Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năm 2008 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 9%
30 | 10 | 2007
Ngày 26/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại Hội trường báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2007 và nhiệm vụ năm 2008.
Đa số các đại biểu đồng tình với báo cáo, song cũng đưa ra khá nhiều ý kiến xung quanh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, các hạn chế trong cải cách hành chính, kiềm chế tăng giá, nhập siêu, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản…

Chỉ số tăng giá 2008 phải dưới 8%
Đại biểu Lê Như Tiến - Quảng Trị cho rằng, nên ghi trong nghị quyết Quốc hội về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 là 9%. Bởi theo ĐB Tiến, năm 2007, chúng ta đã có đầy đủ cơ sở để phát triển chỉ tiêu này là 8,5 và 8,6%. Vũ Hoàng Hà - Bình Định cũng cho rằng, năm 2008 phải quyết tâm đạt chỉ tiêu tăng GDP là 9%.

ĐB Tiến lo ngại về cán cân thương mại của nước ta hiện đang quá cao, năm 2007 là 9 tỷ đô la và nếu so sánh với năm 2001 chúng ta tăng gấp khoảng hơn 8 lần, năm 2001 là 1,1 tỷ. Đó là một báo động. Theo ĐB Tiến, Chính phủ cần có biện pháp hữu hiệu đủ mạnh để kiềm chế nhập siêu, làm sao để nhập siêu ở mức phát triển được sản xuất trong nước mà không bị lệch cán cân.

Về tăng giá tiêu dùng, đại biểu Tiến cho rằng không hẳn do giá thế giới tăng, mà có nguyên nhân sâu xa là do yếu kém trong các biện pháp quản lý thị trường, bình ổn giá cả, tư thương liên kết với nhau để tăng giá, trục lợi, làm cho người tiêu dùng không có khả năng lựa chọn, nhất là ở những trung tâm lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… trong khi các Ban quản lý thị trường của chúng ta thường đi sau, có biện pháp bị động đối phó và có những giải pháp tình thế, chưa chủ động. Mức độ tăng giá hiện nay là quá cao.

ĐB Vũ Hoàng Hà cho rằng, năm 2008 Chính phủ đưa ra chỉ số tăng giá tiêu dùng thấp hơn tăng trưởng là chưa hợp lý, chỉ số CPI không thể xác định và nói một cách chung chung là thấp hơn so với chỉ số GDP mà phải nói cụ thể là dưới 8%.

Giải ngân chậm do thủ tục rườm rà
Đại biểu Lê Như Tiến - Quảng Trị tiến độ giải ngân hiện nay đang rất chậm, do chính sách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán như chính sách đền bù thu hồi đất giải phóng mặt bằng. và một nguyên nhân chính là do thủ tục hành chính của chúng ta quá cồng kềnh, rườm rà; một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy có hiện tượng “vòi vĩnh” doanh nghiệp. Bài thuốc chữa trị là đẩy mạn cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất khỏi các cơ quan Nhà nước…

Ông Phạm Minh Toản cũng cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do là thủ tục xây dựng cơ bản rườm rà, giá cả tăng nên các đơn vị thi công gặp khó khăn, không thể giải quyết kịp thời. Chính phủ nên điều chỉnh hợp lý nguyên tắc đầu tư trong năm 2008 để tránh lặp lại tình trạng này.

Đời sống của bộ phận lớn người dân còn khó khăn
Đại biểu Trần Hồng Việt - Hậu Giang cho rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tến năm nay cao, nhưng chỉ số tiêu dùng tăng cũng gần tương ứng, cho nên đa số người dân không được hưởng lợi gì. Đặc biệt, những người dân có mức thu nhập trung bình và thu nhập thấp, cuộc sống của họ gần như không được cải thiện. Giá vật tư, nguyên liệu tăng, trong đó có giá vật tư nông nghiệp tăng cũng là bất lợi cho nông dân. Ngay cả giá lương thực, thực phẩm tăng cao cũng chưa hẳn có lợi cho tất cả nông dân. Bởi vì diện tích đất nông nghiệp bình quân cho nông dân ở Việt Nam rất thấp. Vì vậy số đông người nông dân sau khi thu hoạch hoặc trả nợ còn lại để lo cái ăn cho gia đình và làm giống cho mùa vụ sau là hết, không còn lương thực, thực phẩm, hàng hoá để bán, chi cho việc khác.

Mức sống của công nhân lao động không những không được cải thiện mà có dấu hiệu giảm sút. Tốc độ tăng GDP cao nhưng cùng theo đó chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng tương ứng, dẫn đến phân hoá giàu, nghèo ngày càng mạnh hơn, khoảng cách xa hơn.


Theo Đại biểu Lý Kim Khánh - Cà Mau, hiện nay đời sống nông dân ở các vùng miền còn rất khổ và khó khăn. Nông nghiệp, nông thôn đang là lĩnh vực chịu sức ép nhiều nhất, bởi lẽ bên cạnh phải đương đầu với những thách thức lớn của đất nước trong quá trình hội nhập Tổ chức thương mại thế giới, bà con nông dân phải trực tiếp đối mặt với dịch bệnh trồng trọt, chăn nuôi, thiên tai, đã thiệt hại rất lớn, giá cả vật tư, phân bón, giống thường xuyên không ổn định và có chuyển biến theo chiều hướng tăng lên. Nhưng khi thu hoạch thì giá nông sản phẩm nói chung rất thấp.


Đại biểu Lý Kim Khánh đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát và ban hành một hệ thống chủ trương chính sách đồng bộ hơn, mạnh mẽ hơn để đảm bảo thúc đẩy nền nông nghiệp nước ta phát triển nhanh hơn và vững chắc hơn., rà soát lại và kiên quyết cắt bỏ ngay những khoản đóng bất hợp lý để giảm bớt gánh nặng cho nông dân. Bên cạnh đó cần có chế độ, chính sách mới điều chỉnh chi ngân sách để đầu tư cho cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, làm thế nào để nông thôn có sự phát triển tốt hơn đối với thực tế hiện nay.



Theo baothuongmai
Báo cáo phân tích thị trường