Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp nào để chuyển đổi các công ty kiểm toán thuộc sở hữu Nhà nước?
27 | 09 | 2007
Hiện các công ty kiểm toán thuộc sở hữu Nhà nước đang khẩn trương triển khai các bước, bao gồm tham khảo ý kiến, kinh nghiệm, xây dựng đề án, lộ trình thực hiện... để muộn nhất là hết quí I năm 2007 hoàn tất việc chuyển đổi hình thức sở hữu. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trao đổi với một số nhà nghiên cứu, quản lý, nhất là các chuyên gia tài chính về cổ phần hoá, về chuyển đổi các doanh nghiệp Nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng để việc chuyển đổi diễn ra nhanh chóng, thuân lợi có thể giải thể các công ty kiểm toán thuộc sở hữu Nhà nước. Sau đó, tức sau khi giải thể các cán bộ nhân viên (CBNV) của các công ty này có thể tự nguyện liên kết thành lập doanh nghiệp kiểm toán phù hợp với tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động doanh nghiệp kiểm toán theo quy định tại Thông tư 60 của Bộ Tài chính. Phương án này xem ra là đơn giản và thuận tiện nhất đối với các cơ quan hữu quan của Nhà nước và cũng phù hợp với kinh nghiệm chuyển đổi tương tự của một số nước (Trung Quốc). ở một khía cạnh nào đó phương án này tạo ra sự bình đẳng và tự nguyên giữa các thành viên góp vốn và các doanh nghiệp trong cùng ngành. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra ở đây là chính sách của Nhà nước đối với các CBNV đã từng tham gia làm việc tại các công ty này như thế nào? Việc chuyển đổi như vậy có mẫu thuẫn với các chính sách của chúng ta hiện nay trong việc đổi mới và sắp xếp lại các doanh nghiệp Nhà nước hay không?

Một số ý kiến khác cho rằng: Nên chăng, nhà nước thực hiện việc bán doanh nghiệp cho một số cán bộ chủ chốt của Công ty Kiểm toán theo hình thức giao khoán, bán và cho thuê của doanh nghiệp của Nhà nước hiện nay. Cơ sở của phương án này có thể được sự đồng thuận của hầu hết lãnh đạo các công ty kiểm toán, vì theo phương án này các chủ doanh nghiệp mới có đầy đủ năng lực quản lý điều hành và cam kết sẽ tiếp tục sử dụng và đảm bảo lợi ích của người lao động hiện nay trong doanh nghiệp, do vậy việc chuyển đổi có thể được diễn ra tương đối "êm ả", không bị vướng bận bởi những yêu cầu khác trong quá trình chuyển đổi hình thức sở hữu. Tuy nhiên, phương án này không được hầu hết các CBNV của các công ty ủng hộ vì họ cho rằng khó có sự khách quan trong việc định giá các doanh nghiệp, cũng như lợi ích của Nhà nước tại doanh nghiệp dễ rơi vào tay một số ít người, điều này có thể đi ngược lại với những nguyên tắc công khai minh bạch trong quy định của pháp luật về sắp xếp, chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần (ví dụ như đấu giá công khai).

Cũng có ý kiến khác với hai loại ý kiến trên: Nên chăng Nhà nước thực hiện việc đấu giá mua lại phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chỉ áp dụng đối với một số CBNV của công ty kiểm toán có những tiêu chuẩn nhất định. Ví dụ như số năm công tác, có chứng chỉ Kiểm toán viên...vv. Theo nguyên tắc ai bỏ giá cao được tham gia mua lại doanh nghiệp kiểm toán. Phương án này có thể khắc phục phần nào đó những hạn chế của phương án 2 trên đây. Tuy nhiên phương án này gặp không ít khó khăn là những ai sẽ được coi là đủ "tiêu chuẩn"? Vì suy cho cùng thì tiêu chuẩn, tiêu thức nào cũng có những tính tích cực cùng sự hạn chế của nó. Mặt khác, tính tự nguyện giữa các thành viên tham gia góp vốn không được đề cao do người tham gia đấu giá không biết sẽ được cùng ai tham gia sở hữu, và quản lý trong tương lai. Điều này càng trở nên bất cập hơn khi trong thực tế có nhiều Công ty TNHH kiểm toán chỉ có một số lượng ít thành viên tham gia nhưng chỉ sau một gian nhất định đã phải chia tay do không đồng nhất trong cung cách quản lý và điều hành công ty.

Ngoài ra cũng có một số ý kiến cho rằng: Để chuyển đổi hình thức sở hữu các công ty kiểm toán nhà nước có thể thực hiện việc đấu giá mua lại phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và chỉ áp dụng giữa các nhóm thành viên CBNV của công ty kiểm toán có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 60. Phương án này về cơ bản có thể đáp ứng được hầu hết nguyện vọng của CBNV của các doanh nghiệp cũng như một số suy nghĩ quan ngại về tính khách quan trong đấu giá của các cán bộ quản lý Nhà nước. Hơn nữa các nhóm này đều được liên kết trên cơ sở tự nguyện giữa các thành viên, do vậy có khả năng tạo ra sự bền vững trong tương lai của doanh nghiệp. Tuy nhiên phương án này cũng không tránh khỏi những lo ngại về khả năng liên kết trong quá trình đấu giá, sự chênh lệch về năng lực quản lý điều hành giữa các nhóm thành viên dẫn đến tính khách quan trong đấu giá không được đảm bảo hay tính khả thi của doanh nghiệp trong tương lai. Hơn thế nữa, do đặc thù về quy mô hoạt động của các doanh nghiệp này nên thường các doanh nghiệp đều có mức vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở mức 15 tỷ (mức được xác định thông qua định giá) và chắc chắn sẽ cao hơn nếu được đấu giá công khai minh bạch, do vậy khó có thể có những CBNV vừa đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 60 vừa có đủ tiềm lực tài chính để tham gia đấu giá mua lại các doanh nghiệp này.

Ý kiến sau cùng là Nhà nước cần thực hiện việc đấu giá mua lại phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chỉ áp dụng giữa các nhóm thành viên CBNV của trong và ngoài công ty kiểm toán có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 60. Phương án này đảm bảo cao nhất tính khách quan minh bạch trong việc đấu giá bán phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, do các doanh nghiệp này có những tài sản vô hình rất có giá trị (như quyền sử dụng đất, thương hiệu...) nhưng có thể không được định giá trước khi đấu giá (do chưa có hướng dẫn định giá đối với các tài sản này). Mặt khác, phương án này tạo điều kiện cho tất cả những cá nhân, tổ chức có năng lực thực sự trong quản lý và kinh doanh dịch vụ kiểm toán độc lập có cơ hội tham gia. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng vì lợi ích cá nhân các thành viên góp vốn sẽ không đảm bảo một sự cam kết chắc chắn rằng sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các CBNV của các doanh nghiệp kiểm toán sau khi chuyển đổi cho dù đó là quy luật của nền kinh tế thị trường đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh đòi hỏi kiến thức và năng lực của người lao động cao.

Tóm lại, việc chuyển đổi hình thức sở hữu các công ty kiểm toán thuộc sở hữu Nhà nước đang có nhiều cách thức lựa chọn khác nhau. Lựa chọn nào cũng tồn tại tính tính cực và chưa tích cực của nó. Do vậy, cần có thời gian suy nghĩ và sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan hữu quan của nhà nước, các doanh nghiệp kiểm toán và ngay cả các CBNV của các công ty kiểm toán nhằm đảm bảo sự chuyển đổi hiệu quả, hoàn thành đúng tiến độ thời gian theo quy định của Chính phủ.

Với mục đích góp một tiếng nói nhỏ trong một diễn đàn lớn hy vọng rằng với các phương án chuyển đổi được nêu ra mang tính tham khảo trên đây phần nào góp thêm được những đánh giá, lựa chọn một giải pháp tốt nhất, hữu hiệu nhất và khách quan nhất cho công tác chuyển đổi tại các doanh nghiệp kiểm toán trong tương lai.

Theo MOF.


Báo cáo phân tích thị trường