Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đẩy mạnh cải cách hành chính, không gây khó cho nhà đầu tư
16 | 07 | 2007
Ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2006 và nhiệm vụ năm 2007, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội Tào Hữu Phùng đã thẳng thắn trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội một số nội dung quan trọng.
-Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP năm 2006 có cao, nhưng còn thấp hơn mức của năm 2005 và các yếu tố đảm bảo tính bền vững kém?

- Đúng. Không bền vững ở chỗ, hiệu quả đầu tư chưa cao, giá trị tăng thêm rất thấp. Cụ thể giá trị tăng thêm cho nông nghiệp, thuỷ sản chỉ có 3,5% - 3,8%; dịch vụ 8%; công nghiệp dưới 10%... Giá trị tăng thêm chủ yếu nằm ở lĩnh vực gia công, lắp ráp...

Ngoài ra, việc sử dụng nguồn nội lực về kinh tế chưa cao. Thu ngân sách vượt 20.000 tỉ đồng nhưng chủ yếu là do giá dầu thô, xổ số; kết quả sản xuất kinh doanh thu nội địa mới chỉ 54-55%; đầu tư nước ngoài (không bền vững) nhưng chiếm tỉ trọng khá lớn, áp đảo. Sức cạnh tranh tụt tới 3-4 bậc, thị trường đầu tư tụt xuống...

- Đâu là lý do mấy năm gần đây đầu tư vốn tăng trong khi hiệu quả sử dụng vốn lại thấp?

- Hiệu quả làm ra của đồng vốn có xu hướng giảm dần là thực tế thống kê những năm gần đây. Một trong những hạn chế của ta là trên 60% GDP là do tăng vốn, đó không phải là tăng từ năng suất lao động, nên đương nhiên không phải là yếu tố tích cực...

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do việc đầu tư gây thất thoát, lãng phí nhiều; chi phí lớn, bộ máy cồng kềnh, không năng suất, hiệu quả.

- Với những điểm bất cập, yếu tố thiếu bền vững trên, theo ông, các mục tiêu của Chính phủ đề ra cho năm 2007 liệu có khả thi?

- Theo tôi, Chính phủ đặt ra những chỉ tiêu rất là tích cực. Vấn đề mấu chốt bây giờ là phải làm sao thích ứng, thực hiện được các cam kết quốc tế và vượt qua thách thức; lợi dụng tốt nhất những khả năng thuận lợi khi nước ta là thành viên WTO để đi lên.

Muốn vậy phải cải tiến rất đồng bộ nền kinh tế. Đồng thời phải tạo môi trường sống sạch, môi trường đầu tư thông thoáng; phải đẩy mạnh cải cách hành chính, không nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhà đầu tư...

 

Làm sao để chương trình cải cách hành chính như Thủ tướng vừa báo cáo trước Quốc hội có hiệu quả; chấm dứt tình trạng thu hồi đất của dân không đúng mục tiêu, không công bằng để dân mất đất, mất ruộng, không có công ăn việc làm để xảy ra khiếu nại đông người gay gắt.

Cải cách kinh tế phải đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Phát huy nội lực trên tinh thần khai thác tốt ngoại lực.

- Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Lao động)

Báo cáo phân tích thị trường