Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hội nhập tiền tệ và tài chính ASEAN: Còn nhiều vướng mắc!
04 | 04 | 2008
Còn nhiều vướng mắc về thiết lập thị trường trái phiếu chung ASEAN+3, hình thành Quỹ Tiền tệ châu Á trong tiến trình hội nhập tiền tệ và tài chính ASEAN.

Chiều 3/4, hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng ASEAN+3 (giữa ASEAN với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, gọi tắt là AFDM+3) và hội nghị Thống đốc Ngân hàng TƯ ASEAN (ACGM) đã kết thúc với không nhiều kết quả cụ thể được ghi nhận.

 

Theo Thứ trưởng Tài chính VN Trần Xuân Hà, các hội nghị này đã tập trung kiểm điểm tiến trình hợp tác tài chính khu vực Đông Á thông qua việc triển khai các sáng kiến hợp tác như “Sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu châu Á (ABMI)”, “Sáng kiến ChiangMai (CMI)”, hoạt động của các nhóm công tác, nghiên cứu ASEAN+3 và một số nội dung khác.

 

Thị trường trái phiếu chung ASEAN+3: Đang tìm phương án

 

Sáng kiến ABMI được khởi xướng năm 2003 với mục tiêu phát triển hiệu quả và sâu rộng các thị trường trái phiếu trong khu vực, đồng thời tăng cường hợp tác qua biên giới giữa các thị trường. Đến nay, các nước ASEAN+3 đã thiết lập 7 nhóm công tác để triển khai nghiên cứu các hoạt động về phát triển thị trường trái phiếu mà các nước quan tâm trong từng thời kỳ.

 

Trong đó, tập trung nghiên cứu về phát triển các công cụ nợ để huy động vốn cho các dự án hạ tầng cơ sở; nghiên cứu và thúc đẩy quá trình phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ và bằng rổ tiền tệ của khu vực; nghiên cứu tính khả thi và khả năng triển khai thiết lập cơ chế bảo lãnh và đầu tư trái phiếu của khu vực; nghiên cứu tính khả thi thiết lập trung tâm thanh toán và giao dịch trái phiếu của khu vực; khuyến khích các hoạt động nhằm tăng cường sự hài hoà hoá và khả năng cạnh tranh giữa các cơ quan đánh giá hệ số tín dụng của từng nước.

 

Tại hội nghị AFDM+3 lần này, các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng ASEAN+3 đã ghi nhận kết quả đánh khích lệ của các hoạt động “Sáng kiến ABMI” trong việc khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của các thị trường trái phiếu trong khu vực. Tuy nhiên, hội nghị cũng nhận thấy, tiến trình triển khai ABMI vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng hợp tác của khu vực ASEAN+3.

 

Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, để tăng cường hiệu quả của hợp tác khu vực về phát triển thị trường trái phiếu, hội nghị AFDM+3 đã tập trung thảo luận về việc xây dựng một lộ trình chiến lược ABMI trong những năm tới. Lộ trình này nhằm giúp cho việc triển khai sáng kiến ABMI mang tính toàn diện, hiệu quả hơn nữa trong nỗ lực tiến tới một thị trường trái phiếu chung của khu vực. Các đại biểu đã đi đến thống nhất về lộ trình mới cho triển khai sáng kiến ABMI và sẽ trình để thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 vào tháng 5/2008 tại Madrid (Tây Ban Nha).

 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Phùng Khắc Kế cho biết: “Việc thực hiện sáng kiến này sẽ giúp các nước thành viên ASEAN tạo dựng được một thị trường chung về phát hành trái phiếu khu vực, huy động được nguồn vốn phục vụ nền kinh tế trong nước bằng những loại trái phiếu có tính quốc tế cao, góp phần nâng cao sự hợp tác và liên kết bền vững về tài chính, tiền tệ giữa các nước ASEAN!”.  

 

Tuy nhiên, trình độ phát triển thị trường tài chính, tiền tệ ở mỗi nước ASEAN đang có những chênh lệch lớn. Có nước chưa có thị trường chứng khoán, có nước mới có thị trường chứng khoán như VN, và cũng có nước mà thị trường chứng khoán đã mang tầm quốc tế rất cao như Singapore... Đây cũng là những vướng mắc trong quá trình tạo dựng một thị trường trái phiếu chung của khu vực. Do vậy, các nước ASEAN đang tiếp tục bàn thảo để tìm ra phương án mà tất cả các nước đều có thể chấp nhận được.

 

Mô tả ảnh.

Thứ trưởng Tài chính VN Trần Xuân Hà (ngoài cùng, bên phải) trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: HC

Quỹ Tiền tệ châu Á: Chưa đạt tiến độ mong muốn

 

Ra đời năm 2000, “Sáng kiến ChiangMai” nhằm thúc đẩy các thoả thuận hoán đổi song phương giữa các nước ASEAN+3 nhằm hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho các nước thành viên khi có khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán quốc tế. Đồng thời thiết lập cơ chế để xác định những bất ổn trong khu vực và ngăn ngừa các nguy cơ xảy ra khủng hoảng.

 

Hiện ở khu vực ASEAN đã thiết lập mạng lưới gồm 17 thoả thuận hoán đổi song phương với tổng quy mô vốn trên 85 tỷ USD. Bên cạnh đó, các Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng ASEAN+3 nhận thấy cần tập trung cho khả năng đa phương hoá CMI với mục tiêu hướng đến việc xây dựng một cơ chế hỗ trợ tài chính khu vực bổ sung cho cơ chế của các định chế tài chính quốc tế hiện hành, nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho các nước khi có khó khăn về cán cân thanh toán.

 

Ông Phùng Khắc Kế cho hay, Ngân hàng Nhà nước VN là đồng chủ trì với Bộ Tài chính Nhật Bản trong nhóm đặc trách về sáng kiến này đã nghiên cứu các khía cạnh kỹ thuật và đưa ra các đề xuất về quy mô của thoả thuận, đóng góp của từng nước, hạn mức vay, cấu trúc góp vốn, cơ chế hoạt động, nguyên tắc ra quyết định, khuôn khổ giám sát và quy mô cho vay trong trường hợp chưa có chương trình vay với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

 

“Đối với VN cũng như các thành viên ASEAN khác, việc thực hiện cơ chế đa phương hoá sáng kiến CMI là rất hữu ích, nhằm bổ sung thêm các nguồn vốn vay hỗ trợ bù đắp cán cân thanh toán cho các nước thành viên ASEAN trong trường hợp gặp khủng hoảng, góp phần ổn định tình hình tài chính và kinh tế khu vực” – ông Phùng Khắc Kế nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên ông thừa nhận tiến trình triển khai sáng kiến CMI theo hướng đa phương chưa đạt được tiến độ mong muốn. Các nhóm công tác chưa đi đến thống nhất trên nhiều vấn đề như tổng quỹ đa phương là bao nhiêu (có ý kiến đề xuất 80 tỷ USD, cũng có ý kiến cho rằng phải 100 tỷ USD); tỷ lệ góp vốn giữa ASEAN và 3 đối tác Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc (có ý kiến đề xuất tỷ lệ góp vốn giữa ASEAN và 3 nước đối tác là 25% - 75%, cũng có ý kiến đề nghị tỷ lệ 20% - 80%); các loại giấy tờ có giá trị trong việc vay tiền từ quỹ (các nước ASEAN đề nghị giấy nhận nợ của Chính phủ, song phía Nhật Bản cho rằng loại văn bản đó không có giá trị pháp lý đối với luật pháp của họ)...

 

Để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hội nhập tiền tệ và tài chính ASEAN, năm 2007, nhóm đặc trách về mốc mục tiêu hội nhập đã được thành lập, có chức năng giám sát một cách toàn diện và hệ thống tiến trình hoạt động của 3 nhóm công tác về phát triển thị trường vốn, tự do hoá tài khoản vốn và tự do hoá dịch vụ tài chính. Đồng thời nghiên cứu xây dựng các mốc mục tiêu phải đạt được trong thời hạn cụ thể... Tháng 3/2008, nhóm đặc trách này đã hoàn tất biểu mẫu phục vụ công tác giám sát và xây dựng các mốc mục tiêu.

 

Để thực hiện nhanh các bước theo kế hoạch tổng thể về hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, tại hội nghị AFDM+3 lần này, VN cho rằng không thể lấy mốc chung cho tất cả các nước và đưa ra sáng kiến chia các thành viên ASEAN thành 2 nhóm căn cứ vào trình độ phát triển. Mỗi nhóm sẽ có tiêu chí hội nhập ở từng mốc thời gian cụ thể. Các nước đi trước sẽ hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm... để các nước đi sau có thể theo kịp tiến trình chung. Đề nghị này đã được hội nghị nhất trí tán đồng.

 

Mô tả ảnh.

Họp báo sau khi kết thúc hội nghị Thống đốc Ngân hàng TƯ ASEAN (Ảnh: HC)

Về vấn đề tăng trưởng bền vững

 

Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị ACGM, trả lời câu hỏi về sự tăng trưởng bền vững, ổn định của các nước ASEAN trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động như hiện nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Phùng Khắc Kế cho hay, không phải đến hội nghị lần này mà từ các hội nghị trước đó, các Thống đốc Ngân hàng TƯ ASEAN đều đặt vấn đề rất cao về sự tăng trưởng của mỗi nước phải gắn chặt với sự bền vững, ổn định.

 

“Tại hội nghị lần này, đại diện ADB và IMF đã đề cập đến khả năng giảm bớt mức tăng trưởng kinh tế của thế giới và ASEAN để đảm bảo sự ổn định. Quan điểm này cũng đã được các Thống đốc Ngân hàng ASEAN đồng tình. Riêng với VN, Chính phủ cũng đặt vấn đề tăng trưởng gắn với bền vững, ưu tiên trước tiên cho mục tiêu kềm chế lạm phát!” – ông Phùng Khắc Kế nói.

 

Tuy nhiên ông không cho rằng, các ngân hàng TƯ ASEAN cứ cắt giảm lãi suất cơ bản thì sẽ đạt được mục tiêu này. Theo ông, ngân hàng TƯ mỗi nước ASEAN sẽ có chính sách tiền tệ phù hợp với điều kiện cụ thể của nước mình, do lạm phát lên hay xuống, tăng trưởng cao hay thấp... Nếu tăng trưởng quá giảm sút trong khi lạm phát tăng cao thì việc cắt giảm lãi suất cơ bản là bình thường và chắc chắn sẽ thực hiện. Còn trong những trường hợp khác thì ngân hàng TƯ mỗi nước lại sẽ có những lời giải khác.

 

Ông nhấn mạnh: “Đối với VN, trong điều kiện ưu tiên cho kiềm chế lạm phát thì không phải là tốt nếu cứ liên tục giảm lãi suất. Thay vào đó, phải có biện pháp để đưa lãi suất về mức hợp lý nhằm duy trì nguồn vốn cho các doanh nghiệp hoạt động, hạn chế việc luồng vốn chảy ra các khu vực kém hiệu quả hoặc các dự án đang được tiết giảm. Việc tăng hay giảm, hay giữ nguyên để có được một mức lãi suất hợp lý phải tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể cho phép thực hiện biện pháp đó!”.

 

Ngày 4/4 sẽ chính thức khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 12 tại Furama Resort (Đà Nẵng).



Theo Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường