Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gián điệp kinh doanh: nói mãi vẫn chưa hết
23 | 11 | 2007
Trong các chuyến đi tham quan, du lịch, khách nước ngoài phần lớn có mục đích nghỉ ngơi, giải trí, tiếp xúc với thiên nhiên, mở rộng tầm hiểu biết của mình. Tuy nhiên, cũng còn có những du khách đặc biệt đang hướng vào mục tiêu khác ngoài việc vui chơi và ngắm cảnh...


Trên thương trường từ trước đến nay hầu như luôn xảy ra một cuộc chiến âm thầm nhằm chiếm đoạt các bí quyết của nhau. Người ta đánh cắp các phát minh, sáng chế, các chi tiết máy móc, kế hoạch hợp nhất các Công ty, các công thức pha chế mỹ phẩm, dược phẩm và cả những chuyện nhỏ như ăn cắp công thức pha cà phê của nhau...

Một ông chủ hãng thời trang hạng trung bình bỗng giàu lên nhanh chóng nhờ chuyên đi ăn cắp... mốt thời trang của các đối thủ cạnh tranh. Những tay chân thân tín của ông ta đã thâm nhập vào những buổi hội thảo của các hãng mốt nổi tiếng trên thế giới để ăn cắp bí quyết, mẫu mã... Họ sử dụng những máy ảnh hiện đại để chụp lại những thiết kế mẫu mốt nhất, thành công nhất, sau đó triển khai với tốc độ cực kỳ nhanh để sản xuất theo mẫu vừa ăn cắp được. Những mẫu áo quần này lập tức được gửi bằng máy bay đến các nhà máy ở Hồng Kông, Soeul, nơi có nhân công rẻ. Và chỉ sau một thời gian ngắn đã xuất hiện ồ ạt trên thị trường thế giới, từ San Franscisco đến Madrid đầy ắp những hàng hoá khó mà phân biệt với hàng chính phẩm. Nhờ những hoạt động trên mà ông chủ hiệu mốt thu được hàng trăm triệu USD chỉ trong một thời gian ngắn. Trong khi đó các Công ty mốt thời trang khác phải chịu thua lỗ nặng nề, thậm chí bị phá sản. Bởi vì muốn thu được lợi nhuận từ mốt mới, thì nhà sản xuất cần phải độc quyền trong tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Một hãng chế tạo máy tại Anh được một nhóm người tham quan đến thăm. Trong đó có một số chuyên gia dịch vụ các máy chủ. Sau đó ít ngày người ta phát hiện trong đoàn tham quan có mặt các nhân viên của hãng đang cạnh tranh và trong quá trình tham quan họ đã đánh tráo cuộn ruybăng trên máy chữ của người thư ký giám đốc. Chiếc máy này trước đó đã được đánh một văn bản quan trọng.
Giải mã những gì được in trên cuộn ruybăng máy chữ là một việc làm không khó đối với kẻ cắp.

Hiện nay người ta không còn chú ý mấy đến những microphone treo ở cà vạt hoặc cài vào tóc. Những máy phát được cài trong những con ruồi máy thì có tác dụng lớn mà ít gây sự chú ý của những người đang họp trong các phòng kín. Còn các dụng cụ nghe lén được nguỵ trang trong nhiều đồ vật khác nhau được sử dụng khá phổ biến. Chỉ tính riêng tập đoàn ở Merilen, Mỹ đã sản xuất hàng năm trên 300 loại sản phẩm nghe lén, nhìn trộm.

Trong trường gián điệp, người ta dùng ống kính tele chụp được bất kỳ bản tài liệu viết tay hay đánh máy nào đó ở cách xa 100m và các khẩu súng bắn đạn ghi âm có thể thu được tiếng động nhỏ ở khoảng cách rất xa. Hãng Poske, Đức chuyên sản xuất và bán ra thị trường những ống nghe cực thính, tất nhiên là không phải để dùng trong y học mà để nghe trộm các cuộc nói chuyện xuyên qua tường không những bên cạnh, mà còn cách đấy 1 phòng. Việc sử dụng vi điện tử trong gián điệp kinh tế ở thế kỷ 21 càng trở nên siêu hạng.

Trong thế kỷ 20, sự phá sản của hãng “Nagoia –Vinner” của Nhật được mô tả là những người lãnh đạo đã giấu kỹ tình trạng tài chính của hãng và tiếp tục vay nợ ngân hàng. Cuối cùng các nhà băng nghi ngờ và đã nhờ đến dịch vụ thám tử. Ban đầu việc theo dõi đi vào ngõ cụt, nhưng khi viên kế toán trưởng của hãng bỗng nhiên bị đau răng, vị bác sĩ nha khoa đã đặt vào răng giả của y một máy phát tí hon, có thể truyền đi tất cả các cuộc nói chuyện có viên kế toán trưởng tham dự. Khi đã có đầy đủ sự thật, những nhà băng ngừng cho vay và hãng lập tức bị phá sản.

Với mục đích vượt mặt các đối thủ cạnh tranh, thu lợi nhuận lớn, rất nhiều doanh nghiệp không ngại sử dụng bất cứ thủ thuật nào, kể cả gián điệp thông tin. Chính vì vậy, vấn đề bảo mật thông tin đối với các doanh nghiệp cần được đặt lên hàng đầu. Nếu không, rất có thể một ngày nào đó, những bí quyết kinh doanh, thông tin nhạy cảm của doanh nghiệp bạn sẽ lại chính là “vũ khí” lợi hại của đối thủ cạnh tranh nhằm chống lại doanh nghiệp của bạn.


Báo cáo phân tích thị trường