Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năm 2007, ngành thủy sản ghi dấu ấn
21 | 12 | 2007
Năm nay xuất khẩu thủy sản (XKTS) có tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu thị trường chuyển dịch theo hướng tích cực mặc dù thị trường XKTS vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức.Các doanh nghiệp chế biến (CB) XKTS đã chủ động chuyển hướng thị trường, vừa giữ được thị trường truyền thống, vừa mở rộng, phát triển các thị trường mới sang Nga, Ukraine, Nam Mỹ, Ðông Âu, Nam Âu, châu Phi...

Và kết quả thật bất ngờ, tổng sản lượng TS ước đạt 3.950 nghìn tấn, giá trị XK khoảng 3,8 tỷ USD. Nước ta trở thành một trong mười nước XKTS lớn nhất thế giới, "chinh phục" thị trường 128 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Khó khăn và thách thức

Ngay từ đầu năm, giá nhiên liệu, vật tư tăng nhanh đã gây khó khăn trong khai thác, nuôi trồng, (KT, NT) chế biến (CB) và thương mại (TM) TS nhưng toàn ngành đã đề ra các giải pháp phù hợp yêu cầu đổi mới và hội nhập, động viên và sử dụng hiệu quả nguồn lực, tranh thủ các thuận lợi mới của hội nhập và hợp tác quốc tế. Trừ các tháng đầu năm, nguyên liệu CB từ KT, NT cơ bản cung cấp đủ cho CB các sản phẩm TSXK và tiêu dùng nội địa. Do nguyên liệu sản xuất mang tính mùa vụ nên các tháng đầu năm phần lớn cơ sở CB thiếu nguyên liệu, một số nhà máy hoạt động chỉ đạt 70% công suất thiết kế. Các doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và chủ động nhập thêm nguyên liệu để duy trì sản xuất (SX). Thời tiết diễn biến khá phức tạp nhưng công tác phòng, chống lụt bão có nhiều chuyển biến. Trong năm có ba đợt áp thấp nhiệt đới và bảy cơn bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã phối hợp chặt chẽ các địa phương thực hiện phương châm bốn tại chỗ nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, giữ vững thông tin liên lạc, bảo đảm an toàn người và phương tiện hoạt động nghề cá. Thức ăn, thuốc, hóa chất cho NTTS ngày càng nhiều chủng loại, nhiều hình thức cung ứng và giá cả liên tục tăng. Cơ cấu thị trường XK chưa thay đổi nhiều, xu hướng vẫn là phân chia khá đều ở các thị trường chủ yếu: Nhật Bản 19,4%, EU 24,4%, Hoa Kỳ 19,4%... Rào cản về TM trong các vụ kiện về bán phá giá cá da trơn và tôm khi vào thị trường Mỹ, tạo ra thách thức lớn cho sản phẩm TSXK của nước ta. Rào cản kỹ thuật được đặt ra khi vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm nói chung và TS nói riêng trở thành mối quan tâm toàn cầu. Nguyên nhân do dịch bệnh, sự suy thoái môi trường, sự nóng lên của trái đất... đe dọa sức khỏe con người và thế là những quy định khắt khe đôi khi thái quá ra đời, gây ảnh hưởng không nhỏ đến XKTS của nước ta, trong đó có thị trường Nhật Bản, Australia.

Ðầu tư phát triển TS chưa đồng bộ, KT, NT có đầu tư nhưng hiệu quả chưa cao. Công tác đánh bắt hải sản xa bờ thiếu dịch vụ hậu cần, NTTS thiếu hệ thống thủy lợi... Sản lượng cá tra, cá ba sa tăng mạnh tạo nguyên liệu cho CB, tăng kim ngạch XKTS nhưng sản lượng tăng mạnh đã làm môi trường vùng nuôi ở một số vùng suy thoái gây chết cá. Người nuôi TS mang tính tự phát, theo phong trào, chỉ thấy cái lợi trước mắt. SX giống TS cơ bản đã đáp ứng nhu cầu, cả nước đã SX 20 tỷ cá giống và 30 tỷ tôm giống. Tuy nhiên chất lượng tôm giống vẫn chưa được kiểm soát, quản lý tốt, chưa xây dựng được thương hiệu giống TS từng vùng, thiếu quy chế quản lý giống. Công tác đăng ký chất lượng, cũng như kiểm soát chất lượng giống lưu thông trên thị trường chưa tốt.

Biện pháp tháo gỡ và kết quả

Thực hiện định hướng chỉ đạo của Bộ NN và PTNT và cũng xuất phát từ yêu cầu SX bảo đảm cuộc sống, năm 2007, ngư dân trong cả nước kiên cường bám biển, bám ao, chủ động tổ chức lại SX, lập các mô hình tổ, đoàn, đội, HTX SX, cải tiến công cụ khai thác, lựa chọn nghề KT tiêu hao ít nhiên liệu, đối tượng KT có giá trị, thực hiện di chuyển ngư trường, áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch nên đã nâng cao năng suất và hiệu quả đánh bắt. Ngành TS đang triển khai sáu dự án ưu tiên, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg về cấm sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc KTTS, tổ chức thả tôm giống, cá giống ra các vùng nước tự nhiên tái tạo, phát triển nguồn lợi TS. Bộ đã chỉ đạo về mùa vụ, đối tượng, phương thức nuôi, quản lý môi trường nuôi phù hợp từng vùng. Công nghệ nuôi bền vững bước đầu được áp dụng. Tôm thẻ chân trắng được nuôi có hiệu quả tại một số mô hình thuộc các tỉnh miền trung. Tôm sú được thả nuôi mật độ thấp, công nghệ xử lý vi sinh bước đầu được áp dụng ở một số vùng nuôi tạo môi trường tốt cho tôm sinh trưởng, phần nhiều là tôm cỡ lớn, được giá, nên người nuôi tôm có lãi. Nuôi hải sản trên biển tiếp tục phát triển ở các tỉnh ven biển phía bắc, miền trung và Nam Bộ. NTTS phát triển mạnh theo hướng SX hàng hóa, diện tích nuôi tăng thêm 15.600 ha, đưa tổng diện tích NTTS của cả nước đạt hơn một triệu ha. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng và cả ngoại thành Hà Nội đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa, kể cả ruộng lúa cao sản sang NTTS.

Năm nay đã hình thành nhiều doanh nghiệp đầu tư các vùng SX giống tập trung có công suất lớn như CP, Grobest, Minh Phú với công suất mỗi doanh nghiệp 4-5 tỷ tôm giống P15/năm. Một số doanh nghiệp đã nhập công nghệ SX tôm mẹ giống sạch bệnh, bước đầu cung cấp cho các doanh nghiệp SX tôm giống. Các trung tâm môi trường thực hiện khảo sát, phân tích dự báo và cảnh báo môi trường ở các vùng nuôi trọng điểm đã giúp ngư dân và người nuôi chọn thời điểm thả giống tốt, kịp thời xử lý môi trường nước, hạn chế dịch bệnh phát sinh. Nhiều mô hình nuôi sạch đã xuất hiện như Liên hiệp SX, nuôi sạch cá tra, cá ba sa ở An Giang, HTX nuôi tôm ở Bến Tre, tổ hợp tác nuôi cá kết hợp cây cảnh ở Hải Hậu (Nam Ðịnh), tổ hợp tác nuôi ngao tại Thái Bình...

Triển khai Quyết định 89/2003/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đẩy nhanh việc phân loại chủ đầu tư và bán đấu giá tài sản, kiên quyết đối với các đối tượng chây ỳ, hạn chế tiêu cực vây giá, ép giá, bán giá thấp. Bộ phối hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam xử lý nợ vay các dự án đóng tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Kết quả, đến nay các địa phương bán đấu giá được 750 tàu. Phần lớn các tàu sau khi bán đấu giá đã hoạt động có hiệu quả.

Công nghệ KT cá ngừ đại dương, cải tiến kỹ thuật 280 mẫu ngư cụ KT hải sản, công nghệ SX giống tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, giáp xác, cá măng, cá vược... góp phần tăng năng suất. Ðến nay, ngành đã hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới cổ phần hóa 100% số doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ. Phần lớn các doanh nghiệp sau khi sắp xếp, cổ phần hóa tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động có hiệu quả, tăng thu cho Ngân sách và thu nhập cho người lao động.

Cuối quý II là mùa thu hoạch tôm, cá nuôi, các doanh nghiệp đẩy mạnh CB nên giá trị XK tăng mạnh. Cơ cấu sản phẩm XK có sự chuyển biến tích cực, tôm vẫn là sản phẩm XK chủ lực nhưng tỷ trọng đã giảm, chiếm: 39,4%; cá tra, cá ba sa phi lê đông lạnh: 26,2% (sản lượng ước đạt 372 nghìn tấn với giá trị đạt gần một tỷ USD). Trong đó XK sang thị trường EU là chủ yếu, chiếm tới 49,1%; các nước ASEAN 8,3%; Nga 7,3%... Việc kiểm tra chất lượng được đặt ra nghiêm ngặt trong lĩnh vực CB và đã bước đầu mở rộng ra các vùng SX nguyên liệu. Những lô hàng được kiểm tra chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, đổi mới trang thiết bị chế biến, tự trang bị các thiết bị kiểm tra chất lượng sản phẩm. Ðến nay, cả nước đã có 500 cơ sở CBTS, trong đó có 275 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn XK vào thị trường EU. CB, tiêu thụ sản phẩm TS nội địa cũng có khởi sắc. Trên thị trường đã xuất hiện hơn 200 mặt hàng TS nội địa cung cấp cho thị trường nhưng vấn đề an toàn, vệ sinh vẫn là vấn đề lo ngại.

Hạn chế cần khắc phục và hướng phát triển

Tốc độ tăng trưởng của ngành chưa vững chắc, có dấu hiệu tăng chậm và bộc lộ nhiều bất cập như: quy hoạch NTTS chưa sát thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; quy hoạch sử dụng đất NTTS có mâu thuẫn với các ngành kinh tế nông nghiệp, du lịch, giao thông, công nghiệp... ở các địa phương ven biển. Nguồn lợi TS suy giảm nhưng số tàu thuyền vẫn tăng trong khi hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu chậm được đầu tư. Vẫn xảy ra tình trạng tiêm chích tạp chất vào nguyên liệu, lạm dụng sử dụng thuốc, kháng sinh, hóa chất bị cấm trong nuôi trồng, trong bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Tăng trưởng kinh tế trong lĩnh vực TS cũng đặt ra các vấn đề về xã hội vùng biển, hải đảo. Xuất khẩu đạt giá trị cao như vậy nhưng một bộ phận ngư dân, đặc biệt là ngư dân, chủ yếu ở vùng bãi ngang ven biển, hải đảo còn rất nghèo. Cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, hạ tầng phục vụ sản xuất vùng ven biển, hải đảo rất hạn chế, tỷ lệ thất nghiệp cao. Cuộc sống vật chất tinh thần của cộng đồng ngư dân nghèo nàn, lạc hậu, phân hóa giàu nghèo rõ, chênh lệch mức sống của ngư dân nông thôn ven biển so với các đô thị ngày càng lớn.

Căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ xác định kế hoạch phát triển ngành TS năm 2008 với sản lượng ước đạt 4,1 triệu tấn, giá trị XK bốn tỷ USD (tăng 5,26% so năm 2007);

Cụ thể là, thực hiện chuyển dịch nghề cá ra biển bao gồm cả KT và NT. Tổ chức quản lý tốt sản xuất trên biển gắn với công tác quy hoạch ngư trường, quy hoạch vùng nuôi, đăng kiểm, đăng ký tàu cá và thuyền viên; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; dịch vụ hậu cần ngay trên biển và bảo đảm an toàn cho người, các cơ sở NT và tàu cá. Khuyến khích phát triển các mô hình tổ chức sản xuất trên biển: tổ hợp tác, HTX, theo đoàn, đội sử dụng hợp lý và tiết kiệm nhiên liệu gắn với hậu cần dịch vụ; đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Cải tiến công tác quản lý và điều hành bảo đảm thông tin hai chiều bờ và biển, đặc biệt là thông tin từ ngư dân trên biển đến các cơ quan quản lý. Xây dựng chính sách hỗ trợ các hoạt động SXTS trên biển, chế độ chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai cho ngành TS. Quy hoạch phát triển NTTS đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch nuôi hải sản biển, nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm trên cát, quy hoạch phát triển nuôi cá tra, cá ba sa tại đồng bằng sông Cửu Long gắn với nghiên cứu sức tải sinh học của hệ thống các sông Tiền Giang, Hậu Giang. Tiếp tục chỉ đạo về mùa vụ nuôi, đối tượng nuôi, phương thức nuôi sát điều kiện cụ thể của từng vùng, miền, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh. Chỉ đạo việc xây dựng thương hiệu giống TS tại những vùng trọng điểm sản xuất giống Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm vùng nuôi. Nghiên cứu xây dựng các mô hình liên kết, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn, vệ sinh thực phẩm nhằm hài hòa lợi ích, hạ giá thành, bảo đảm lợi ích của các đối tượng tham gia SX, kinh doanh, có sự tham gia của các khâu từ tín dụng đến con giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, sản xuất nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ. Thúc đẩy xúc tiến thương mại, củng cố, phát triển và mở rộng thị trường TS. Thực hiện quản lý nghiêm ngặt chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm TS.

Các cơ quan của Bộ phối hợp, phân cấp, hướng dẫn các cơ quan quản lý TS địa phương chủ động nắm tình hình trên từng địa bàn để có biện pháp kịp thời, quản lý chất lượng, an toàn, vệ sinh nguyên liệu CB. Tăng cường công tác phòng, chống, hạn chế và đẩy lùi tình trạng bơm chích tạp chất vào nguyên liệu TS. Kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn, vệ sinh các cơ sở SX, thực hiện hiệu quả và thực chất chương trình tự kiểm tra của cơ sở SX gắn với các quy định phù hợp hơn trong quản lý hành chính để giảm chi phí, giảm phiền hà cho người SX, doanh nghiệp kinh doanh, thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc lô hàng. Triển khai các hoạt động xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực là cá tra, cá ba sa, tôm, nghêu và cá ngừ đại dương.

Hoàn thành quy hoạch phát triển hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học của ngành TS gắn với quy hoạch phát triển khối các Viện nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển ngành TS với hệ thống các Trung tâm trực thuộc các Viện triển khai các hoạt động khoa học công ích. Xây dựng hệ thống các cơ quan khuyến ngư từ T.Ư đến cấp tỉnh, huyện để nâng cao năng lực khuyến ngư phù hợp cơ cấu bộ máy mới. Hoàn thành quy hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực của toàn ngành gắn với quy hoạch phát triển khối các trường phục vụ đào tạo nhân lực cho ngành TS. Tiếp tục đầu tư xây dựng các trại thực nghiệm TS các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng TS tại các trường đào tạo đa ngành tại các tỉnh và thành phố. Tiếp tục hỗ trợ các hội, hiệp hội, tạo điều kiện để hội, hiệp hội tham gia xây dựng các mô hình quản lý cộng đồng. Ða dạng hóa mô hình tổ chức: CLB, HTX, tổ hợp tác, liên hiệp SX tôm sạch, cá sạch... tham gia công tác xúc tiến thương mại, mở rộng và bình ổn thị trường; giải quyết các tranh chấp thương mại... tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TS.

Ngành TS đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu SX, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động trong các làng cá nông thôn, ven biển, miền núi... Các mô hình NTTS với các đối tượng cá truyền thống, các mô hình nuôi đối tượng mới như tôm càng, cá rô phi, cá chim trắng, cá nước lạnh... đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, từ đó tạo ổn định xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Nhiệm vụ kế hoạch năm 2008 trong cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý mới trong xu thế hội nhập nhanh với khu vực và quốc tế đòi hỏi ngành thủy sản tiếp tục phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường