Từ báo cáo của Chính phủ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã phác thảo bức tranh kinh tế 2006 với gam màu xám: Tổng sản phẩm trong nước ước đạt 8,2%, tương đương 60 tỷ đôla. Tổng thu ngân sách cả nước xấp xỉ 16 tỷ đôla, trong khi tổng chi ngân sách đã khoảng 19 tỷ đôla, bội chi 3 tỷ đôla, dưới 5% GDP. Trong khi đó nhà nước nợ nhân dân hiện nay qua bán trái phiếu và nhiều hình thức khoảng 22 tỷ đôla, nợ nước ngoài gần 20 tỷ đôla.
"Một bức tranh kinh tế như thế mà nói rằng đến năm 2025 sẽ đứng thứ 16 trên thế giới thì tôi rất nghi nghờ, gắng sống thêm 19 năm nữa coi đứng thứ bao nhiêu?", ông Thanh bình luận. Vẫn cách nói pha chút hài hước, nhưng sâu sắc, ông tiếp tục: "Nếu có cái gì trói hết các nước lại, hoặc bảo họ bỏ nhiệm sở đi du lịch thì họa may chúng ta mới đạt được mức độ đó, chứ không tài nào đạt tới".
Cuối cùng, ông Thanh chốt lại: "Chúng ta có quyền lạc quan tin tưởng, nhưng đừng lạc quan quá. Chúng ta đang rất nghèo, điểm xuất phát rất thấp. Tăng trưởng 8% chứ trên 10% cũng chỉ có ý nghĩa với chúng ta, so với các nền kinh tế thế giới thì chưa là cái gì".
Đồng tình với phần bình luận trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, cả Chính phủ và Quốc hội cần tỉnh táo để phân tích 4 chỉ tiêu: tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội (năm nay ước đạt 41% GDP); bội chi; nhập siêu và tăng giá. Ông Trân đánh giá, 6 năm nay tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội tăng liên tục từ 31 lên 41%, GDP cũng tăng liên tục, nhưng thực tế chất lượng tăng trưởng vẫn thấp, cuộc sống của người dân vẫn khó khăn.
"Theo cảnh báo của Ngân hàng thế giới, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội đạt 29-31% là tốt nhất, cao hơn có thể bất lợi. Đó là chưa kể theo khuyến cáo một tổ chức quốc tế thì có sự liên kết chặt chẽ giữa tăng tổng nguốn vốn đầu tư với tham nhũng, lãng phí", ông Trân thông tin. Ông cho rằng không nên lạc quan khi bội chi ngân sách nhà nước dưới 5% vì tổng dư nợ của Việt Nam đã tiệm cận ngưỡng nguy hiểm. Năm nay, tổng dư nợ quốc gia dự kiến là 36,6% GDP, sang năm có thể lên 37,2%, gần mức nguy hiểm (40%).
"Tôi đề nghị Chính phủ phải thay đổi mức khống chế bội chi ngân sách, không thể tiếp tục để dưới 5% như hiện nay, mà phải thấp hơn nữa", Phó chủ nhiệm Trân đề xuất.
Cải cách hành chính quá ì ạch
Qua tổng kết giai đoạn 1 (2001-2005) thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính 2001-2010 cho thấy, tuy còn không ít bất cập, yếu kém của cán bộ, công chức và cơ quan công quyền, nhưng sau 5 năm thực hiện chương trình, hệ thống thể chế tiếp tục được hoàn thiện bộ, máy hành chính các cấp đã có bước chuyển biến, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên. Việc đơn giản hóa, công khai hóa các quy trình, thủ tục hành chính đã tạo được thuận lợi nhiều hơn cho người dân và doanh nghiệp. Trích báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2006 của Chính phủ. |
Hôm nay, phần lớn các ý kiến của đại biểu than phiền về cải cách hành chính. Mào đầu bằng mong muốn "được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thông cảm" đại biểu Lê Văn Tâm xin nói thẳng: " Báo cáo đánh giá về cải cách hành chính là không chính xác, quá cao so với kết quả đạt được. Người dân vẫn kêu về thủ tục quá rườm rà, quá nhiều văn bản quy định để giải quyết một vấn đề".
Ông Tâm cho rằng, trước đây người dân vay vốn ngân hàng chỉ mang giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất đến chính quyền xác nhận thì ngân hàng cho vay. Nhưng nay nếu là nhà thì phải qua công chứng, còn đất thì phải qua phòng Tài nguyên môi trường. Nếu ai thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất hay liên quan đến xây dựng mà không đi đến môi giới, không qua "cò" thì chỉ có cán bộ mới làm được, chứ người dân rất khó khăn.
Chia sẻ bức xúc về cải cách hành chính, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn dẫn lời một đại biểu khi tổng kết khuyết điểm của thủ đô rằng "Hà Nội là cái nôi của quan liêu và trì trệ". Ông Ngoạn cho rằng, nguyên nhân là công tác cán bộ còn yếu kém, hệ thống chính trị đang cồng kềnh và rất nhiều cơ quan công quyền đang làm việc không vì dân.
"Tôi đề nghị chúng ta phải tập trung củng cố bộ phận này. Không nhất thiết cứ phải ổn định cả khóa 5 năm, 10 năm mà phải có sự bứt phá, ai giỏi đưa lên thật nhanh, ai không hợp lý điều chỉnh lại, ai đuối đưa xuống, ai kém đạo đức thì loại ra khỏi. Chúng ta phải khuyến khích từ chức. Ai từ chức là người có văn hóa. Đừng để cho dân cứ phải kêu lên là ông nọ, ông kia, bà kia từ chức đi", ông Ngoạn chốt lại phần trình bày của mình.
Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội vào thứ hai và thứ ba tuần sau.