Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dân tự quyết, tiền trúng "mục tiêu"
29 | 08 | 2007
Hàng vạn hộ nông dân ở Hải Dương được vay vốn ưu đãi xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch. Nhờ nguồn vốn này, nhiều khu vực nông thôn thoát khỏi cảnh ô nhiễm...
Hải Dương là 1 trong 10 tỉnh của cả nước được chọn thí điểm cho hộ gia đình vay vốn làm công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn (NS&VSNT) giai đoạn 2004-2005. Sự đón nhận nhiệt tình của nhân dân cùng thực tế cách ăn, uống và ở của họ ngày càng sạch hơn cho thấy những tác động tích cực từ hoạt động này...

Vay tiền dẫn nước sạch về nhà

Thị trấn Lai Cách (huyện Cẩm Giàng) được đầu tư một nhà máy cấp nước tập trung từ hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, khi xây xong, kinh phí của công trình chỉ đủ "chạy" một số đường ống chính dọc theo các con đường, ngõ lớn trong thị trấn. Việc dẫn nước vào từng hộ gia đình phó thác cho các hộ dân tự lo liệu. Kinh phí để mỗi hộ gia đình đưa được nước từ đường dẫn chính về nhà lên đến 2 triệu đồng. Số tiền này đối với đại đa số hộ dân nghèo trong thị trấn là quá lớn, vì thế nhiều gia đình vẫn không lo nổi, vẫn chịu cảnh nhìn thấy nước sạch mà không được dùng.

Chỉ đến khi chủ trương vay vốn làm công trình NS&VSNT được triển khi ở thị trấn Lai Cách, nhiều hộ dân mới thoát khỏi cảnh dùng nguồn nước ô nhiễm. Chị Đặng Thị Thương ở thôn Nghĩa hồ hởi vừa mở vòi nước vừa khoe: "May mắn là tôi vay được 2 triệu đồng với lãi suất chỉ 0,5%/tháng để đưa nước về nhà. Trước đây, nếu hết nước mưa, tôi luôn phải đi xin nước nhà hàng xóm về nấu ăn, vất vả và phiền hà lắm".

Gia đình ông Nguyễn Ngọc Tài thì phấn khởi hơn vì có thể chủ động được nguồn nước sạch để sản xuất đậu phụ, không bị động như thời kỳ còn dùng nước mưa. Hàng của ông sản xuất nhiều và bán chạy hơn, đồng nghĩa với việc phải sử dụng nước nhiều hơn. Ông nói: "Nhà máy nước của thị trấn đã xây xong lâu rồi, nhưng chỉ hoạt động cầm chừng. Chỉ đến khi có chủ trương cho vay tiền với lãi suất ưu đãi, dân mới dùng nước sạch nhiều và nhà máy cũng thoát khỏi cảnh bị bỏ hoang".

Dân tự quyết, tự làm

Còn ở xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng), vấn đề nước sạch chưa phải là vấn đề bức xúc nhất. Ở đây có nghề nấu rượu, bà con tận dụng nguồn bã rượu để nuôi lợn, mức độ ô nhiễm do phân lợn thải ra ảnh hưởng nặng nề đến môi trường trên địa bàn của xã. Chính vì thế, khi chủ trương cho vay vốn ưu đãi về đến xã được bà con nhiệt tình đón nhận để đầu tư vào làm hệ thống nước thải, nhiều nhất là làm hầm biogas.

Bà Nguyễn Thị Vướt ở thôn Phú Lộc trước đây có lúc nuôi đến 50 con lợn, thải phân thẳng ra mương nước của thôn, gây ô nhiễm nặng. Khi có chủ trương cho vay làm công trình vệ sinh, bà đã chủ động làm đơn, thông qua Hội Phụ nữ xã vay được 6 triệu đồng và đầu tư thêm 5 triệu đồng nữa để xây hệ thống chuồng trại mới kèm theo hầm biogas. Bà Vướt nói: "Nhiều lần tôi cũng định xây nhưng do thiếu tiền nên chưa làm. Khi đã vay đủ tiền tôi đã xây ngay. Bây giờ không chỉ tôi mà hầu hết các gia đình khác trong thôn đều vay. Nhà thì làm bể biogas, nhà thì làm bể nước... Thôn không còn nặng mùi như trước đây nữa, bệnh tật cũng giảm hẳn". Chị Vũ Thị Lợi -người cũng vay được 6 triệu đồng để xây hầm biogas nói: "Tôi nghe nói nhiều nơi đầu tư hàng tỷ đồng để xây nhà máy nước nhưng dân không dùng. Trong khi đó, nếu để cho dân chúng tôi vay một phần trong số đó, tự xem xét, mình "bẩn" ở đâu, cần xây dựng gì, chắc sẽ không bị lãng phí và đạt được hiệu quả hơn".

Ý kiến làm các công trình NS&VSNT dựa trên nguyện vọng thực tế của dân như chị Lợi cũng là cách nghĩ của nhiều người dân khác. Đó là tín hiệu mừng khi chủ trương này được đưa vào triển khai đại trà trên toàn quốc và dần thực hiện cho vay qua nhóm hộ để đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung.



Sỹ Lực (Theo Báo NTNN)
Báo cáo phân tích thị trường