Hiện nay, dân số Việt Nam là 86,5 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, mật độ dân số 227người/km2. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục dân số, tính đến tháng 10 năm nay, trên toàn quốc có 43 tỉnh có gia đình sinh con thứ 3, đạt 95.000 trẻ. Đến cuối năm con số này sẽ là 142.000 trẻ. Như vậy, tỉ lệ này đã tăng 13,8%.
Nguyên nhân chính khiến sinh con thứ 3 là nhiều gia đình hiểu sai Pháp lệnh Dân số năm 2003 về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Vì vậy, chúng ta cần có biện pháp giáo dục tuyên truyền phải thực sự hợp lý, đồng thời, cần có một nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực dân số.
Hiện nay, có tình trạng các bác sĩ thực hiện kỹ thuật can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi, thậm chí nhiều người còn “truyền miệng” các biện pháp liên quan tới việc lựa chọn giới tính. Những hành vi này đã tạo tâm lý xấu cho xã hội, không chỉ gây mất cân bằng giới tính mà sâu xa hơn còn dẫn đến bất bình đẳng giới. Đây là điều mà xã hội ta không thể chấp nhận được.
Bộ Y tế nhận định: Chính tâm lý, tập quán của người dân trong xã hội nông nghiệp, lại chịu ảnh hưởng sâu rộng của tư tưởng nho giáo về việc sinh con, muốn có đông con và phải có con trai để nối dõi tông đường còn rất nặng nề là nguyên nhân khó khăn, phức tạp và lâu dài trong việc thực hiện mục tiêu mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con, bảo đảm cân bằng giới tính và nâng cao chất lượng dân số.
Điều kiện thấp kém của nền kinh tế nông nghiệp (thu nhập thấp, tỷ lệ chết trẻ em còn cao, chưa có bảo hiểm tuổi già,...), tỷ lệ dân số nông thôn cao chiếm tới 73% dân số cả nước, các dịch vụ xã hội chưa phát triển (dịch vụ chăm sóc trẻ thơ, dịch vụ chăm sóc người già ...) là những yếu tố chưa đảm bảo vững chắc để nhân dân chấp nhận quy mô gia đình có 1 hoặc 2 con. Vì vậy, việc tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, không chỉ dừng ở việc hướng dẫn người dân các biện pháp tránh thai, mà hơn thế, đó là một quá trình cải tạo nhận thức, quan niệm về một vấn đề rất lớn của cả thế giới mà cũng rất thiết thực với sự đói, no, hạnh phúc, tiến bộ của mỗi con người.
Thực tế, với mức tăng dân số cao như hiện nay (mỗi năm tăng thêm 1 triệu người, tương đương dân số của 1 tỉnh), chúng ta không thể bảo đảm an sinh bền vững, mà đó còn là một thách thức nữa đối với nền kinh tế nước nhà. Sức ép việc làm, nhà ở, các dịch vụ xã hội ngày càng lớn. Đất chật người đông, khiến cho “chiếc áo” ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng ngày càng “ngột ngạt”.
Gia tăng dân số ảnh hưởng mạnh tới môi trường sống. Đối với Việt Nam, nhiều mục tiêu về dân số - phát triển và thiên niên kỷ đã đạt được, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đang đặt ra cho ngành y tế và các bộ, ngành liên quan: Quy mô dân số 86 triệu người hiện tại vốn đã “quá tải”, nhưng vẫn tiếp tục tăng cho đến khi ổn định mức 115 - 120 triệu với điều kiện ổn định mức thay thế.
Mức sinh đã giảm nhưng tiềm ẩn những nguy cơ thiếu bền vững; tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai trước hôn nhân và ở tuổi thanh niên, vị thành niên còn cao; Tỷ số giới tính khi sinh đã vượt mức bình thường (115 nam/100 nữ); Tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao; các yếu tố về tầm vóc, thể lực còn hạn chế, chiều cao cân nặng và sức bền còn thấp xa so với nhiều nước trong khu vực, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp; tình trạng bệnh dịch, nhất là nhiễm khuẩn đường sinh sản và bệnh lây qua đường tình dục còn cao đáng lo ngại...
Tất cả những khó khăn và thách thức trên đòi hỏi phải thực hiện tốt chiến lược dân số, triển khai tổng thể chương trình nâng cao chất lượng dân số Việt Nam. ổn định quy mô dân số cần phải có thời gian. Hàn Quốc đã tăng thời gian dân số gấp đôi từ 45 năm lên 140 năm; Thái Lan từ 39 năm lên 87,5 năm. ở nước ta, năm 2004 dân số là 82,069 triệu người và tỷ lệ phát triển dân số là 1,38% có thể dự báo, thời gian tăng gấp đôi dân số của nước ta là 50 năm, nghĩa là vào năm 2054 dân số nước ta khoảng 164 triệu người.
Đây là đòi hỏi của thời đại khi nước nhà đang hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là sau khi nước ta gia nhập WTO và trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.