Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguyên lý hoạt động của quảng cáo
23 | 10 | 2007
Để có thể hiểu hiệu quả của quảng cáo chúng ta cần phải hiểu qui trình của quảng cáo từ mục tiêu ý đồ cho đến chiến lược và sự tiếp nhận của người tiếp nhận quảng cáo.
 

Quảng cáo trước tiên là một hình thức truyền thông. Quảng cáo là một sự đối thoại giữa người cung cấp và người tiêu dùng về một sản phẩm nhất định nào đó. Quảng cáo thu hút sự chú ý của người xem, cung cấp thông tin và hàm chứa một số giá trị về giải trí, và nhằm mục đích tạo ra một sự phản hồi nào đó từ phía người tiêu dùng, chẳng hạn như hành động mua sản phẩm. Nhằm đạt được hiệu quả cao, quảng cáo cần được xây dựng với những tình tiết cụ thể như là một cuộc đối thoại giữa hai cá nhân giữa người cung cấp và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hầu hết các quảng cáo thường không thể mang tính cá nhân như là một cuộc đối thoại bởi vì quảng cáo dựa vào các phương tiện truyền thông đại chúng để chuyển tải nội dung thông điệp của mình. Do sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng nên nó mang tính gián tiếp hơn, phức tạp hơn là một cuộc đối thoại cá nhân.

Phương tiện truyền thông thường được xem như là một qui trình. Một qui trình truyền thông tiêu biểu thường bao gồm một số thành phần tham gia chủ yếu. Bắt đầu là nguồn thông tin S (source), người ta muốn phát đi một thông điệp. Thông điệp được mã hoá bằng từ ngữ và hình ảnh M (coded message). Thông điệp ấy được truyền đi bằng các kênh truyền thông C (channel) như là radio, TV, báo. Sau đó thông điệp được giải mã M (decoded message) bởi người nhận thông điệp R (receiver) tức là đối tượng mà quảng cáo ấy nhắm đến. Qui trình nầy thườn được gọi là qui trình SMCR.

Phương tiện truyền thông chỉ là hình thức truyền thông một chiều, trong đó thông điệp được truyền đi từ người phát cho đến người nhận. Tuy nhiên, đối với các hình thức truyền thông tương tác (truyền thông hai chiều) như bán hàng cá nhân, bán hàng từ xa, bán hàng trên mạng ..., trong đó người phát đi và người nhận thông điệp đổi vị trí cho nhau. Người tiêu dùng phản hồi lại cho người cung cấp cũng thông qua một thông điệp được mã hoá (chẳng hạn như sự sẵn sàng chấp nhận thông điệp hay hành động mua hàng), và cũng thông qua một kênh thông tin nào đó (chẳng hạn như một cuộc thăm dò khách hàng hoặc kênh bán hàng), và thông điệp ấy lại được người nhận (người quảng cáo) giải mã bằng các phân tích để qua đó có thể đánh giá hiệu quả của quảng cáo có đạt được mục tiêu đề ra ban đầu hay không.

Quảng cáo cũng có thể đạt được sự tương tác bằng cách cung cấp điều kiện để người tiêu dùng phản hồi, chẳng hạn như số điện thoại liên lạc không tính cước, địa chỉ email, nhằm để khuyến khích người tiêu dùng đối thoại với người cung cấp (người quảng cáo).



Theo marketingchienluoc.com
Báo cáo phân tích thị trường