Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật đê điều
10 | 08 | 2007
Chiều ngày 25-10, tại kỳ họp thứ 10, QH khóa XI các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận dự án Luật Ðê điều
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, các đại biểu đã nghe đồng chí Hồ Ðức Việt trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ðê điều.

Qua thảo luận cho thấy, các ý kiến phát biểu tập trung đóng góp về một số  vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. Các đại biểu  Nguyễn Viết Chức (Hà Nội), Nguyễn Văn Dũng (Tiền Giang), Lê Văn Ðiệt  (Vĩnh Long) đề nghị, nên phân cấp quản lý đê theo hướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đê cấp đặc biệt, đê cấp I, II, III và giao UBND cấp tỉnh quản lý đê cấp IV, V và đê khác, đồng thời làm rõ tiêu chí phân cấp đê (quy mô, diện tích, dân số,...)  để đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Cần bổ sung một số nguyên tắc quan trọng đối với hoạt động trong lĩnh vực đê điều theo hướng bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất và bảo đảm khả năng thoát lũ,  nhằm bảo đảm hiệu quả tổng hợp, toàn diện về phòng, chống lũ và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ,  cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp.

Quy định Chủ tịch UBND các cấp là người phải chịu trách nhiệm về vấn đề đê điều của địa phương và có chính sách ưu tiên đối với loại đê đặc biệt, đê biển, đê sông; từng bước hiện đại hóa hệ thống đê điều của nước ta để kịp thời ứng phó với những diễn biến phức tạp của thiên tai. Một số  đại biểu  đề nghị cần khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư để kiên cố hóa đê điều kết hợp phát triển kinh tế - xã hội và có chính sách hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ, lụt. Khuyến khích đầu tư và bảo vệ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa và bảo vệ đê điều kết hợp phát triển kinh tế - xã hội.

Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm  được quy định tại Ðiều 7, nhiều đại biểu đề nghị  bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: sử dụng sai mục đích ngân sách đầu tư cho đê điều, cản trở hoạt động xây dựng, tu bổ đê điều, xây dựng nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông, lòng sông; khai thác cát, sỏi dưới lòng sông nếu chưa được phép hoặc không đúng giấy phép do UBND tỉnh cấp hoặc ở ngoài vùng quy hoạch làm ảnh hưởng công trình thủy lợi; xây dựng công trình trên sông làm ảnh hưởng dòng chảy, gây xói lở; đào ao sát hành lang chân đê...

Các đại biểu: Trần Ðắc Sửu (Hải Phòng), Nguyễn Thị Hải (Phú Thọ), Nguyễn Viết Chức (Hà Nội), đề nghị hành lang bảo vệ đê điều được xác định trên cơ sở kết quả tính toán, kiểm tra sự ổn định về thấm, trượt, lún; trên cơ sở điều kiện địa hình, địa chất cụ thể của từng khu vực và điều kiện bảo đảm cho công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sự cố, hộ đê, quản lý đê. Ðồng thời đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại việc quy định hành lang bảo vệ đê trong luật này không được "vênh" so với Luật Giao thông đường thủy nội địa đã được QH thông qua trước đây.

Ðại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Nông), đề nghị bổ sung quy định về việc xây dựng các cụm dân cư, tuyến dân cư sát với đê bao kết hợp làm đường giao thông ở đồng bằng sông Cửu Long. Quy định rõ trong luật  UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều trên thực địa. Ðối với số nhà cửa, công trình đã xây dựng trái với quy định của Pháp lệnh đê điều năm 2000, các đại biểu đề nghị phải có biện pháp  buộc phải di dời; đồng thời phải đình chỉ việc xây dựng mới, sửa chữa, cơi nới tại các khu dân cư hiện tại; có quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quyết định và tổ chức di dời, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân sống ở ngoài đê và kiến nghị Chính phủ sớm có quy hoạch xây dựng dự án đầu tư và quy định số lượng dân cư sống trong bãi sông. Việc xử lý nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông cần có sự phân biệt giữa đê của sông đi qua đô thị và đê của sông đi qua các vùng khác.

 Các đại biểu Phạm Thị Minh Hà (Nam Ðịnh), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Trần Thị Mai Phương (Long An), Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) đề nghị xem xét lại quy định lực lượng chuyên trách quản lý đê điều có nhiệm vụ tổ chức xử lý giờ đầu các sự cố đê điều là không khả thi vì trên thực tế lực lượng này còn mỏng, số lượng ít, trong khi khối lượng công việc nhiều, đặc biệt là ở những tỉnh có diện tích, chiều dài đê lớn. Hơn nữa, một số nhiệm vụ nên giao cho lực lượng quản lý đê nhân dân, thì hợp lý hơn, nhằm bảo đảm  tính khả thi của Luật. Các đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ  trách nhiệm quản lý nhà nước về đê điều của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân...


(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường