Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người nuôi cá tra, cá basa điêu đứng
07 | 04 | 2008
Cá basa tại các chợ ở TP HCM dao động từ 24.000 đến 27.000 đồng một kg. Ảnh: Bảo Quân.
Mỗi kg cá tra, cá basa phải bán 16.000 đồng mới có lời, nhưng hiện tại giá chỉ dao động ở mức 13.500-13.800 đồng mỗi kg, khiến người nuôi cá chán nản. Doanh nghiệp không cứu nổi nông dân, vì chính họ cũng đang khốn khó.

"Tôi chỉ còn nằm chờ những chính sách hỗ trợ từ cơ quan Nhà nước", anh Ba Chiến ở Cần Thơ cho biết. Theo anh, nếu xuất khẩu được thì mới giải phóng được 2.500 tấn cá trong ao. Nếu bán với giá 13.500 đồng một kg, người nuôi cá sẽ lỗ 1.500 đồng, tính ra 2.500 tấn cá của anh "bay hơi" hơn 3 tỷ đồng.

Chủ tịch Hiệp hội thủy sản Cần Thơ, anh Bùi Hữu Trí cho biết, từ giữa tháng 2 đến nay, cá tra, cá basa liên tục rớt giá. Đầu tháng 2 còn ở mức 15.000-15.300 đồng một kg. Đến cuối tháng 3 sụt xuống còn 13.000 -13.800 đồng.

Anh Võ Trung Khởi, gắn bó với nghề nuôi cá tra, cá basa 4 năm nay, cho biết người dân không còn vốn cho cá ăn, phải bán tháo bán đổ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, họ không nhận được tiền ngay để trả nợ ngân hàng, mua thức ăn cho cá. Phải đợi một tháng sau doanh nghiệp mới có tiền để trả.

Nếu muốn ứng trước một khoản, doanh nghiệp buộc người nuôi phải trả lãi suất 2,5-3% tùy theo thỏa thuận hai bên. Thực tế đó đã đưa nhiều người vào bước đường cùng.

100 tấn cá (diện tích mặt nước 2.000 m2, độ sâu tương ứng từ 3 đến 5 thước) vẫn còn trong ao, anh Khởi chỉ hy vọng bán được với giá 14.500 đồng để gỡ lại vốn. Với giá thức ăn như hiện tại, bán ra 14.500 đồng là lỗ nhưng với giá thức ăn cũ thì vẫn 'huề vốn'.

Trong tâm trạng nản lòng, anh Út Nhân (Thốt Nốt, Cần Thơ) tuyên bố bán hết đợt cá này sẽ 'giải nghệ', quay lại với đồng ruộng. Hiện số cá tra, cá basa của anh tồn hơn 2.000 tấn, với giá thu mua của doanh nghiệp hiện nay là 13.800 đồng một kg, anh đã cầm chắc cái lỗ.

"Doanh nghiệp thời gian qua không đủ khả năng cứu người nông dân", Tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ(Cafatex), ông Nguyễn Văn Kịch bộc bạch.

Trước đây những hợp đồng đã ký không vay được tiền để triển khai, lãi suất vay quá cao, đổi USD bị gây khó khăn, tỷ giá rớt, tiền trả lương nhân công thiếu hụt... Các đơn vị thu mua, chế biến thức ăn không đủ số vốn hoạt động, dẫn đến việc mua bán cầm chừng. Chính sách thắt chặt tiền tệ gây tổn thất cho doanh nghiệp, doanh nghiệp lại "san sẻ" gánh nặng này cho nông dân.

Xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng theo, giá tăng quá người ta cũng không dám mua mà giá giảm quá cũng chẳng ai dám mua. Nếu tình hình không biến chuyển khả quan, ông Kịch nhận định: "Không còn con giống, không còn tiền để kinh doanh, số hộ nuôi sẽ giảm xuống còn 40-50%, cuối năm nay mặt hàng này sẽ khan hiếm, đẩy giá lên, lại gây khó khăn cho xuất khẩu khi cạnh tranh với các nước khác".

Hiện Nhà nước chưa quy hoạch khâu thức ăn cho gia súc. Một tấn cá phải nhập đến 1,5 tấn thức ăn từ bên ngoài. Đây là tình hình chung của nhiều nước xuất khẩu thủy hải sản. Nước nào cũng nhập dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Nếu trước đây giá nguyên liệu cho cá tra chỉ 6.000 đồng đến 8.000 đồng , bán ra 15.000-16.000 đồng một kg, người nuôi có lời, thì nay nguồn nguyên liệu đầu vào tăng cao mà giá bán không theo kịp. Gía cá tra, cá basa giảm do vậy xuất phát từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, ông Kịch nhận định.

Phó chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt Vasep, ông Trương Đình Hòe cho biết, hiện "nút thắt" của vấn đề đã được gỡ, tỷ giá USD đã hồi phục, lãi suất đã ổn định, doanh nghiệp có vốn hoạt động trở lại, giá cá tra, cá basa trong thời gian tới sẽ hồi phục.

Năm vừa qua, giá trị xuất khẩu cá tra đạt trên 900 triệu USD, tăng gần 33% so với năm 2006. Theo kế hoạch năm 2008, kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 1,2 tỷ USD, chủ yếu ở thị trường: EU, Trung Mỹ, Trung Đông và Đông Âu.



Nguồn: tintuc.timnhanh.com
Báo cáo phân tích thị trường