Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thuế thu nhập doanh nghiệp có thực sự ưu đãi đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại VN
02 | 10 | 2007
Trong bối cảnh dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm, các nước trong khu vực đặc biệt là Trung Quốc đang ra sức cải thiện môi trường đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi hơn. Trước tình hình đó, để tiếp tục thu hút có hiệu quả nguồn vốn FDI phục vụ cho CNH- HĐH đất nước, Việt Nam cần phải nhanh chóng tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, thông thoáng hơn. Theo đó chính sách thuế TNDN cần phải được sửa đổi.

Ngày nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế ở tất cả các nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Chính vì thế, chính phủ các nước đang phát triển luôn tìm cách cải thiện, nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư nhằm thu hút nhiều hơn nguồn vốn FDI về cho đất nước mình, trong đó chính sách thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) luôn được chú trọng và sử dụng phổ biến nhất. Thực tiễn nước ta cũng đã sử dụng công cụ thuế TNDN theo xu hướng trên như là một yếu tố quan trọng nhằm tăng cường thu hút nguồn vốn FDI trong thời gian qua.

Luôn được sửa đổi

Thật vậy, trong quá trình cải cách thuế từ 1990 đến nay tại nước ta, thuế TNDN áp dụng cho doanh nghiệp FDI luôn được sửa đổi theo hướng tăng cường khuyến khích đầu tư thể hiện ở chỗ từng bước giảm thuế suất thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, cụ thể từ tháng 8.2000 đã giảm thuế suất từ các mức 5%, 7%, 10% xuống các mức tương ứng 3%, 5%, 7%, đồng thời thuế TNDN giữ nguyên mức 25%. Diện được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế TNDN gồm các mức 10%, 15%, 20% và thời gian miễn giảm thuế ngày càng được bổ sung, mở rộng theo hướng khuyến khích đầu tư vào các dự án thuộc danh mục dự án khuyến khích đầu tư, đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vào KCN – KCX, ….Đặc biệt việc xác định chi phí hợp lý để tính thu nhập chịu thuế từ 1996 so với trước đã có nhiều tiến bộ như: công nhận các khoản dự phòng, trợ cấp thôi việc, … chi phí quảng cáo thương hiệu trước đây khống chế tối đa 5% tổng chi phí nay tăng lên từ 5% – 7% …..Các khoản phí, lệ phí, phí dịch vụ, tiền thuê đất được tính vào giá thành cũng đã giảm mạnh so với trước đây và đang thu hẹp cách biệt so với doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra tính ưu đãi còn thể hiện ở chỗ: cho phép chuyển lỗ, hoàn thuế thu nhập do tái đầu tư, ….

Chính vì thế, loại thuế này cũng đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam với các đóng góp quan trọng như: khoảng 13% giá trị GDP, 35%-40% kim ngạch XK, từ 6 –8% tổng thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm được khoảng 5 – 6% lao động của cả nước.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây dòng vốn FDI chạy vào Việt Nam có sự sụt giảm đáng kể. Ngoài những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ yếu vẫn thuộc về sự kém hiệu quả, kém ưu đãi của cơ chế, chính sách và các yếu tố thuộc về môi trường đầu tư Việt Nam trong đó có chính sách thuế TNDN.

Chưa thật sự ưu đãi

Thật vậy, nếu đặt trong trạng thái so sánh động, cho thấy chính sách thuế TNDN đối với doanh nghiệp FDI chưa thật sự ưu đãi so với các doanh nghiệp trong nước cũng như so với các nước trong khu vực. Điều này xin được dẫn chứng:

1. Về thuế suất thuế TNDN danh nghĩa.

- Trước tiên, cần xác định phạm vi điều chỉnh của thuế TNDN đối với doanh nghiệp FDI, ở đây bao gồm 2 loại thuế: thuế TNDN và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Loại thuế sau về bản chất cũng là loại thuế TNDN và mặc dù luật có qui định nếu sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư (trên 3 năm) thì không những không phải nộp loại thuế này mà còn được hoàn thuế TNDN do tái đầu tư. Nhưng suy cho cùng, mục tiêu cuối cùng của nhà đầu tư nước ngoài là thu được lợi nhuận và đem về nước mình do đó, trước sau gì thì họ cũng buộc phải nộp loại thuế này mà thôi. Do vậy, thuế TNDN đối với doanh nghiệp FDI thực chất là sự cộng gộp thuế TNDN và thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Với cách tiếp cận đó, sau đây xin đi vào từng trường hợp cụ thể:

-Trước 1.1.1999, doanh nghiệp trong nước áp dụng thuế suất thuế lợi tức 25%, 35% và 45% như vậy, thuế suất bình quân là 35% , còn đối với các doanh nghiệp FDI thuế suất lợi tức tổng hợp là: thuế lợi tức 25% cộng thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (gồm 3 mức 5%, 7%, 10%). Thực tế, theo báo cáo mới nhất của Bộ kế hoạch và đầu tư, tính đến cuối năm 2002 qui mô vốn pháp định do bên nước ngoài đóng góp bình quân hiện nay thấp hơn 5 triệu USD (18.024 triệu USD / 3.669 dự án = 4,91 triệu USD). Đặc biệt vào những năm gần đây các dự án FDI đều là những dự án có quy mô vốn nhỏ.

Như vậy, thuế suất thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài phổ biến được áp dụng là 10%. Quy đổi loại thuế này ra thuế lợi tức, ta có: 75% lợi nhuận sau thuế x10% = 7,5%. Mức thuế suất tổng hợp quy đổi là 25% + 7,5% = 32,5%, mức thuế suất danh nghĩa này có ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp trong nước là 35%.

- Từ 1.1.1999 đến tháng 8.2000 do thuế suất lợi tức tổng hợp đối với doanh nghiệp FDI vẫn là 32,5% trong khi đó thuế suất thuế TNDN đối với doanh nghiệp trong nước kể từ ngày 1.1.1999 trở đi chỉ còn 32%. Như vậy, trong thời gian này, thuế TNDN đối với doanh nghiệp FDI kém ưu đãi hơn so với doanh nghiệp trong nước.

- Từ tháng 8.2000 trở đi, do thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài đã được điều chỉnh giảm xuống các mức 3%, 5%, 7%. Nếu quy đổi loại thuế này ra thuế TNDN ban đầu (vẫn dựa trên cách tính nói trên), ta có : 75% thu nhập sau thuế x 7% = 5,25%. Như vậy, thuế suất TNDN tổng hợp phải nộp là 25% + 5,25% = 30,25%. Mức thuế suất này đúng là có ưu đãi hơn so với DN trong nước song không nhiều chỉ có 1,75%.

Qua phân tích trên, cho thấy thuế suất thuế TNDN có ưu đãi hơn một chút cho doanh nghiệp FDI. Song đây chỉ là vấn đề hình thức, vấn đề nội dung mang tính quyết định là cần phải làm sáng tỏ các khoản chi phí hợp lý làm cơ sở để tính thu nhập chịu thuế.

2. Về xác định các khoản chi phí hợp lý.

Nhìn chung, các khoản mục chi phí áp dụng cho doanh nghiệp FDI và DN trong nước là tương đồng song nội dung về mặt giá của một số khoản chi phí đầu vào, doanh nghiệp FDI phải chịu cao hơn. Bên cạnh đó, một số khoản chi còn bị khống chế chưa phù hợp với hoạt động mang tính thông lệ quốc tế. Từ đó, hoàn toàn gây bất lợi cho doanh nghiệp FDI. Cụ thể:

-Về các khoản chi phí dịch vụ: như điện, nước , cước viễn thông, vé máy bay… .Mặc dù đến nay đã giảm nhiều cho doanh nghiệp FDI, đặc biệt kể từ sau khi có Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg ngày 16.3.1999. Song nhìn chung, chúng vẫn còn rất cao so với các doanh nghiệp trong nước cũng như với các nước trong khu vực. Thật vậy, theo Ông Shigeo Naruse – Giám đốc điều hành Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO) cho biết: “Theo khảo sát của JETRO cước phí điện thoại quốc tế của Việt Nam cao gấp khoảng 7 lần so với Singapore, gấp gần 6 lần so với Manila, gấp gần 4 lần so với Jakarta, khoảng 3 lần so với Bangkok và gần 2 lần so với Trung Quốc. Riêng đối với chi phí lưu thông giao nhận nếu gửi hàng container thì cao gần gấp 3 lần so với Singapore, khoảng 2,5 lần so với Kuala Lumpur, Thượng Hải” (1). “Còn giá điện thì ở Việt Nam hiện nay bán cho nhà đầu tư nước ngoài 7 cent/kwh tương đương giá điện ở Singapore, trong khi đó ở Jakata là 3 cent, ở Bangkok và Malina là 3,9 cent, …” (2)

- Về tiền thuê đất: theo khung giá chuẩn ( chỉ tính theo mức giá tối thiểu) giá thuê đất đối với doanh nghiệp FDI cao hơn so với doanh nghiệp trong nước khoảng 2,6 -5 lần. Thực tế tại tỉnh Đồng Nai, một số nơi còn cao hơn nhiều. Cụ thể tại KCN Biên Hoà II, KCN thành công nhất về thu hút đầu tư trên phạm vi cả nước thì giá thuê đất áp dụng cho các doanh nghiệp FDI cũng cao hơn 13 lần so với doanh nghiệp trong nước .

- Về chi phí quảng cáo thương hiệu: đối với doanh nghiệp FDI đây là khoản chi phí cần thiết và khá lớn, nhất là trong giai đoạn đầu nhằm quảng bá và chiếm lĩnh thị trường. Ở các nước khoản chi này thường chiếm khoảng 10% tổng chi phí. Cũng theo báo cáo của Nhóm công tác về cải cách hành chính và các vấn đề có liên quan do Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức tháng 4.2002 cho thấy: Hầu hết các nước trong khu vực đều công nhận và không khống chế mức tối đa khoản chi phí này. Riêng Nhật Bản nếu chi phí này phát sinh lớn thì cho phép phân bổ dần vào giá thành trong thời hạn 5 năm. Nhưng với nước ta chỉ công nhận mức chi phí này tối đa là 7% trong 2 năm đầu, sau đó là 5%, phần vượt phải tính vào lợi nhuận sau thuế.

Tổng hợp các khoản chi phí nói trên, cho thấy chi phí đầu vào của doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn doanh nghiệp trong nước, đây chính là sự kém ưu đãi dành cho các doanh nghiệp FDI. Hậu quả trước tiên là làm cho thu nhập chịu thuế giảm đi một phần đáng kể, sau đó lại giảm đi ở bước tiếp theo do khoản chi phí quảng cáo (phần vượt), chi phí không tên khác (phí mãi lộ, hối lộ…..) phải tính vào thu nhập sau thuế. Một chuỗi những tác động tiêu cực trên đây chắc chắn làm cho thuế suất TNDN danh nghĩa 30, 25% có thể tăng lên đến thuế suất thực tế là 40% (cao hơn so với DN trong nước) thậm chí còn cao hơn nữa, để rồi có khi lợi nhuận thực tế không còn! Hậu quả sau thuế như vậy có tác động rất xấu đến các nhà đầu tư nước ngoài vì đây là sự thể hiện không minh bạch, không sòng phẳng, giảm khoản này song lại tăng khoản khác , không phù hợp với thông lệ quốc tế. Chính sự kém ưu đãi trên đây đã dẫn đến nhiều phản ứng tiêu cực của các doanh nghiệp FDI trong thời gian qua, biểu hiện như: phần lớn các doanh nghiệp FDI đang sản xuất kinh doanh đều tìm cách khai lỗ để không phải nộp thuế TNDN. “Chẳng hạn tại tỉnh Bình Dương trong năm tài chính 2001 chỉ có 40 trong tổng số 302 doanh nghiệp FDI sản xuất kinh doanh có lãi, tương tự tại Bình Thuận chỉ có 2 trên 25 doanh nghiệp kinh doanh có lãi…” (3). Các doanh nghiệp FDI cũng đã lách luật để chuyển lợi nhuận về nước dưới nhiều dạng khác nhau như: mua hàng hoá, trả nợ, … Vì thế, số thu loại thuế này rất khiêm tốn, điển hình như ở tỉnh Đồng Nai cho thấy tỷ trọng khoản thuế này trong tổng số thu từ khu vực kinh tế có vốn FDI như sau: năm 1998 là 0,4%, 1999 là 1,8%, năm 2001 là 1,7%, 2002 là 0,8%. Trên tất cả, các doanh nghiệp FDI đã sử dụng thủ đoạn “chuyển giá” hòng đối phó lại sự kém ưu đãi trên, qua đó tối đa hoá lợi nhuận thu được, song ngành thuế vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để đối phó, ngăn chặn tình trạng trên.

Một số giải pháp kiến nghị

Trong bối cảnh dòng chảy FDI toàn cầu tiếp tục suy giảm, các nước trong khu vực đặc biệt là Trung Quốc đang ra sức cải thiện môi trường đầu tư bằng nhiều chính sách ưu đãi hơn. Trước tình hình đó, để tiếp tục thu hút có hiệu quả nguồn vốn FDI phục vụ cho CNH- HĐH đất nước, Việt Nam cần phải nhanh chóng tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn hơn, thông thoáng hơn. Theo đó chính sách thuế TNDN cần phải được sửa đổi theo hướng sau:

-Về xác định chi phí hợp lý: vấn đề cốt lõi để thu hút đầu tư là phải bằng mọi cách giảm chi phí đầu vào, theo đó đề nghị tất cả các chi phí dịch vụ đầu vào như: điện, nước, điện thoại, vé máy bay, kể cả giá thuê đất… đang áp dụng cho doanh nghiệp FDI hiện nay cần phải được điều chỉnh giảm xuống ngang bằng với mức giá đang áp dụng cho các doanh nghiệp trong nước, cơ bản phải hoàn tất trong năm 2003, qua đó hình thành nên một mức giá chung và tiếp tục phấn đấu giảm nữa trong những năm tới nhằm tăng năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nếu giảm giá một số dịch vụ nói trên xuống thì các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ này sẽ thua lỗ, phá sản. Đi sâu tìm hiểu cho thấy hiện nay, các ngành này vẫn do khối doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước dành sự độc quyền hoặc ưu tiên kinh doanh. Vì thế, không tạo ra động lực cạnh tranh để giảm chi phí, hệ quả là chúng buộc các doanh nghiệp có liên quan và người tiêu dùng phải gánh chịu chi phí với giá cao, dẫn đến làm cho sức cạnh tranh của nền kinh tế kém đi. Do vậy, giải pháp hữu hiệu nhất là cần phá vỡ đi tính độc quyền trong kinh doanh các ngành dịch vụ này thông qua việc cổ phần hoá, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia kinh doanh.

Riêng chi phí quảng cáo tiếp thị đề nghị không khống chế mức tối đa, trường hợp phát sinh lớn thì cho phép phân bổ vào những năm sau, điều này phù hợp với thông lệ các nưôc, qua đó giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp FDI.

-Về thuế suất: hiện nay các nước trong khu vực đang áp dụng thuế suất thuế TNDN như sau: Singapore 24,5%, Thái Lan 25%, Trung Quốc 27%, và Malaysia 28%. Hơn nữa, chi phí đầu vào một số dịch vụ còn thấp hơn nhiều so với nước ta (đã trình bày ở trên). Do vậy, riêng về mặt thuế suất để đảm bảo tính hấp hẫn, ưu đãi thực sự, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm phần lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư, đổi mới công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh trong những năm tới, thuế suất của nước ta phải thấp hơn, chí ít chỉ bằng thuế suất của các nước trong khu vực. Như vậy, mức 25% là hợp lý và áp dụng thống nhất cho mọi loại hình doanh nghiệp.

Ngoài ra, đề nghị bỏ thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, bỏ hoàn thuế thu nhập do tái đầu tư đối với doanh nghiệp FDI đồng thời cũng bỏ qui định thu thuế thu nhập bổ sung, bỏ miễn thuế thu nhập cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mới mang lại đối với DN trong nước. Ở đây, có ý kiến cho rằng nếu áp dụng thuế suất thống nhất 25% thì sẽ làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách. Sự lo ngại trên là chính đáng song điều quan trọng mà bài viết muốn nhấn mạnh là: Với mức thuế suất mang tính hấp dẫn, ưu đãi trên, lại được xây dựng trên nền tảng các giá phí đầu vào thống nhất, thực sự minh bạch, chắn chắc sẽ tạo động lực to lớn để khuyến khích cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế và đây sẽ là cơ sở thuyết phục nhất, vững chắc nhất để tạo ra số thu to lớn hơn cho ngân sách nhà nước. Kiểm nghiệm lại trong thực tế, qua 2 lần cải cách thuế từ năm 1990 đến nay mà đặc trưng cơ bản là hầu hết các sắc thuế đều giảm thuế suất song do gắn liền với việc mở rộng diện nộp thuế cùng với một phương thức quản lý thu có hiệu quả thì số thu từ thuế không những không giảm mà còn tăng lên. Điển hình tại tỉnh Đồng Nai, tỉnh có số thu ngân sách nhà nước cao thứ 4 của cả nước cho thấy: Số thu từ thuế và phí nội địa qua các năm như sau: năm 1991 208,8 tỷ đồng, năm 1993: 624,5 tỷ đồng, năm 1995: 929,9 tỷ đồng, năm 1997: 1.416,5 tỷ đồng, năm 2000: 1.542,4 tỷ đồng, và năm 2002: 2.064,6 tỷ đồng. Như vậy, nhận định trên đây là có cơ sở.

- Về thuế suất ưu đãi và miễn giảm thuế: hiện nay có 2 mảng thuế suất ưu đãi và thời gian miễn giảm thuế riêng biệt áp dụng theo luật đầu tư nước ngoài và luật khuyến khích đầu tư trong nước. Do vậy, để đảm bảo sự khuyến khích tối ưu, mảng thuế suất ưu đãi nào tốt hơn, thời gian miễn giảm thuế nào hay hơn trong 2 luật đầu tư đó, sẽ được chọn và áp dụng chung, tuy nhiên các ưu đãi miễn giảm mang tính xã hội cần được loại bỏ nhằm đảm bảo tính trung lập của loại thuế này.

Trên đây là một số ý kiến nhằn hoàn thiện chính sach thuế TNDN góp phần vào việc cải thiện và làm cho môi trường đầu tư nước ta ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, thân thiện hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.


Theo TCKTPT
Báo cáo phân tích thị trường