Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sữa Mộc Châu giúp nông dân Hà Nội tiêu thụ sữa
09 | 10 | 2008
Trước tình trạng dư thừa lượng sữa tươi ở Ba Vì, Gia Lâm (Hà Nội), Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Thanh Sơn cho biết, cục này đang xem xét phương án cho phép Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La) hỗ trợ thu mua sữa cho người dân hai huyện nói trên.

Ngày 9/10, Cục Chăn nuôi sẽ có cuộc họp bàn cụ thể với các công ty chế biến sữa là Mộc Châu, sữa Hà Nội (Hanoimilk), sữa Quốc tế và các nhà cung cấp sữa lớn về giá cả, phương thức mua, vận chuyển... để giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Ông Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, lãnh đạo Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu đã đồng ý thu mua nguyên liệu sữa cho người chăn nuôi.

Song, ông Sơn lo ngại, vấn đề phức tạp ở chỗ Ba Vì, Gia Lâm hay Tuyên Quang là vùng nguyên liệu truyền thống của Công ty cổ phần sữa Hà Nội (vốn đang giảm doanh thu mạnh do có một số mẫu sản phẩm nhiễm melamine) nên có thể dẫn đến tranh chấp sau khi hoạt động của Hanoimilk trở lại bình thường.

Trao đổi với báo giới, đại diện Hanoimilk cho biết, nếu Mộc Châu tham gia giúp thu mua sữa cho công ty trong thời điểm thì rất tốt, kể cả khi tiêu thụ được 50% sữa nguyên liệu. Tuy nhiên, vị này lo ngại là liệu công suất chế biến của nhà máy có đảm bảo và việc tiêu thụ sữa sẽ ra sao?

Hiện Mộc Châu có tổng đàn bò sữa trên 3.500 con, hàng năm sản xuất trên 7.000 tấn sữa, doanh thu đạt hơn 90 tỷ đồng.

“Trước khi có sự cố sữa nhiễm Melamine, Hanoimilk vẫn thu mua 30-50 tấn sữa tươi/ngày, vào lúc cao điểm còn lên tới 70 tấn sữa/ngày. Song, hiện nay chúng tôi chỉ có thể thu mua từ 10-12 tấn. Ngay mức hạn chế này, Hanoimilk cũng chưa biết sẽ duy trì được bao lâu. Nếu người tiêu dùng còn thiếu tin tưởng vào các sản phẩm của Hanoimilk thì việc chấm dứt các hợp đồng mua sữa là hoàn toàn có thể” - ông Đinh Văn Thịnh, Phó Chủ tịch HĐQT Hanoimilk, nói với báo giới.

Việc doanh nghiệp ngừng mua sữa khiến mỗi ngày nông dân nuôi bò ở Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội (Ba Vì, Phù Đổng), Quảng Ninh, Hưng Yên... chịu thiệt 150 triệu đồng.

Ông Sơn cũng nói rằng, hiện không phát hiện melamine trong sữa tươi ở các hộ nuôi bò sữa ở Việt Nam. Đồng thời, các xét nghiệm một số mẫu thức ăn chăn nuôi cũng chưa tìm thấy chất này. Ngoài vùng bò sữa Ba Vì, Gia Lâm bị ảnh hưởng thì các vùng nuôi bò sữa lớn như Mộc Châu (Sơn La), Củ Chi (TP.HCM) vẫn hoạt động bình thường.



Nguồn: Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường