Bác sĩ Ánh Tuyết (hiện công tác tại khoa Tiêu Hóa, bệnh viện Gia Định) trong chuyên mục sức khỏe sẽ tư vấn cho các bậc phụ huynh những kiến thức cơ bản cần thiết về việc sử dụng vitamin cho trẻ đúng cách.
Vai trò của vitamin
Vitamin là những hợp chất hữu cơ rất cần thiết cho cơ thể, nhưng cơ thể không tự tổng hợp được, phần lớn phải bổ sung bằng đường ăn uống.
Với liều lượng rất nhỏ, nhưng vitamin đóng vai trò quan trọng đối với sự sống của con người: đó là những chất xúc tác không thể thiếu cho sự chuyển hóa các chất trong cơ thể.
Nhu cầu hàng ngày về vitamin cho cơ thể con người rất ít, tùy thuộc vào từng lứa tuổi, nhưng nếu thiếu sẽ gây những rối loạn trầm trọng và là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm, nếu kéo dài có thể dẫn đến tử vong.
Tác hại của thiếu vitamin
Thiếu vitamin A có thể gây bệnh ở mắt làm trẻ bị khô mắt, nhẹ thì quáng gà, nặng thì gây loét, thủng giác mạc có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra thiếu vitamin A cũng còn làm cho trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa.
|
Trẻ bị thiếu vitamin sẽ bị mắc một số bệnh |
Thiếu vitamin B1 làm cho trẻ bị phù, viêm các dây thần kinh làm cho trẻ có các triệu chứng tê bì, chậm tiêu hóa và các rối loạn cảm giác khác.
Thiếu vitamin B6 đơn độc thường chỉ gặp trong bệnh khuyết tật do di truyền.
Thiếu vitamin B12 gây bệnh thiếu máu có hồng cầu khổng lồ, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân. Đôi khi có giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, kéo dài thời gian chảy máu và các dấu hiệu thần kinh khác như có cảm giác kiến bò, giảm xúc giác.
Thiếu vitamin C gây bệnh Scorbut dễ chảy máu ở dưới da và niêm mạc, làm giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn.
Thiếu vitamin D làm trẻ mắc bệnh còi xương.
Thiếu vitamin K làm trẻ dễ bị xuất huyết, đặc biệt có thể gây xuất huyết não, màng não ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm.
Tâm lý bổ sung vitamin cho trẻ của các bà mẹ, có cần thiết ko?
Trẻ em bình thường nếu không có bệnh tật nào, được bú mẹ và ăn uống đầy đủ thì thường không thiếu vitamin, do vậy không cần phải bổ sung thêm bằng các thuốc có chứa hỗn hợp các loại chất này.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt thiếu vitamin có thể xảy ra do bệnh lý, vì vậy cần bổ sung các hợp chất cung cấp vitamin.
Các nguyên nhân gây thiếu vitamin? (Trong trường hợp nào cần bổ sung?)
Gặp ở các trẻ sống trong những gia đình kinh tế khó khăn nên bữa ăn cho trẻ không bảo đảm chất lượng.
Do ăn phải gạo bị mốc hoặc để lâu ngày thiếu vitamin B1. Rau quả để bị héo hoặc bảo quản lạnh quá lâu. Do chế biến thức ăn không đúng như đun đi đun lại nhiều lần. Do các tục lệ ăn uống kiêng khem quá mức hoặc trẻ không được bú sữa mẹ...
Những trẻ bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, các bệnh về gan, mật... là những trẻ hay bị thiếu vitamin và chất khoáng. Trẻ bị bệnh sốt rét có thể gây thiếu vitamin B1 và tình trạng thiếu vitamin B1 có thể làm phức tạp thêm bệnh sốt rét.
Gặp ở những trẻ đẻ non, sinh đôi, các trẻ lớn quá nhanh do nhu cầu vitamin quá cao so với sự cung cấp của chúng ta hàng ngày.
Cung cấp vitamin cho trẻ liều lượng phù hợp như thế nào?
Người dùng cần biết đến chỉ số US.RDA (chỉ số này đối với từng vitamin và vi chất dinh dưỡng thường được ghi trên hộp thuốc), thận trọng với các chế phẩm có hàm lượng trên 5 lần liều cho phép theo nhu cầu hằng ngày.
Các chế phẩm vitamin và vi chất dinh dưỡng đơn lẻ thường có hàm lượng rất cao, như vitamin B12 loại 5.000-10.000mcg (cao gấp 800-1.600% nhu cầu hằng ngày), vitamin C 1.000mg, nguyên tố kẽm 100mg (cao gấp 330-660% nhu cầu hằng ngày)... khi sử dụng cần tham khảo và tuân thủ tuyệt đối chỉ định của thầy thuốc.
Các bậc phụ huynh khi sử dụng vitamin và vi chất dinh dưỡng dưới dạng phối hợp (đa vitamin, đa khoáng chất...) phải phân biệt rõ ràng công thức cho trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 4 tuổi.
Vitamin là những yếu tố luôn có sẵn trong thực phẩm (rau, quả, ngũ cốc, thịt, cá...), nên nếu sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng, không ăn kiêng, không rối loạn hấp thụ ở đường tiêu hóa thì không thiếu, không cần bổ sung.
Tuy nhiên, việc quảng cáo quá mức về thuốc bổ, vitamin và các vi chất dinh dưỡng đang làm tình trạng lạm dụng thuốc lan tràn, phổ biến hơn, gây những tai biến khó lường do... thừa vitamin và vi chất dinh dưỡng.
Các nguy hiểm gì khi cung cấp vitamin quá liều?
|
Dùng vitamin quá liều sẽ gây những tác hại nguy hiểm |
Thừa vitamin cũng có thể gây nguy hiểm cho cơ thể trẻ, chẳng hạn như:
Thừa vitamin A có thể gây ngộ độc làm tăng áp lực nội sọ dẫn đến trẻ bị nôn nhiều, đau đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển xương có thể làm trẻ chậm lớn, rối loạn thần kinh. Vitamin A cũng có thể gây quái thai, vì vậy không nên dùng cho mẹ ngay trước thời kỳ mang thai và đặc biệt không nên dùng cho phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.
Thừa vitamin B6 có thể dẫn tới viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.
Do không có hiện tượng tích lũy nên hầu như không gặp thừa vitamin C, nhưng nếu dùng liều cao theo đường uống có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy. Dùng đường tiêm với liều cao có thể gây tan máu, đặc biệt ở những người thiếu men G6PD.
Thừa vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ. Có trường hợp bổ sung vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh.
Thừa vitamin K thường chỉ gặp khi dùng đường tiêm kéo dài có thể gây tan máu và vàng da.
Ngoài ra một số bậc phụ huynh có thói quen sử dụng tùy tiện các loại thuốc bổ cũng có thể vô tình làm cho trẻ bị thiếu vitamin và các vi chất dinh dưỡng do tương tác thuốc. Sulfamid, Methotrexat... làm giảm hấp thụ các vitamin nhóm B; vitamin E liều cao làm cạn kiệt dự trữ vitamin A; vitamin C liều cao làm phá hủy vitamin B12; thừa kẽm làm cản trở hấp thu sắt...
Các thức ăn có chứa vitamin
Vitamin A có nhiều trong gan, cá, sữa
Tiền tố vitamin A có nhiều trong cà rốt, rau xanh, quả mơ, dưa chột, quả đào có màu vàng, ngô
Vitamin D có nhiều trong cá, gan, lòng đỏ trứng, thịt lợn, chất béo của sữa
Vitamin E có nhiều trong bột mì, quả hạnh nhân
Vitamin C có nhiều trong cam, chanh, bưởi, rau xanh, cải bắp, cải xoong, xoài, củ cải, hành tây, ớt ngọt, rau mùi, ổi...
Vitamin B1 có nhiều trong gạo, bột mì, bột đậu xanh, thịt gà, nấm
Vitamin B6 có nhiều trong gan bê, ruốc thịt, thịt gà, ngô...
Vitamin B9 (hay còn gọi là axit pholic) có nhiều trong măng tây, rau xanh, đậu rau xanh, gan, thịt gà, trứng.
Vitamin B12 có nhiều trong pho mát làm từ thịt dê và thịt cừu, cá, quả hạnh nhân, cải xoong, dưa bắp cải, sữa tươi, sữa bột, sữa chua, sữa đậu nành, nước khoáng
Một số lời khuyên về những điều kiện để cơ thể trẻ tổng hợp được Vitamin tốt nhất
Một trường hợp điển hình có thể kể đến là vitamin D. Không có nhiều thực phẩm chứa loại vitamin này, tuy nhiên nó lại được sinh ra khi cơ thể tiếp xúc được với ánh nắng mặt trời, do vậy, các bậc phụ huynh nên thường xuyên cho trẻ tắm nắng, thời gian để tắm nắng tốt là từ 7 đến 10 giờ sáng.
Một số loại vitamin như A,D,K,E chỉ tan trong chất dầu do vậy khi nấu thực phẩm có chứa những loại vitamin này ta cần cho vào ít dầu mỡ.
Vitamin thường rất dễ bị phá hủy khi ở nhiệt độ cao do vậy khi nấu thức ăn ta cũng không nên nấu quá nhừ, quá lâu vitamin sẽ bay đi hết. Ngoài ra, khi sử dụng vitamin nên có lời khuyên và chỉ định của bác sĩ.