Mô hình được triển khai thực hiện từ cuối năm 2005 trên 8 hộ ở 2 xã Tân Huề - huyện Thanh Bình và Mỹ An Hưng B – Lấp Vò. Qua phân tích kết quả cho thấy, mô hình trồng rau an toàn có nhiều ưu điểm so với trồng rau thông thường của nông dân.
Trước tiên về mặt kinh tế, đây là mô hình sử dụng theo phương pháp “2 giảm” - tức giảm được từ 30 đến 40% lượng phân bón và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật - nên chi phí sản xuất thấp hơn so với ruộng đối chứng do nông dân tự canh tác, dẫn đến giá thành của trồng rau an toàn thấp hơn và nông dân có lãi nhiều hơn.
Về mặt xã hội, trong quá trình canh tác, mô hình trồng rau an toàn sử dụng phần lớn là phân hữu cơ và thuốc vi sinh nên đảm bảo được sức khỏe người tiêu dùng và ít tác động đến môi trường. Đây là tiêu chí quan trọng để hướng đến xây dựng 1 nền nông nghiệp bền vững mà Bộ NN&PTNT đang thực hiện.
Tại hội thảo, nhiều nông dân và nhà khoa học đánh giá cao mô hình trồng rau an toàn này và bày tỏ mong muốn sau khi nghiệm thu, Viện lúa ĐBSCL sẽ phổ biến rộng rãi để nông dân ứng dụng vào sản xuất. Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc, chủ nhiệm đề tài cho biết: qua quá trình thực hiện đã rút ra được quy trình trồng rau an toàn cho bốn loại: bắp cải, đậu côve, dưa leo, khổ qua và sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Tháp để triển khai nhân rộng trong thời gian tới.