Các mặt hàng chính đều tăng về giá trị, trong đó tăng mạnh nhất là cá tra, basa 34,4% đạt 890,841 triệu USD. Đứng thứ 2 là nhuyễn thể chân đầu tăng 28,8% đạt 258,33 triệu USD. Cá ngừ tăng 27,3% đạt 136,764 triệu USD. Mặt hàng tôm mặc dù chỉ tăng nhẹ 1,3% đạt 1,376 tỷ USD nhưng lại đứng đầu về giá trị trong các mặt hàng chính của VN.
Trong những tháng cuối năm XK tôm đã có sự bứt phá về khối lượng và giá trị, nên mặt hàng này đã bỏ xa mặt hàng cá tra basa, chiếm 40% tỷ trọng XKTS, trong khi cá tra basa chiếm 26% tỷ trọng. Theo thống kê, hiện nay thịt cá tra loại dưới 1kg rất được thị trường Mỹ, Nga, EU, Ucraina … ưa chuộng.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ cá phi lê đáp ứng kích cỡ của nhà NK trong tổng số cá thu mua không nhiều, làm số lượng tồn kho của các doanh nghiệp lớn. Hiện tại, các mặt hàng TS khô như cá chỉ vàng, mực khô hiện nay cũng được các thương nhân Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc thu mua trực tiếp và mở xưởng chế biến ngay các tỉnh ven biển sau đó xuất về nước, gây cạnh tranh cho các công ty trong nước.
EU đứng đầu về nhập khẩu TS của VN đạt 828,664 triệu USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tháng 11 đạt giá trị 78,788 triệu USD, tăng 20,5% so với tháng 11/2006. EU đứng đầu về NK cá tra basa và cá ngừ, trong đó cá tra basa đạt 430,533 triệu USD, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái, và cá ngừ đạt 45,562 triệu USD, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù, mặt hàng TS của VN xuất sang Nhật Bản bị sụt giảm (11 tháng giảm gần 13%) bởi quy định kiểm tra gắt gao của Nhật, nhưng đây vẫn là thị trường đứng thứ 2 về NK TS của VN đạt 679,604 triệu USD, chiếm 21,1% tỷ trọng.
Đứng đầu về NK tôm đông lạnh vẫn là Nhật Bản đạt 51.299 tấn, trị giá 448,236 triệu USD giảm 17,3% về lượng và 17,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn dẫn đầu về NK nhuyễn thể chân đầu với giá trị đạt 92,958 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bám sát ngay sau Nhật là Mỹ, chiếm 20,4% tỷ trọng, đạt 657,093 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng mừng là trong tháng 8, tháng 9 và tháng 10, XK TS sang thị trường này liên tục giảm, thì sang đến tháng 11, XK đã tăng 18,5% đạt 62,874 triệu USD.
Hàn Quốc hiện chiếm 7,7% tỷ trọng XKTS của Việt Nam, đạt 248,858 triệu USD. Từ đầu năm đến nay Hàn Quốc luôn có mức tăng trưởng cao. So với 3 thị trường chủ lực của VN là Mỹ, Nhật và EU, thì Hàn Quốc có mức tăng trưởng cao nhất 30,9%, trong đó tôm đông lạnh tăng mạnh nhất 122% đạt 74,403 triệu USD, tiếp đến là nhuyễn thể chân đầu tăng 50,1% đạt 58,878 triệu USD.
Trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2007, tỷ trọng XKTS của VN sang 2 thị trường Ôxtrâylia và Nga đều sụt giảm. Trong tháng 11 Ôxtrâylia giảm 37% về giá trị, trong khi Nga giảm 22,7%, ngược lại 11 tháng đầu năm, Nga lại giảm mạnh hơn 9,7%, còn Ôxtrâylia giảm 2,2%.
Sở dĩ XK sang Ôxtrâylia giảm là do nước này vừa yêu cầu áp dụng luật kiểm tra đối với tôm đông lạnh từ các nước trong đó có VN. Sự sụt giảm của Nga là do hiện chỉ còn 24 doanh nghiệp TS của VN được phép XK vào thị trường này với khối lượng hàng TS nhất định do phía Nga khống chế.