Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam vẫn trong tầm ngắm nhà đầu tư ngoại
30 | 01 | 2008
Dragon Capital dự kiến huy động thêm 3 quỹ đầu tư, nâng tổng vốn quản lý lên ít nhất 3 tỷ USD; BVIM cũng tăng vốn chăm sóc thêm khoảng 300 triệu USD; Credit Suisse xem xét lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, thay vì để chuyên gia bay đi bay lại giữa Hà Nội, TP. HCM và Singapore... Những động thái như vậy chứng tỏ Việt Nam vẫn là điểm trũng đầu tư, bất chấp thị trường tài chính, chứng khoán năm nay được nhìn nhận có nhiều thách thức.

Ông Phan Minh Tuấn, Trưởng đại diện Dragon Capital cho ĐTCK biết, năm 2008 tổ chức này sẽ huy động thêm 3 quỹ tập trung cho các ngành chứng khoán, bất động sản và hạ tầng, đồng thời tiếp tục tăng vốn cho những quỹ đang hoạt động tại Việt Nam. "Yếu tố kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn rất tốt, mục tiêu tăng trưởng kinh tế khả thi thông qua niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư quốc tế thể hiện rõ nét qua cam kết tại Hội nghị Các nhà tài trợ hồi cuối năm ngoái. Trên cơ sở các tín hiệu kinh tế chung như vậy, chúng tôi đánh giá rằng, TTCK Việt Nam vẫn rất tiềm năng, tuy nhiên tìm kiếm cơ hội và thời điểm đầu tư lại là yếu tố quan trọng".

Thời điểm quay lại đầu tư, theo nhìn nhận của các chuyên gia quỹ này đã đến, bằng chứng là họ không tham gia IPO Bảo Việt, VCB nhưng lại tham gia IPO Sabeco. "Tuy giá khởi điểm Sabeco khá cao nhưng chúng tôi nhìn nhận ngành sản xuất rượu bia có tiềm năng, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng cao và phát triển trong dài hạn", ông Tuấn lý giải. Tiêu chí chủ yếu để Dragon Capital ra quyết định lựa chọn đầu tư khá đơn giản: công ty có khả năng quản trị doanh nghiệp tốt, chiến lược phát triển rõ ràng, khả năng tăng trưởng cao.

Một chuyên gia quản lý cao cấp Liên doanh quản lý quỹ BIDV-Vietnam Partner (BVIM) cho hay, đích ngắm của quỹ này không tập trung ở những cổ phiếu niêm yết, mà chủ yếu hướng tới doanh nghiệp đại chúng và cũng tuân theo nguyên tắc: cổ phiếu có chỉ số EPS cao hoặc doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Thế nào là doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt lại phụ thuộc vào phân tích, đánh giá của mỗi nhà đầu tư. Giải thích cho lý do tham gia mua cổ phần VCB, mặc dù hầu hết phân tích đều chỉ ra, với giá trúng thầu bình quân 107.860 đồng/CP, chỉ số P/E của cổ phiếu này trong năm 2007 khá cao. Chuyên viên phân tích của một tổ chức tài chính nước ngoài cho hay, lấy các chỉ số của VCB so sánh với ACB hay STB là khập khiễng. Sức bật của những ngân hàng này được ví như ngôi nhà 3 tầng nhưng móng của ACB và STB chỉ cho phép chủ nhà nâng lên 4-5 tầng, còn móng của VCB có thể chịu lực cho tòa nhà lên tới 7-8 tầng nếu có đủ nguyên vật liệu.

Kinh tế toàn cầu suy giảm, thị trường tài chính quốc tế diễn biến không mấy khả quan có thể tạo ra sự dè dặt với nhà đầu tư ngoại, nhưng với tầm nhìn dài hạn và khoản đầu tư có thời gian 2-3 năm, mối quan tâm của nhà ĐTNN với TTCK Việt Nam chưa mấy suy giảm. Trong báo cáo  "Chiến lược đầu tư vốn xuyên châu Á: Con rắn và cái thang” của HSBC hồi tháng 1/2008, cũng thể hiện muốn duy trì sự hiện diện trên thị trường Việt Nam".

Trong thời gian vừa qua, một số tổ chức đầu tư nước ngoài thực hiện bán ra cổ phiếu nhưng quan trọng là họ không bán ra cắt lỗ, mà ở chừng mực nào đó họ vẫn có lãi. Theo thông tin mà ĐTCK nắm được, trong số tổ chức bán ra có 3 quỹ lớn và những cổ phiếu này, họ đều mua từ trước khi doanh nghiệp lên sàn với giá thấp hơn giá thị trường hiện tại và họ cho rằng, hiện thực hóa lợi nhuận và cơ cấu lại danh mục không hẳn hàm ý cho một động cơ xấu là "dìm giá cổ phiếu".

Tổ chức hành động như vậy, còn nhà đầu tư cá nhân thì sao? Theo lời một chuyên gia trao đổi với báo chí, vấn đề chính lúc này đối với NĐT không phải là chỉ số P/E đã đến mức hấp dẫn mà là kinh tế toàn cầu. Nếu tín hiệu hồi phục từ nền kinh tế Mỹ và thế giới khả quan thì họ sẽ mua vào, nhưng tình hình vẫn xấu thì diễn biến có thể ngược lại. Hai phiên giao dịch cuối tuần qua cho thấy sự chuyển động từ khối ngoại khá rõ nét, phiên giao dịch 24/1, họ mua vào 1,11 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị 106,43 tỷ đồng; bán ra 706.680  cổ phiếu, tổng giá trị 61 tỷ đồng. Phiên 25/1, họ mua vào 987.130 đơn vị, tương đương giá trị 99,5 tỷ đồng; bán ra 364.450 đơn vị, giá trị 27,427 tỷ đồng. 

Diễn biến 2 phiên giao dịch chưa thể nói được xu hướng rõ ràng nhưng có thể là tín hiệu cho thấy, nhà ĐTNN đã đẩy một nước cờ mua vào thời điểm này. Dù giao dịch của họ diễn biến theo chiều hướng nào chăng nữa, TTCK Việt Nam vẫn được đặt trong tầm ngắm, điều này có thể thấy qua số lượng tài khoản của khối ngoại đang tiếp tục  gia tăng. Dự tính đến tháng 2/2008, có 535 tổ chức và 8.598 nhà ĐTNN mở tài khoản kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam (theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán).     

 

 



Theo Đầu Tư Chứng Khoán
Báo cáo phân tích thị trường