Trong cuộc họp mới đây, Bộ Công thương cho biết đang lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành về cơ chế điều hành xuất khẩu gạo năm 2008 trên cơ sở chỉ tiêu xuất khẩu cũng chỉ dừng ở mức khoảng 4,5 triệu tấn theo đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Tuy nhiên, riêng gạo nếp và gạo thơm, các doanh nghiệp được xuất khẩu theo yêu cầu. Để công tác điều hành có hiệu quả, Hiệp hội đề nghị Bộ Công thương giao cho Hiệp hội thống nhất các đơn vị hội viên trong việc thực hiện các hợp đồng tập trung. Riêng hợp đồng với Cuba, các hội viên có nhu cầu cung ứng hoặc uỷ thác liên hệ trực tiếp với Vinafood 1 để giải quyết.
Cơ sở để Hiệp hội phân bổ hợp đồng là kết quả thực hiện 2 năm liền (2006-07), chủ yếu là dựa vào năng lực và khả năng thực hiện. Số lượng đăng ký hợp đồng của từng đơn vị dựa vào số lượng được giao từ đầu năm. Khi đăng ký hợp đồng các đơn vị phải có báo cáo danh sách các kho gạo tồn kho, tối thiểu là 50% lượng hợp đồng đã ký. Liên quan đến giá xuất khẩu, Hiệp hội sẽ thông báo giá xuất khẩu tối thiểu cho các doanh nghiệp, và căn cứ vào đó các doanh nghiệp phải xuất khẩu phù hợp với giá hướng dẫn này. Để việc điều hành xuất khẩu gạo đạt kết quả, Hiệp hội cũng đã dự thảo Quy chế về việc Đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2008 áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam có tham gia xuất khẩu gạo.
Trong tuần qua, giá gạo trong nước nhìn chung không biến động. Tại Bà Rịa Vũng Tàu, giá gạo tẻ thường ổn định ở mức 6700 đồng/kg, giá lúa tẻ thường 3500 đồng/kg. Tại Bình Dương, giá gạo tẻ thường và lúa tẻ thường lần lượt vững ở mức 5800 đồng/kg và 4350 đồng/kg.
Tuy nhiên giá gạo xuất khẩu Việt Nam lại tiếp tục tăng trong tuần qua. Gạo 10% tấm tăng 2,5 USD/tấn, đạt 347,5 USD/tấn. Gạo 5% tấm và 25% tấm đều tăng 3 USD/tấn, lần lượt đạt 358 USD/tấn và 330 USD/tấn. Dự báo, giá gạo xuất khẩu năm 2008 vẫn sẽ ở mức cao; trong đó, gạo 25% tấm đạt trên 320 USD/tấn, gạo 5% tấm ở mức khoảng 340 USD/tấn trở lên. Dự kiến, xuất khẩu gạo năm 2008 có thể đạt 4,5 triệu tấn. Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam, thị trường nông sản cầu vẫn lớn hơn cung, nhiều nước trên thế giới vẫn có nhu cầu lớn về mặt hàng gạo nên Việt Nam sẽ không lo về thị trường và giá bán gạo xuất khẩu. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải lo chỉ đạo sản xuất tốt để có thêm lượng hàng cho xuất khẩu.
Tải bản tin tại đây
Để tìm hiểu thêm thông tin về bản tin, mời liên lạc với tác giả bài viết tại địa chỉ :
Trần Lan Phương, e-mail: tranlanphuong@agro.gov.vn