các nhà xuất khẩu. Các tổ chức ngành hàng này đại diện cho từng nhóm người khác nhau, tham gia vào quá trình (i) thảo luận, hoạch định và thực hiện chính sách; (ii) xác định, điều chỉnh, giám sát và đánh giá nghiên cứu kỹ thuật cà phê; (iii) thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, tăng cường chất lượng cà phê. Bộ Nông nghiệp Brazil có chức năng nghiên cứu, hoạch định chính sách, chịu trách nhiệm về các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống bệnh dịch.
Brazil xây dựng và phát triển hệ thống hợp tác xã ngành hàng cà phê hoạt động rất hiệu quả và nhịp nhàng. Sản xuất cà phê của các Hợp tác xã chiếm tới 35% tổng sản lượng cà phê của cả nước. Đoàn đã tới thăm Hợp tác xã cà phê lớn nhất thế giới của Brazil (Cooxupe) được thành lập từ năm 1957, có 12000 thành viên, trong đó 70% là nông trại quy mô nhỏ (5-7ha), 30% là quy mô vừa và lớn. Hàng năm, trang trại này buôn bán tới 4,5 triệu bao (cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu trực tiếp tới các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản. HTX có hệ thống hoàn chỉnh bao gồm kho chứa, làm sạch, phân loại, đánh bóng, pha trộn hạt cà phê, và buôn bán trực tiếp. Năm 2006, HTX có kho chứa công suất lên tới 3,3 triệu bao/năm. Năm 2006, HTX đã nhận vào kho chứa tới 2,6 triệu bao. HTX có khoảng 60 chuyên gia nông nghiệp, mỗi người chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho khoảng 200-250 hộ. Như vậy, mỗi vụ, một chuyên gia có thể tới thăm 1 trang trại khoảng 4 lần để hướng dẫn kỹ thuật mới, kiểm tra quy trình sản xuất đến thu hoạch, phát hiện vấn đề và giúp giải quyết khó khăn khi cần thiết.
Ngoài ra, Brazil còn có các tổ chức hỗ trợ khác như Nhóm các tổ chức nghiên cứu cà phê (Coffee Research Consortium), chịu trách nhiệm nghiên cứu và chuyển giao các vấn đề kỹ thuật cho cà phê, bao gồm nhiều tổ chức nghiên cứu khác nhau như tổ chức nghiên cứu nông nghiệp của chính phủ (Embrapa-điều phối của nhóm), các đơn vị nghiên cứu của các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ… Bên cạnh các tổ chức nghiên cứu kỹ thuật cà phê, Brazil còn có tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội ngành hàng (Coffee Intelligence Center), chịu trách nhiệm nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường cà phê thế giới và Brazil cho các tác nhân khác nhau.
Điều phối toàn bộ hoạt động của các tổ chức trên là Hội đồng Cà phê Quốc gia (CNC), có văn phòng thường trực (Cục Cà phê) đặt tại Bộ Nông nghiệp Brazil. Thành viên của hội đồng bao gồm 50% là thành viên của Chính phủ (Bộ và các cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ) và 50% là đại diện của 4 nhóm tổ chức trên. Chủ tịch hội đồng là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Phó chủ tịch là 1 Thứ trưởng phụ trách nông nghiệp. Hội đồng bao gồm 4 uỷ ban: Uỷ ban thị trường và tiếp thị, Uỷ ban chính sách chiến lược, Uỷ ban nghiên cứu kỹ thuật và Uỷ ban phụ trách các tổ chức quốc tế. Trách nhiệm chính của Hội đồng là điều phối toàn bộ hoạt động của ngành hàng, đưa ra các định hướng chính sách trên cơ sở tham vấn các thành viên đại diện, xác định các ưu tiên nghiên cứu và phân bổ vốn cho hoạt động nghiên cứu và chuyển giao cũng như các chương trình khác như xúc tiến thương mại trong nước, nâng cao chất lượng cà phê, bảo vệ môi trường…
Qua nghiên cứu mô hình sản xuất, nghiên cứu, thị trường cà phê của Brazil cho thấy Việt Nam cần sớm thành lập Ban điều phối các hoạt động trong ngành cà phê. Ban sẽ do 1 lãnh đạo Bộ chỉ đạo, với 50% thành viên là thuộc Chính phủ và 50% thuộc các thành phần kinh tế khác. Ban sẽ có một tiểu ban thường trực là đại diện của một cơ quan quản lý nhà nước, 1 cơ quan nghiên cứu chính sách và hiệp hội. Ban sẽ chịu trách nhiệm xây dựng đề án tổ chức ngành hàng cà phê Việt Nam và hàng loạt các hoạt động khác. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ban sẽ được nghiên cứu đề xuất cụ thể khi lãnh đạo Bộ cho phép thành lập.
Đây sẽ là tổ chức điều phối ngành hàng đầu tiên của Việt Nam, gắn toàn bộ các nhóm tác nhân dọc theo kênh ngành hàng, với sự điều tiết vĩ mô của nhà nước và sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế