Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ông chủ thương hiệu gốm mang tên mình
04 | 10 | 2008
Ở tuổi 25, chàng sinh viên Phạm Tự Tại trở thành ông chủ lò gốm trẻ nhất Phù Lãng, Quế Võ, Bắc Ninh. Chàng trai này đã đánh thức thương hiệu gốm Phù Lãng một thời vắng bóng.
Có công mài sắtVũ Hữu Nhung là người tiên phong cho lớp trẻ Phù Lãng cách tân, sáng tạo gốm truyền thống để phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Phạm Tự Tại cũng vậy, từ nhỏ, anh đã nuôi một mơ ước trở thành sinh viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp để có thể mở xưởng gốm theo ý của mình. Nhưng vì thiếu nửa điểm nên anh không thể vào giảng đường đại học.

Tại lựa chọn con đường khác, đi xuất khẩu lao động để vốn về mở xưởng. Ba năm lao động ở Malaysia, anh đã tìm hiểu và được biết gốm Việt Nam được ưa chuộng trên thị trường thế giới.

Trở về quê hương, anh đã xoay xở tìm thêm vốn để mở xưởng. Thế nhưng khi đã mở được xưởng, khó khăn mới thi nhau ập đến. Không biết bao nhiêu lần, mẫu sản phẩm của anh bị lỗi.

Tại không nản, vắt óc tìm cách khắc phục anh phải dùng cách mang sản phẩm cho khách hàng dùng thử, sau đó thu lại cùng ý kiến nhận xét. Sau bao lần chỉnh sửa, sản phẩm với thương hiệu Gốm Tại mới chính thức xuất hiện trên thị trường.

Phạm Tự Tại đã đại diện cho tỉnh Bắc Ninh giành cúp vàng trong hội chợ xúc tiến thương mại và triển lãm nông nghiệp Viêt Nam, khu vực các tỉnh miền Bắc. Hội chợ diễn ra từ ngày 19/9-22/9 tại Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.
Trở thành ông chủ, Tại không quên giấc mơ đại học, anh tâm sự: “Muốn có thương hiệu lâu dài, được khách hàng tin cậy thì mình cũng cần phải hoàn thiện bản thân”. Mẹ anh nói với ánh mắt đầy tự hào: “Thằng Tại nhà tôi đang là sinh viên năm thứ ba Khoa điêu khắc của trường ĐH. Mỹ thuật Công nghiệp”.

Có ngày nên kim!

Sản phẩm Gốm Tại vẫn giữ được cách làm thủ công truyền thống của Phù Lãng, làm nhuyễn đất rồi qua bàn tay vuốt nặn của người làm gốm, từng chiếc bình, chiếc lọ như được thổi vào bao tâm tư, tình cảm của con người. Vẫn sử dụng men truyền thống da lươn đen xanh, dùng lò củi để đốt nhưng Gốm Tại mang nét riêng, ấy là sắc trầm đưa vào gam màu gốm tạo nên sự ấm cúng, cuốn hút.

Khi mở xưởng gốm, Tại đã vạch ra hướng đi cho mình là vẫn phát triển hàng trang trí nội thất nhưng chú trọng vào tư vấn trực tiếp cho khách hàng để có những sản phẩm độc đáo, phù hợp với lối thiết kế riêng của từng căn nhà.

Hiện nay, sản phẩm của anh được xuất khẩu một số nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Pháp… Gặp chị Hà – một khách hàng của anh Tại, chị chia sẻ: “Lúc đầu mình chỉ tình cờ vào xưởng của Tại nhưng thấy sản phẩm gốm có mẫu mã đẹp và độc đáo, nên mình quyết định kí hợp đồng, đưa sản phẩm sang Mỹ”.

Mỗi tháng anh đốt lò một lần, thu về khoảng 20 triệu đồng, và tạo việc làm cho hơn 10 người trong làng. Anh còn ấp ủ một dự định, phát triển làng nghề thành làng du lịch. Anh lại thử nghiệm với một tour du lịch và đã thành công. Anh mỉm cười chia sẻ: “Thất bại tôi gặp nhiều rồi, khó khăn tôi cũng gặp nhiều, nhưng tôi hài lòng với con đường mình lựa chọn”.

Hy vọng gốm Phù Lãng có thêm nhiều ông chủ trẻ như Tại để làm sống lại thương hiệu gốm nức tiếng một thời.



Nguồn: Tiền Phong
Báo cáo phân tích thị trường